"Một giọt máu đào... thua ao nước lã"

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là một kỹ sư nông nghiệp đã có công việc ổn định và một gia đình riêng ấm cúng. Vợ cháu tốt nghiệp trung cấp, đồng lương không cao nhưng chúng cháu rất ổn vì cả hai biết người biết của, biết tích cóp thu vén để không làm phiền hai bên gia đình. Cưới nhau đến nay chỉ trong vòng 5 năm mà tụi cháu đã có con trai và con gái, hiện chúng cháu đang sống nhờ vào khuôn viên của cơ quan, chắc cũng vài năm nữa thì cũng có một thẻo đất để dựng được một mái nhà. Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình, đúng không cô? Điều khiến cháu không vui và phải cầu viện tới cô là chuyện gia tộc của nhà cháu. Cháu là con trai duy nhất của ba má cháu. Không biết từ hồi nào, có lẽ là từ lâu lắm, ba cháu và cô Hai (tức là cô cả) của nhà cháu gần như là đã tuyệt giao với nhau. Hồi đó cháu còn quá nhỏ, cháu chỉ biết loáng thoáng là do cô Hai không vừa lòng má cháu rồi ghét luôn ba cháu. Chuyện xảy ra từ hồi ông bà nội cháu còn sống nhưng từ trước ông bà vẫn sống với cô Hai nên ông bà hay nghe cô. Lần lượt ông bà nội qua đời, vườn đất hương hỏa cô Hai quản lý và thờ cúng luôn. Cũng từ đó hai nhà xa hẳn ra, như người dưng nước lã. Ba cháu thì trách cô ỷ quyền, má cháu cương quyết không hạ mình đi lại với cô, mạnh ai nấy thờ nấy giỗ. Không may ba cháu mắc bệnh nan y mất sớm, mới đây má cháu cũng qua đời, vậy là mỗi năm cháu phải lo bốn lễ giỗ. Hiện đứa em gái của cháu trước nay vẫn sống với ba má cháu đang ôm bàn thờ trong căn nhà ba má cháu để lại, cháu cùng với nó lo toan cúng bái thờ phụng cũng không sao. Nhưng điều cháu băn khoăn lại nằm ở chỗ khác. Thứ nhất, cháu thấy đã đến lúc cháu và cô Hai phải dỡ bỏ hận thù để đi lại với nhau vì cô không còn khỏe mạnh như trước nữa. Thứ hai, liệu cháu có nên bàn với cô cả về chuyện cúng giỗ một bề không, hoặc là bên cô cả lo giỗ ông bà nội rồi cháu đi về giúp sức, hoặc là việc ấy thuộc về trách nhiệm lâu dài, vĩnh viễn của vợ chồng cháu? Thứ ba, nếu cháu thờ cúng ông bà và cô Hai đồng lòng thì chúng cháu có được thừa hưởng phần nào mảnh đất hương hỏa của ông bà tổ tiên mà cô cả và các con của cô đang sở hữu không? Nếu cháu lên tiếng việc đó thì cháu có phạm vào đạo lý hay pháp luật không? Cháu nghĩ, rồi cô cả sẽ chết đi theo quy luật, hai gánh con của hai bên còn lại trên đời, chúng cháu sẽ thu xếp sao đây? Mong cô chỉ bảo giúp cháu. Cháu trai (Đồng Tháp) Cháu thân mến! Cô không biết có cơn giận nào đến nỗi mà chị em lại dứt tình nhau một cách quyết liệt như vậy. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, đó là văn hóa làm nên sức mạnh của người Việt, vì nếu không có những gia tộc mạnh và bền vững thì đã không có nước Việt ngày nay. Có những nàng dâu làm gia tộc tan nát nhưng cũng có những bà chị chồng khắc nghiệt dùng quyền huynh thế phụ để thực thi chế độ bạo chúa với em trai và em dâu. Thôi thì cứ nghĩ tại anh tại ả tại cả đôi đường, cô ghê gớm phần cô mà má cháu và ba cháu cũng có lỗi chứ chẳng phải không? Giá như hồi ông bà nội cháu còn sống mà ba má cháu xuống nước thì đâu nên nỗi. Dù gì cô Hai cũng chăm sóc ông bà và rồi việc giỗ chạp cũng chính thức ở chỗ cô. Vì sao? Vì ông bà sống với cô, chắc phần mộ của ông bà cũng nằm trong khuôn viên mà cô đang coi sóc, điều đó nói rằng, thân xác và vong linh của ông bà gắn bó với cô từ mảnh đất đó. Cháu không nói rõ nhưng nếu ở đó có mồ mả tổ tiên nữa quả thật cô Hai đã nhận thức đúng ý nghĩa thiêng liêng của việc gánh vác mà cô tự nhận vào mình. Di nhiên, như cháu nói, rồi cô Hai sẽ theo ông theo bà. Các con cô sẽ tiếp tục sứ mệnh coi sóc vườn hương hỏa, nhà cửa, bàn thờ và giố chạp. Nhưng một họ khác sẽ kế tục, theo truyền thống và tình cảm người Việt, chuyện ấy bắt đầu trở thành đề tài và cú sốc. Danh nghĩa vẫn thuộc về cháu, cháu ôm bàn thờ, cháu chăm mồ mả, cháu cúng giỗ vân vân và vân vân. Nhưng một mái nhà cháu còn chưa có, nói gì đến chỗ cho bàn thờ. Vậy thì cháu nên chủ động làm lành với cô cả đi khi còn chưa muộn. Cháu cứ tới lui thăm cô, không cứ gì ngày giỗ ông bà nội. Nghe chửi một lần không quen, đến lần thứ 10 sẽ quen và cô tin, cô cả cũng không nỡ ghét bỏ cháu khi cháu chỉ còn có mỗi cô để đi lại thương yêu, nhắc nhớ ba má và bao kỷ niệm ấu thơ của mình. Rồi cháu sẽ thấy vui khi khai thông được một con đường, cháu và các con của cô sẽ bên nhau như bình thường, mọi việc bắt đầu từ đây và sau đó thì, nếu cô không để lại cho cháu thẻo đất nào thì cháu vẫn có chỗ để đi về giỗ chạp ông bà, cháu vẫn phải cùng em mình thờ phụng ba má mình. Vậy là đủ, không nên đặt vấn đề phân chia hương hỏa và bên nào giỗ ông giỗ bà mới hợp lý cháu ạ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/3/58/58/37726/default.aspx