Mùa thu cách mạng nhớ Ngân Giang

Cuộc đời nữ thi sĩ Ngân Giang là một cuộc đời đặc biệt. Dù ở hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy, bà lúc nào cũng vẫn vẹn nguyên tinh thần dân tộc như chính những vần thơ của bà: “Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn/ Để dòng máu giặc dội biên cương”.

Nữ sĩ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho học 5 đời thờ Phật. Bộc lộ tài thơ thiên phú từ nhỏ, mới 8 tuổi cô bé Đỗ Thị Quế đã có tác phẩm đầu tay “Vịnh Kiều” được đăng trên tờ Đông Pháp. Thời điểm này thơ của bà còn mang nặng tính cổ điển do chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình. Tuy nhiên, “làn gió cách mạng” đã mang lại những ảnh hưởng sâu sắc lên thơ của Ngân Giang. Sau một thời gian tham gia làm giao liên cho Đoàn Thanh niên Cộng sản, thơ của bà bắt đầu chuyển mình theo lối hào sảng, đề cao tinh thần dân tộc, khích lệ lòng yêu nước và hoàn thiện hình ảnh người phụ nữ trong thời loạn ly.

Nữ thi sĩ Ngân Giang trong một buổi giao lưu khi còn sinh thời.

Năm 1939 đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp thơ ca của nữ sĩ với sự ra đời của “Trưng nữ vương” - tác phẩm nay đã được liệt vào hàng kinh điển trong dòng văn học cách mạng. Những vần thơ lừng lững khí phách nhưng cũng chất chứa một nỗi cô đơn chất ngất của vị nữ vương mất chồng: "Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa. Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi. Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá! Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi" đã giúp tên tuổi của Ngân Giang vang vọng từ Nam ra Bắc. Bốn năm sau đó tập thơ “Tiếng vọng sông Ngân” ra mắt đã đưa bà lên vị trí những người được yêu thích nhất trên thi đàn Việt Nam.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Cũng như nhiều bậc văn sĩ lúc bấy giờ, Ngân Giang cũng để bản thân hòa vào dòng thác cách mạng, đem hết tâm sức sáng tác những tuyệt phẩm thi ca cổ vũ cho cuộc kháng chiến. Đặc biệt, để tỏ lòng tôn kính các vị anh hùng dân tộc, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngân Giang đã đem hết tài nghệ thêu thùa được học từ thuở nhỏ thêu cả một bài thơ "Kính dâng các bậc anh hùng dân tộc" vào một tấm vóc đại hồng và gửi tặng Bác Hồ. Những câu thơ đầy khí phách "Ta say uy võ Trần Hưng Đạo, ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh. Nhật nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh. Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh..." được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức tâm đắc và mang đi giới thiệu với nhiều chính khách thời bấy giờ. Bác còn đích thân sáng tác hai câu thơ để cảm tạ bầu nhiệt huyết của nữ sĩ: Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.

Ngày 17/8/2002, Ngân Giang trút hơi thở cuối cùng mang theo tất cả những vinh quang của một nữ hoàng Đường thi Việt Nam với hơn 4.000 thi phẩm được truyền tụng trong văn thơ nước nhà.

Đêm thơ vũ nhạc ngày 26/8/2015

Đất nước Cờ hoa là chủ đề chương trình thơ vũ nhạc sẽ diễn ra vào 18 giờ 30 ngày 26/8/2015 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Tân Bình, số 448 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Đây là chương trình Chào mừng Cách mạng Tháng Tám mùa thu và Quốc khánh 2-9 do Câu lạc bộ Thơ ca Tân Bình tổ chức với các tác phẩm nổi tiếng của các nhà thơ và nhạc sĩ như Tố Hữu, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Minh Tuấn, Phan Lạc Hoa, Lư Nhất Vũ, Trịnh Công Sơn, Thế Hiển, Lê Mây, Trọng Hàm,

GS Đăng Diệp, Đình Bật, Ngọc Sơn, Việt Nhân, Hoàng Thị Vinh, Đình Sinh, Nhật Thu, Thanh Hiền, Hoàng Minh Dẫn, Thành An, Như Vân, Lý Phương Liên. Đặc biệt có các tác phẩm thơ của cố nữ sĩ Ngân Giang với 8 câu thơ “kính dâng các bậc anh hùng dân tộc”, mà bà đã tự tay thêu trên tấm tơ tằm, đem đến nơi làm việc của Bác để tặng ngay sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Chương trình được chính con gái bà là nữ nghệ sĩ Hoài Anh biên tập cùng đoàn nghệ thuật “Tiếng vọng sông Ngân” (tên tập thơ lớn của nữ sĩ Ngân Giang phát hành năm 1946).

Theo Người Tiêu Dùng

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/the-thao-giai-tri/nguoi-noi-tieng/201508/mua-thu-cach-mang-nho-ngan-giang-2436932/