Năm 2013 sẽ tiếp tục là năm mua bán sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam

Trong bối cảnh giải quyết nợ xấu của hệ thống NH hiện nay, có khả năng Chính phủ sẽ cho phép NH nước ngoài mua một tỷ lệ sở hữu đáng kể ở một số NH nhỏ, đủ để kích thích các thương vụ M&A.

Trong bối cảnh giải quyết nợ xấu của hệ thống NH hiện nay, có khả năng Chính phủ sẽ cho phép NH nước ngoài mua một tỷ lệ sở hữu đáng kể ở một số NH nhỏ, đủ để kích thích các thương vụ M&A.

(CafeF) Năm 2012 khép lại có thể xem là một năm khá ấn tượng đối với ngành ngân hàng Việt Nam, nổi lên ở đó là những thương vụ về mua bán sáp nhập (M&A). Những ngày đầu xuân năm mới Quý Tỵ này hãy cùng chúng tôi trao đổi với chuyên gia tài chính Mạc Quang Huy – Tác giả của cuốn "Cẩm Nang Ngân hàng Đầu tư" để có cái nhìn rõ hơn về bức tranh M&A ngành ngân hàng trong năm qua.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường M&A ngân hàng Việt Nam trong năm qua?

Làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam trong năm 2012 đã diễn ra khá sôi động và đa màu sắc với những thương vụ đáng chú ý đại diện cho các màu sắc M&A khác nhau.

Thương vụ sáp nhập 3 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) là thương vụ M&A mang màu sắc “cơ cấu”. Thương vụ Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), mặc dù cũng có chút hơi hướng "cơ cấu" nhưng về cơ bản thể hiện màu sắc thương mại của một M&A thân thiện. Thương vụ Ngân hàng Eximbank đại diện cho nhóm cổ đông lớn mua thâu tóm Sacombank mang màu sắc thương mại M&A thù nghịch.

Thương vụ Mizuho Corporate Bank mua 15% cổ phần của Vietcombank với giá 567 triệu USD và Tokyo-Mitsubishi UFJ mua 20% cổ phần của Vietinbank với giá 743 triệu USD mang màu sắc M&A chiến lược trên cơ sở “thân thiện” và được coi là những mega deals (thương vụ lớn) về M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Nhìn lại các thương vụ M&A ngân hàng trong năm 2012 ông ấn tượng nhất với thương vụ nào? Vì sao?

Ở góc độ cá nhân, tôi ấn tượng nhất thương vụ Ngân hàng Habubank sáp nhập vào SHB bởi đây là một cuộc M&A tương đối đúng bản chất và được diễn ra một cách khá “thân thiện” và “tích cực”.

Xét về yếu tố kỹ thuật, việc Habubank sáp nhập vào SHB đã giúp cho quy mô của SHB tăng lên đáng kể cả về tổng tài sản, số lượng chi nhánh cũng như cơ sở khách hàng.

Nếu có một chiến lược tích hợp hậu sáp nhập một cách bài bản thì SHB có thể tạo gia các giá trị mới từ việc tăng quy mô, thị phần, ưu đãi thuế và khả năng cạnh tranh từ đó tăng giá trị cho cổ đông và cải thiện chất lượng thương hiệu cho SHB.

Tuy nhiên, các vấn đề mà SHB gặp phải trong quá trình hậu sáp nhập cũng không phải nhỏ.

Trước sáp nhập, người ta vẫn kỳ vọng về một ngân hàng mới lớn hơn, mạnh hơn nhưng dường như trường hợp hậu sáp nhập của SHB - Habubank lại cho một cái nhìn khác (xung đột về nhân sự, lộ diện các khoản nợ xấu...), theo Ông giá trị cộng hưởng sau mỗi vụ sáp nhập ngân hàng có phải vẫn luôn là một ẩn số không?

Các thương vụ M&A đều có chung một kỳ vọng là tạo ra giá trị cộng hưởng trên mọi phương diện. Tuy nhiên, như đã nói trên, việc xây dựng và triển khai một kế hoạch hậu sáp nhập là một vấn đề không đơn giản.

Về cơ bản, bên mua có thể lên kế hoạch và lượng hóa được những lợi ích từ việc cắt bỏ một số bộ phận, chi phí trùng lắp, đóng cửa một số chi nhánh, tập trung hóa các hoạt động vận hành, cắt giảm định phí cũng như lượng hóa những chi phí liên quan đến hậu sáp nhập.

Tuy nhiên, bên mua vẫn có thể gặp những “sự ngạc nhiên khó chịu” trong quá trình triển khai do chưa thẩm định bên bán một cách kỹ lưỡng (Ví dụ: phát hiện lượng nợ xấu thực tế cao hơn đánh giá ban đầu hay phát hiện ra các khoản công nợ tiềm ẩn mà trước đó không được biết đến).

Một ẩn số khó đoán nhất đó chính là vấn đề xung đột văn hóa và chính sách nhân sự giữa hai tổ chức đặc biệt trong văn hóa người Việt Nam còn nặng suy nghĩ “bên thắng, bên thua”.

Nếu không có tư vấn chuyên nghiệp và lên kế hoạch chi tiết, vấn đề xung đột văn hóa không được giải quyết thì những lợi ích từ việc tích hợp hai tổ chức khó mà đạt được.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ được chứng kiến những thương vụ giải thành công bài toán “hậu M&A”.

Theo ông bức tranh về M&A lĩnh vực ngân hàng trong năm 2013 sẽ như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, năm 2013 sẽ tiếp tục là năm M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam xuất phát từ hai yếu tố.

Thứ nhất, M&A là một nội dung của chương trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng của theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để hướng tới một hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay, có khả năng Chính phủ sẽ cho phép ngân hàng nước ngoài mua một tỷ lệ sở hữu đáng kể ở một số ngân hàng nhỏ, đủ để kích thích các thương vụ M&A.

Thứ hai, M&A hiện đang là xu thế trong quá trình hội nhập quốc tế và M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước đang phát triển. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ bởi hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện khá tản mạn.

Thực tế, một số ngân hàng cũng đã xác định chiến lược phát triển bài bản của mình thông qua M&A để hình thành nên những định chế tài chính có sức cạnh tranh hơn. Việc hợp nhất sẽ giúp Việt Nam có được những ngân hàng có tầm cỡ quy mô khu vực.

Hiện ngân hàng lớn nhất Việt Nam mới có quy mô vốn khoảng 2 tỷ USD, và tổng tài sản khoảng 25 tỷ USD trong khi nhiều ngân hàng khu vực có quy mô lớn hơn hàng chục lần.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Khánh Linh (thực hiện)

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/nam-2013-se-tiep-tuc-la-nam-mua-ban-sap-nhap-trong-linh-vuc-ngan-hang-tai-viet-nam-2013020909148776ca34.chn