Mỹ hoảng sợ trước tên lửa diệt hạm của Syria

Giới quan chức quân sự và nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đang nổi giận đùng đùng trước tin Nga chuyển giao tên lửa chống hạm siêu âm tối tân Yakhont cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tên lửa Yakhont

Một loạt quan chức dân sự và quân sự Mỹ hôm qua (17/5) đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích kịch liệt hành động của Moscow .

Phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc, Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, cho rằng: “Đó là một quyết định không may mắn, khiến chính quyền Syria thêm bạo gan và kéo dài nỗi khổ đau của người dân. Rõ ràng, hành động đó không hề đúng lúc và không thích hợp”.

"Việc Nga cung cấp vũ khí cho Syria là một hành động đáng thất vọng và sẽ gây cản trở cho nỗ lực thúc đẩy một tiến trình chính trị có lợi nhất cho người dân Syria và khu vực”, Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker – nhân vật Đảng Cộng hòa cấp cao nhất trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã góp thêm như vậy.

“Giờ là lúc khẩn cấp hơn rất nhiều để Mỹ tăng cường sự giúp đỡ cho phe đối lập – lực lượng có thể dẫn dắt Syria thời hậu Assad", ông Corker nói thêm.

Nhà lãnh đạo Syria đang đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng từ phía Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đòi ông này phải từ chức. Áp lực này càng lớn khi mà có thông tin cho rằng quân chính phủ Syria có thể đã sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường trong nước.

"Nga đang che chở cho một nhà độc tài và bảo vệ cho một chính quyền thối nát. Chúng ta có thể đứng từ bên ngoài theo dõi cán cân đang nghiêng về phía ông Assad hoặc chúng ta có thể đứng ra bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ bằng cách hậu thuẫn cho phe nổi dậy đang tìm cách xây dựng một tương lai mới cho đất nước Syria”, Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, đã dùng những từ gay gắt như vậy để chỉ trích Moscow và kêu gọi Washington hành động.

Trước đó, hôm 16/5, một số quan chức Mỹ giấu tên đã tiết lộ trên tờ New York Times rằng, Nga gần đây vừa gửi một phiên bản hiện đại hơn của tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont cho Syria. Tên lửa này được trang bị hệ thống radar tối tân hơn. Diễn biến này đã đẩy phe nổi dậy Syria vào tình thế thêm khó khăn và có thể phá vỡ nỗ lực nhằm áp đặt một lệnh cấm vận hải quân hay lệnh cấm bay ở Syria của các cường quốc phương Tây.

Lời giải thích từ Nga

Thông tin về việc Moscow gửi tên lửa Yakhont cho Syria được đưa ra chỉ vài ngày sau khi báo chí cũng rộ lên tin về việc chính quyền của Tổng thống Assad đã có trong tay những tên lửa phòng không tối tân S-300 của Nga. Tất cả những thông tin kiểu này đang khiến phương Tây và Mỹ “sôi sùng sục”.

Có thể nói, trong hai tuần qua, Mỹ và các đồng minh dường như đã làm mọi thứ chỉ thiếu nước đồng loạt quỳ xuống van xin Nga ngừng cung cấp vũ khí cho chính quyền Assad. Chỉ riêng trong tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón 3 trong số những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới phương Tây – Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 7/5, Thủ tướng Anh David Cameron 3 ngày sau đó và cuối cùng là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ngoài ra, Tổng thống Barack Obama còn trực tiếp gọi điện cho người đồng cấp Putin hôm 29/4. Tất cả đều vì mục đích thuyết phục Moscow không cung cấp thêm vũ khí cho chính quyền Syria .

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi của phương Tây và Israel , trong đó có cả những lời đe dọa đầy ớn lạnh, Nga hồi tuần trước đã khẳng định rõ ràng rằng, họ sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không tối tân S-300 cho chính quyền của ông Assad. Tuần này, tờ New York Times đưa tin, Nga không chỉ cung cấp những hệ thống phòng không S-300 tinh vi cho Syria mà còn đang chuyển những tên lửa diệt hạm hàng đầu Yakhont cho chính quyền này. Tên lửa Yakhont có thể gây tổn hại lớn cho bất kỳ lực lượng hải quân nước ngoài nào muốn tìm cách can thiệp vào Syria hay cung cấp hậu cần cho lực lượng nổi dậy ở đất nước Trung Đông thông qua đường biển.

Tại sao Nga lại kiên quyết cung cấp vũ khí cho Damascus bất chấp những lời khẩn cầu từ phương Tây? Theo lời giải thích của Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga – ông Andrei Klimov, việc nước này cung cấp các vũ khí hiện đại cho chính quyền Assad “chỉ đơn giản là để tạo điều kiện thích hợp và thuận lợi” cho tiến trình đàm phán về sự ra đi của ông Assad.

“Nói một cách đơn giản, S-300 sẽ dập tắt bất kỳ nỗ lực nào nhằm tấn công vào Syria từ bầu trời nếu đó là ý định thực sự của các đối tác của chúng tôi”, ông Klimov nói. Theo lời ông này, tất cả những việc Moscow đang làm là để tránh mắc lại sai lầm ở Libya trước đây.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria là nơi chứng kiến sự đối đầu giữa các cường quốc thế giới. Các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu mâu thuẫn với Nga và Trung Quốc về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Syria . Nếu như phương Tây muốn Tổng thống Assad phải từ chức thì Nga, Trung lại tìm cách chống lại nỗ lực thay đổi chính quyền ở đây. Nga - vốn là một đồng minh thân thiết của Syria , kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp của phương Tây vào chính trường đất nước Trung Đông. Nga tuyên bố sẽ không để các cường quốc phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai.

Quan điểm của Moscow và Bắc Kinh là, số phận của ông Assad phải do chính người dân Syria quyết định. Nga đã phải đối diện với rất nhiều sức ép từ Mỹ và phương Tây trong vấn đề Syria bởi nước này được xem là một trong số rất ít nước có ảnh hưởng lớn đối với chính quyền của Tổng thống Assad.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_1160030/my_hoang_so_truoc_ten_lua_diet_ham_cua_syria.html