Mỹ 'bắt tay' Trung Á, Nga 'lãi nhất'

(Zing) - Vũ khí cùng hàng tiếp tế cho quân đội phương Tây tại Afghanistan sẽ đi qua nhiều nước Trung Á từ cuối năm nay; gián tiếp giúp Nga phát triển kinh tế, giảm sự hiện diện của Trung Quốc...

Nga mở đường cho Mỹ đi qua Trung Á

Mới đây, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tiết lộ thỏa thuận cho phép vũ khí, khí tài trang bị cho quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan quá cảnh qua lãnh thổ của các quốc gia Trung Á (bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan).Thỏa thuận này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay.

Giới phân tích nhấn mạnh, thỏa thuận này có thể được thông qua là nhờ Tổng thống Nga Vladimir Putin “bật đèn xanh”. Lý do là Kyrgyzstan và Uzbekistan không đời nào cho phép hàng tiếp tế của Mỹ quá cảnh qua lãnh thổ của họ nếu không nhận được cái gật đầu từ điện Kremlin.

Thỏa thuận quá cảnh hàng tiếp viện của Mỹ là sự thay thế cho tuyến đường vận tải thông qua lãnh thổ Pakistan đang bị phong tỏa bởi sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh chống khủng bố một thời Mỹ - Pakistan.

Việc Pakistan chặn tuyến đường vận tải liên quan đến vụ Mỹ không kích nhầm, giết 24 lính biên phòng nước này hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Tuyến đường hàng không giữa căn cứ không quân Bagram của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng vì thế mà bị gián đoạn, gây không ít khó khăn cho hoạt động hậu cần của Mỹ tại Afghanistan.

Mỹ có thể hợp tác với Trung Á là nhờ Tổng thống Nga Putin đồng ý.

Về phía các nước Trung Á, các lãnh đạo CSTO tháng 11/2011 từng thống nhất không triển khai các căn cứ quân sự của các nước thứ 3 trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, mọi cam kết đều có thể thay đổi khi các lợi ích được đặt lên bàn cân.

“Tất cả các quốc gia Trung Á đang chờ đợi năm 2014. Và ai trong số họ cũng muốn tận dụng cơ hội này, chủ yếu là nhằm vào các khoản hỗ trợ tài chính từ các quốc gia thành viên NATO”, lãnh đạo đảng Phục hưng Hồi giáo Tajikistan Kabiri cho hay.

Chẳng hạn, Tajikistan mong nhận được các thiết bị quân sự cho lính biên phòng và công nghệ cho quân đội hoạt động ở các vùng đồi núi hiểm trở. Trong khi đó, Kyrgyzstan lại muốn sở hữu các máy bay không người lái.

Trong khi đó, thỏa thuận chiến lược này cũng hứa hẹn giúp củng cố địa vị của Mỹ trong khu vực, đương nhiên, không chỉ nhờ các khoản phí vận tải quá cảnh mà còn thông qua các “món hời” khác dưới dạng vũ khí, khí tài mà Mỹ “thưởng” cho các quốc gia Trung Á.

Nga "trục lợi" quan hệ Mỹ - Trung Á

Trong quan hệ chính trị quốc tế, cường quốc này sẽ rất hiếm khi giúp đỡ một cường quốc khác nếu không nhìn thấy cái lợi về mặt tài chính hay bất cứ lợi ích nào khác. Trong chiến tranh Thế giới II, Mỹ ủng hộ Đế quốc Anh và cũng nhờ Anh để mở rộng thương mại, xây dựng đế chế, trở thành cường quốc số 1 thế giới như ngày nay.

Ngày nay, gần như tất cả hàng tiếp viện của Mỹ muốn tới được tay quân đội NATO tại Afghanistan phải đi qua lãnh thổ của Nga hoặc các quốc gia Trung Á được Nga “bảo trợ” với thỏa thuận vận tải quá cảnh mới ký giữa Mỹ và các quốc gia này. Do đó, giới chuyên gia nhấn mạnh, Kyrgyzstan và Uzbekistan sẽ không bao giờ để hàng tiếp viện của Mỹ đi qua lãnh thổ của họ nếu không nhận được cái gật đầu của Tổng thống Nga Putin.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao tân Tổng thống Nga lại chịu “giúp” Mỹ khi giữa Moscow và Washington vẫn tồn tại nhiều bất đồng, khúc mắc chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa, Libya và Syria. Ngoài ra, không ít lần căng thẳng Nga – Mỹ còn bị thổi bùng lên bởi các phát ngôn chính thức lẫn không chính thức đầy khiêu khích Nga của Nghị sỹ Mitt Romney, “ngôi sao của đảng Cộng hòa”. Đối thủ đáng gờm nhất của Tổng thống Obama từng tuyên bố Nga là đối thủ số 1 của Mỹ trên thế giới.

Nhiều người gợi ý, với phát ngôn thiếu cẩn trọng và thái độ thù địch với Nga bởi Nghị sĩ đảng Cộng hòa Romney, Tổng thống Nga Putin có thể cảnh cáo “người đồng nhiệm tiềm năng trong tương lai” ngay rằng: “nếu Nga là kẻ thù số 1 hoặc bị đối xử như kẻ thù số 1 của Mỹ thì ông hoàn toàn có khả năng bỏ mặc quân đội viễn chinh của Mỹ và châu Âu “ngắc ngoải” trên các vùng núi Trung Á".

Gạt bỏ các bất đồng cũ-mới, Nga và Mỹ không chỉ có những lợi ích chung liên quan đến Afghanistan mà quan trọng hơn, cũng có không ít mối bận tâm chung liên quan đến địa chính trị của khu vực Trung Á. Trong quan điểm của điện Kremlin, các tuyến đường vận tải hậu cần qua Trung Á cho quân đội Mỹ ở Afghanistan có vai trò vô cùng quan trọng và chứng tỏ sự hợp tác Nga – Mỹ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, tất nhiên, kẻ ít người nhiều là điều khó tránh.

Đầu tiên, Nga và Mỹ chia sẻ mối bận tâm chung trong việc chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan cũng như ở những khu vực khác. Trong những năm gần đây, Nga đau đầu với các hành động gây rối của các chiến binh cực đoan vùng Caucasus (bao gồm các chiến binh Chechnya, Dagestan và Ossetia). Do đó, đương nhiên, Nga không mong đợi các lực lượng này giành lại quyền kiểm soát Afghanistan sau khi quân đội quốc tế rút đi, rồi lấy đó làm bàn đạp xâm nhập và làm rối loạn Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan – các nước nằm dưới “sự bảo trợ” của Nga. Trên thực tế, các phong trào Hồi giáo tại khu vực này đã là mối quan ngại của Nga từ thời Liên Xô cũ, nếu không muốn nói là từ thời Sa Hoàng.

Thứ 2, Tổng thống Putin nhận thấy rõ những lợi ích về mặt kinh tế mà Nga có thể thu được nhờ thỏa thuận quá cảnh giữa Mỹ và các quốc gia Trung Á. Thêm vào đó, ông còn biết cách biến sức mạnh của đối thủ thành lợi thế cho mình.

Cụ thể, cái lợi mà tân Tổng thống Nga nhìn thấy từ thỏa thuận quá cảnh giữa Mỹ và Trung Á là Mỹ sẽ chi tiền để xây dựng, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các tuyến đường tiếp tế cho quân đội NATO tại Afghanistan bao gồm đường bộ, đường sắt cũng như các kho bãi chạy từ biển Đen và biển Baltic vào Trung Á.

Trước đó, trong suốt cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865), việc xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông liên lạc và đường sắt bởi quân đội Mỹ đã góp phần không nhỏ giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ bùng nổ mạnh mẽ. Trong khi đó, suốt Chiến tranh thế giới II, Mỹ lại xây dựng các cảng và các căn cứ không quân khắp thế giới, giúp mở rộng hoạt động thương mại toàn cầu sau này, đưa Mỹ lên vị trí cường quốc số 1 thế giới. Chưa hết, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, các cảng cũng như các cơ sở hậu cần của Mỹ sau này đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chính phủ Việt Nam sau khi Mỹ rút quân năm 1975.

Nếu Mỹ tái hiện việc này ở Trung Á, không chỉ Nga mà các quốc gia trong khu vực đương nhiên sẽ được hưởng lợi từ các cơ sở hạ tầng được đầu tư bởi Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Các tập đoàn và các công ty của nhiều quốc gia sẽ sẵn cơ sở hạ tầng phát triển của Mỹ để dễ dàng xúc tiến các hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào bao gồm các mỏ đồng, sắt và đất hiếm của Afghanistan, mang chúng ra ngoài đất nước này, biến chúng thành những khoản lợi nhuận kếch xù.

Thêm vào đó, Nga có thể nhận thấy các tiềm năng kinh tế nhờ cơ sở hạ tầng do Mỹ đầu tư có khả năng giúp ổn định tình hình khu vực, góp phần làm giàu thêm ngân sách quốc gia Nga cũng như giới hạn hoặc cân bằng sự hiện diện đáng kể của Trung Quốc tại Trung Á. Điều này càng quan trọng khi trong những năm gần đây, “người khổng lồ ngủ say Trung Quốc” bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Còn Nga thì không. Quyền lực của Trung Quốc ngày càng được củng cố và gia tăng với tham vọng dường như không có giới hạn của giới lãnh đạo nước này. Trong khi đó, Nga dường như chỉ “dậm chân tại chỗ”, nếu không muốn nói là trì trệ và chậm tiến.

Đối với Moscow, sự bành trướng trên phương diện kinh tế của con rồng châu Á tại Trung Á có thể dẫn đến những ảnh hưởng khác lớn hơn nhiều. Trong đó, nguy hiểm nhất là, từ ảnh hưởng kinh tế, Bắc Kinh thiết lập được ảnh hưởng chính trị tại các quốc gia Trung Á, khôi phục lại địa vị thống trị của họ trong khu vực này như trong quá khứ.

Nói như vậy không có nghĩa, Nga có ý định liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Nga hoàn toàn không muốn đối đầu với Trung Quốc và tương tự, Trung Quốc cũng vậy, ít nhất là tại thời điểm này. Tuy nhiên, mục tiêu của Nga là thúc đẩy cho sự phát triển cân bằng phi Trung Quốc tại Trung Á và điều chỉnh quan hệ tay ba giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ trong khu vực, trong đó, Mỹ sẽ giữ ảnh hưởng ít nhất ở Trung Á.

Mặt trái

Bên cạnh mặt lợi ích, thỏa thuận quá cảnh giữa Mỹ và các quốc gia Trung Á không phải không tồn tại bất cứ hạn chế nào

Các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ lợi dụng tuyến đường quá cảnh qua Trung Á để vận chuyển thuốc phiện, có khả năng làm tình hình an ninh khu vực này trở nên phức tạp và bất ổn. NATO nhân cơ hội đó sẽ “đóng đinh” ở đây. Những cái chết đầy bí ẩn của lính biên phòng Kazakhstan thời gian gần đây có thể là dự báo cho một tương lai ảm đạm mà thỏa thuận quá cảnh có thể mang lại.

Ngoài ra, thỏa thuận cho phép Mỹ vận chuyển vũ khí, khí tài và hàng tiếp viện tới Afghanistan thông qua lãnh thổ Trung Á – khu vực tiếp giáp với biển Caspian sẽ khiến Iran quan ngại, bất an bởi nguy cơ bị bao vây ở tất cả các mặt bởi quân đội Mỹ và cũng có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc.

Phương Đăng

Theo Infonet

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/the-gioi/my-bat-tay-trung-a-nga-lai-nhat/a255370.html