Mỹ muốn “tước” vũ khí Nga của Syria

(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây đã lên tiếng kêu gọi Nga ngừng cung cấp vũ khí cho Syria trong bối cảnh quốc gia Trung Đông đang chìm trong các cuộc bạo lực đẫm máu khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng. "Chúng tôi muốn thấy Nga không còn cung cấp vũ khí cho chính quyền Tổng thống Assad", bà Hillary đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 11/8 trên đài truyền hình CBS của Mỹ.

Nga đã ngừng xuất khẩu vũ khí sang Iran và Libya và giờ đây, các quan chức ở Washington lại đang muốn Nga cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho Syria. Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Nga đã cùng cộng đồng quốc tế lên án tình hình bạo lực ở Syria và Tổng thống Dmitry Medvedev mới đây đã đe dọa sẽ “đưa ra một quyết định” nào đó với chính quyền của Tổng thống Assad nếu ông này không khôi phục lại hòa bình và tiến hành cải cách trong nước. Tuy nhiên, để chấm dứt xuất khẩu vũ khí cho Syria theo yêu cầu của Washington là việc làm rất khó khăn đối với Moscow. Nó không chỉ liên quan đến quyền lợi của các nhà sản xuất vũ khí ở Nga mà còn ảnh hưởng đến chính sách Trung Đông đầy phức tạp của giới lãnh đạo Nga. Trong những năm gần đây, mối quan hệ quân sự giữa Nga và Syria thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích từ Tel Aviv và Washington. Moscow đã buộc phải cắt bỏ một số hợp đồng vũ khí song phương để tránh làm leo thang căng thẳng. Một trong những ví dụ điển hình là việc Nga hủy hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander E cho Syria hồi năm 2005. Tuy nhiên, thông tin về những hợp đồng vũ khí giữa Nga và Syria vẫn thường xuyên xuất hiện. Nga được cho là sẽ cung cấp những máy bay chiến đấu hiện đại cho Syria, gồm các loại chiến đấu cơ thuộc họ Su-30, máy bay đánh chặn cao cấp MiG-31E, và các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300PMU-2 Favorit. Đến nay, Nga đã chính thức xác nhận việc ký kết 3 hợp đồng xuất khẩu vũ khí với Syria với trị giá lên tới 2,5 tỉ USD. Đây là con số do Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga tiết lộ. Theo những hợp đồng này, Nga cam kết cung cấp cho Syria 24 máy bay chiến đấu MiG-29M/M2 mới và những bệ phóng tên lửa phòng không Buk-M2E cùng với việc nâng cấp 1.000 xe tăng T-27M thành xe tăng T-72M1M. Ngoài 3 hợp đồng trên, Nga được cho còn có 3 hợp đồng vũ khí khác với Syria. Một trong số này là hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển Bastion. Hợp đồng đó là nguyên nhân gây ra một cuộc tranh cãi kéo dài từ năm 2007 đến giờ. Bastion là một hệ thống vũ khí hiện đại được trang bị các tên lửa chống hạng siêu âm Yakhont. Phiên bản không xuất khẩu của Bastion là onix. Onix sẽ là vũ khí chủ lực của các hạm đội tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Nga. Bị đẩy vào tình trạng khó xử do sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Israel, giới lãnh đạo quân sự Nga lúc thì phủ nhận hợp đồng Bastion, lúc lại ám chỉ sẽ hủy bỏ hợp đồng đó. Phản ứng này của Moscow là hoàn toàn dễ hiểu. Tiền bạc và chính trị Nga đã tham gia thực hiện các biện pháp trừng phạt về vũ khí với Iran và Libya, ngừng mọi hợp đồng cung cấp vũ khí quân sự cho hai nước này. Việc mất các hợp đồng với Libya không gây ảnh hưởng nặng nề gì với Nga trong bối cảnh Tổng thống Muammar Gaddafi thường xuyên khéo léo một mặt hứa hẹn với Nga rất nhiều nhưng lại dành quyền ưu tiên cao nhất cho các công ty xuất khẩu vũ khí Châu Âu. Tuy nhiên, việc ngừng cung cấp vũ khí cho Iran dù bất kỳ lý do gì cũng đã giáng một đòn đánh cực kỳ mạnh vào doanh thu xuất khẩu vũ khí của các tập đoàn sản xuất vũ khí của Nga, đặc biệt là những nhà sản xuất hệ thống phòng thủ trên không. Theo ước tính, hợp đồng cung cấp 5 hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU mà Nga ký với Iran có trị giá vượt quá 800 triệu USD. Chưa kể, Nga còn phải bồi thường thêm 400 triệu USD vì đã đơn phương tự cắt bỏ hợp đồng. Hợp tác quân sự với Syria luôn là một “cái dằm” trong quan hệ Mỹ-Nga, thậm chí từ thời Xô-viết. Và sau khi Liên Xô sụp đổ, nhu cầu vũ khí của Syria đã vượt quá khả năng cung cấp của Nga. Nếu như trước đây, việc Nga cung cấp vũ khí cho Syria dù bị Israel và Mỹ phản đối gay gắt thì vẫn có thể diễn ra thì nay mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều. Việc đất nước Syria đang chìm trong bất ổn đã đẩy Nga vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu đồng ý với yêu cầu của Nhà Trắng là không cung cấp vũ khí cho Syria, Nga có thể mất rất nhiều tiền cũng như mất thị phần trong thị trường xuất khẩu vũ khí công nghệ cao. Còn nếu từ chối đề nghị của Mỹ, Nga có thể làm phức tạp mối quan hệ vốn đã khó khăn giữa nước này với Mỹ và NATO về các vấn đề liên quan đến lá chắn tên lửa và hạt nhân. Nó cũng có thể làm ảnh hưởng xuất đến quá trình tái cài đặt mối quan hệ song phương giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh. Kiệt Linh - (theo RIA, THX)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=239395