Một ngày ở trường Quốc tế

Đi muộn hơn, về sớm hơn, vui chơi nhiều.

Giờ học nhạc của học sinh Trường Quốc tế Singapore.

Mỗi ngày, thay vì tất bật chuẩn bị cho con đi học từ tinh mơ, chị Phương đánh thức các con dậy lúc 7 giờ để ăn uống, chuẩn bị và 8 giờ đón xe bus đến trường.

Cả 3 đứa con của chị đều học tại một trường quốc tế ở quận 2, TP.HCM. Giờ học bắt đầu thong thả hơn nhiều so với trường công lập, từ 8 giờ rưỡi sáng.

Ngoài học chính khóa và các môn học phụ đạo, học sinh còn học các môn nghệ thuật như múa, nhạc và vẽ. Tan học lúc 3 giờ chiều, các cháu có thêm thời gian tìm hiểu thế giới bên ngoài và vui chơi cùng gia đình.

Chị Phương cũng hay được mời tham gia các chương trình từ thiện, hội chợ sách ngoại văn, biểu diễn hòa nhạc cùng các con.

Giống như những gia đình khác có con theo học trường quốc tế tại Việt Nam, chị Phương cũng kỳ vọng vào sự biến chuyển về nhận thức và thay đổi của con trẻ.

Các phụ huynh cho rằng, học trường quốc tế là để giảm tải cho con em, vì học sinh học theo một hệ giáo trình hoàn toàn khác với trường công lập. Phụ huynh hẳn sẽ ngạc nhiên khi lần đầu nghe nói con mình học những môn như Trách nhiệm Cộng đồng hay Viễn cảnh Toàn cầu.

Học phí cao cũng là yếu tố được lưu ý. Một năm học phí của trẻ em học trường quốc tế dao động từ khoảng 100 - 350 triệu đồng tùy hệ thống và cấp học, chưa gồm tiền xe đưa đón, ăn trưa....

Một số trường chỉ là tư thục chất lượng cao. Trường quốc tế thực sự có những yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều về đội ngũ giáo viên và giáo trình. Giáo trình có thể chỉ là bản sao chép đơn giản của các chương trình trung học nổi tiếng như Cambridge, nhưng cũng có thể đã được đào sâu nghiên cứu và thay đổi cho phù hợp với học sinh Việt Nam.

Tư tưởng và tác phong của học sinh mới là điều làm nên giá trị cho hệ thống trường quốc tế.

Và điều này làm nên sự khác biệt vì nó duy trì được chất lượng qua việc quản lý xuyên suốt hệ thống đào tạo.

Do có sự nhập nhằng về hai khái niệm “tư thục song ngữ” và “quốc tế”, nhiều gia đình cho con học trường song ngữ chất lượng cao nhưng lại tưởng con mình đang học trường quốc tế. Với hệ tư thục song ngữ, trẻ em vẫn theo học chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong khi nhiều trường quốc tế chính hiệu tập trung vào việc gìn giữ các giá trị phương Đông cho học sinh đồng thời dạy các em kiến thức và tác phong theo nền giáo dục phương Tây thì các trường song ngữ chất lượng cao lại với lên “tiêu chuẩn Tây”.

Một hệ thống trường quốc tế thường có cơ sở vật chất tiện nghi; điều này đúng nhưng chưa đủ. Ngày nay các trang thiết bị hiện đại như hệ thống phòng máy tính, nghiên cứu, bể bơi, sân bóng… không còn là dấu hiệu riêng của trường quốc tế. Trường dân lập chất lượng cao đã có thể trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như thế.

Tư tưởng và tác phong của học sinh mới là điều thực sự làm nên giá trị cho hệ thống trường quốc tế. Và nếu gia đình có định hướng cho con em ra nước ngoài học, trường quốc tế là lựa chọn hàng đầu vì bằng cấp và chứng chỉ là quốc tế.

Trường quốc tế được phân theo hai tiêu chí. Thứ nhất là chất lượng dạy và học, thường tiêu chí này tỉ lệ thuận với học phí. Trường có mức học phí cao thường được xếp vào nhóm có chất lượng đào tạo cao. Các trường nhóm đầu là UNIS tại Hà Nội và Hệ thống trường Quốc tế Anh. Các trường nhóm giữa gồm Trường Quốc tế Singapore, Trường quốc tế Nam Sài Gòn…

Với các trường nhóm này, hằng năm cán bộ tuyển trạch sang Úc hay Anh để tuyển dụng giáo viên. Còn các trường nhóm cuối, được cho là “song ngữ chất lượng cao” thì có cơ sở vật chất khiêm tốn hơn. Chất lượng và trình độ sư phạm của giáo viên thì không tương xứng với học phí.

Tiêu chí thứ hai là giáo trình. Hầu hết các trường đều dạy theo các giáo trình phổ biến của Anh - Mỹ và tiếng Anh là ngôn ngữ chính như chương trình tú tài quốc tế, trung học đại cương Cambridge… Tuy vậy, cũng có một số trường quốc tế không sử dụng tiếng Anh hoặc chỉ sử dụng như ngôn ngữ thứ hai. Chẳng hạn, Trường Quốc tế Đức; trường Marguerite Duras (Pháp), trường Quốc tế Việt - Nhật…

Gần đây Chính phủ đã ban hành nghị định 73/NĐCP về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Điểm quan trọng nhất của Nghị định có lẽ là giới hạn học sinh người Việt dưới 5 tuổi theo học tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Nghị định này được cho là sẽ tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong thị trường giáo dục chất lượng cao. Một mặt nó tạo ra nhiều quan ngại về xu hướng đổi mới và hội nhập trong mảng giáo dục nói chung và đầu tư nói riêng. Mặt khác sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư trong nước phát huy năng lực và tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư giáo dục.

Theo NCĐT

Nguồn The Box: http://thebox.vn/khoi-nghiep/mot-ngay-o-truong-quoc-te/29760.html