Một số kết quả thực hiện các chính sách dân tộc ở nước ta

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định: “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam”. Do vậy, vùng miền núi, dân tộc luôn được quan tâm đầu tư đặc biệt qua hệ thống chính sách toàn diện, từ hỗ trợ phát triển kinh tế đến đảm bảo an sinh xã hội.

Chính sách dân tộc được ban hành nhằm mục tiêu thực hiện triệt để quyền bình đẳng mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ít người và đông người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đều phát triển về mọi mặt, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Giàng Seo Phử-Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Với quan điểm đường lối của Đảng, cùng với tiềm lực của đất nước ngày càng mạnh lên nên chưa bao giờ vùng miền núi, dân tộc lại nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước như hiện nay. Thống kê của Ban chỉ đạo các chương trình giảm nghèo quốc gia cho biết: chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2010, ngoài Chương trình 135 giai đoạn II, Chính phủ đã ban hành 15 Nghị định, 72 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 Quyết định của các Bộ, ngành nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số theo từng lĩnh vực. Nhìn chung, hệ thống chính sách được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực đã có tác động rất lớn đến các sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, dân tộc. Kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc đã có bước tăng trưởng khá, ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đã giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% cuối năm 2010. Thông qua việc thực hiện hệ thống chính sách dân tộc, bộ mặt nông thôn-miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt. Sự nghiệp y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, phát thanh-truyền hình phát triển nhanh chóng; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học đạt 95%; khống chế và thanh toán được các dịch bệnh chủ yếu như: sốt rét, bướu cổ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú, bản sắc văn hóa được phục hồi và phát triển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, biên giới quốc gia được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường và củng cố. Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Dân tộc thì một số nội dung chính sách đã được thực hiện đạt được kết quả cao, đó là: Hỗ trợ về nhà ở được 373.400 ngôi nhà, đạt 111% kế hoạch với chất lượng nhà đảm bảo, đủ tiêu chuẩn 3 cứng: cứng nền, cứng vách và cứng mái. Với mức hỗ trợ bình quân của Nhà nước từ 7-10 triệu, nhiều gia đình đã đầu tư thêm và vay mượn của người thân đã xây được ngôi nhà khang trang, kiên cố với giá trị từ 20-30 triệu đồng. Về đất ở, các địa phương đã hỗ trợ được 1.552 ha cho 71.713 hộ, đạt 82% kế hoạch. Đối với đất sản xuất, tổng diện tích đã hỗ trợ là 27.763 ha cho 85.563 hộ. Vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ hoàn thành cao nhất so với kế hoạch, đạt 98% số hộ và 88% diện tích. Chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống được thực hiện hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng với các nội dung: giống, phân bón, muối Iốt, dầu hỏa thắp sáng, giấy vở học sinh. Với những chính sách đã được thực thi, nhất là Chương trình 135, Quyết định 134, 167, từ Bắc vào Nam, đồng bào đều ghi nhận đây là những chương trình đầu tư hiệu quả nhất, hợp lòng dân nhất. Tuy vậy, cũng theo tổng kết của Ủy ban Dân tộc, nhiều các chính sách đặc thù dành cho vùng dân tộc, miền núi chưa hoàn thành kế hoạch mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn được cấp thiếu và do những khó khăn nội tại đặc thù tại khu vực này. Chẳng hạn như Chương trình 135 giai đoạn II, vốn đầu tư hỗ trợ trong 5 năm bình quân đạt 5,2 tỷ đồng/xã và 0,65 tỷ đồng/thôn trong khi nhu cầu đầu tư, hỗ trợ bình quân mỗi xã khoảng 20 tỷ đồng và mỗi thôn, bản từ 3-5 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tại 43 tỉnh trong cả nước, nhưng do thiếu quỹ đất nên tại khu vực Bắc Trung Bộ chỉ đạt 61% kế hoạch về số hộ và 54% về diện tích; thấp nhất là vùng Đông Bắc, chỉ đạt 34% số hộ và 38% diện tích. Hay như chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định 126/2008/QĐ-TTg, từ năm 2008-2010, ngân sách TW mới bố trí gần 677 tỷ đồng, đạt 49,2% nhu cầu vay, với số lượng hộ được vay chỉ đạt 28,1%. Tương tự với Chương trình định canh định cư, hàng năm, ngân sách TW mới bố trí đạt 21% nhu cầu vốn kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dẫn đến tình trạng thiếu vốn thanh toán đối với những công trình đã thực hiện, những công trình thực hiện dở dang phải đối mặt với nguy cơ bị xuống cấp. Một số địa phương không có vốn thanh toán cho các nhà thầu có khối lượng hoàn thành đã tạo ra những khó khăn, bức xúc cho địa phương… Phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc và miền núi là chủ trương nhất quán, là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất (tháng 5/2010) đã phát biểu nhấn mạnh: đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ, là sự đền ơn đáp nghĩa của cả nước đối với vùng căn cứ địa của cách mạng trong những năm tháng chiến tranh. Vùng miền núi, dân tộc nước ta, nhất là các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn chủ yếu nằm ở những nơi trọng yếu thuộc khu vực biên giới, nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, ít được thụ hưởng các thành quả phát triển đất nước, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo hòng gây mất ổn định về an ninh, chính trị. Đây cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 20% thì tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số lên tới 60%. Do vậy, ngoài việc thực hiện chính sách giảm nghèo chung cho cả nước, nhất thiết phải có chính sách đầu tư phát triển cho vùng này. Theo kiến nghị của Ủy ban Dân tộc, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những chính sách đã có về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ định canh, định cư, xây dựng trung tâm cụm xã… cần phải chú trọng xây dựng những chính sách đặc thù có thời hạn từ 5-10 năm như: chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chính sách dạy nghề, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đào tạo và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ; chính sách đối với địa bàn vùng cao núi đá, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, khu vực biên giới nhằm giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, đẩy nhanh tốc độ phát triển, giảm khoảng cách giữa các vùng miền, dân tộc. Tuy nhiên, theo đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các chính sách khi xây dựng phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào chứ không phải các cơ quan quản lý cấp trên tự “vẽ” ra. Đồng thời Chính phủ cần tăng mức đầu tư, hỗ trợ, cấp đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của chính sách. Một bài học kinh nghiệm cần được tham khảo vì đã chứng minh tính đúng đắn trong thời gian vừa qua đó là phải có sự phân định vùng khó khăn để đưa ra những chính sách phù hợp. Nếu như trước đây, thực hiện chính sách dân tộc theo cách “dễ làm trước, tiến dần đến những vùng khó khăn hơn” thì nay phải lựa chọn những nơi khó nhất, nghèo nhất để tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ trước. Sự đổi mới cách làm như vậy sẽ góp phần rất lớn hạn chế khoảng cách chênh lệch, phân hóa giàu-nghèo trong xã hội mà người nghèo chủ yếu rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=458029&co_id=30179