Một cuộc suy thoái tồi tệ hơn năm 2008 đang đến gần?

Khởi đầu năm 2016, chỉ số S&P 500 phải đối mặt với diễn biến tồi tệ nhất từ trước đến nay, điều này đã nhanh chóng khiến các nhà kinh tế Phố Wall phải đứng ra cố gắng lý giải vì sao những chao đảo trên thị trường tiền tệ và chứng khoán không phải là sự lặp lại của những gì đã xảy ra trong năm 2008.

Họ cũng không muốn giới đầu tư nghĩ rằng bối cảnh hiện nay giống với sự bùng nổ của bong bóng công nghệ. Họ biện minh rằng sự bất ổn hiện nay ở Trung Quốc thậm chí không thể nào sánh được với cuộc khủng hoảng nợ châu Á năm 1997.

* Những dấu hiệu kinh điển của “thị trường con gấu”

Thật vậy, theo CNBC, những cá nhân thống lĩnh các tổ chức tài chính và Chính phủ hiếm khi nào dự đoán về một đợt đi xuống trên Phố Wall, vì thế, đừng bao giờ kỳ vọng họ sẽ đưa ra cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu đang manh nha và trình trạng yếu ớt của thị trường.

Thế nhưng, nhận xét về bối cảnh hiện nay, ông Michael Pento, Chủ tịch kiêm người sáng lập công ty Pento Portfolio Strategies và cũng là tác giả của quyển “The Coming Bond Market Collapse”, đưa ra cảnh báo rằng nước Mỹ đã trễ hạn cho một cuộc suy thoái lâu rồi và một đợt suy giảm tăng trưởng sắp xuất hiện còn tệ hại hơn nhiều so với mức giới hạn trung bình.

Ông Pento phát biểu trên CNBC: “Trung bình, kể từ khi chấm dứt Thế chiến thứ II, cứ 5 năm nước Mỹ lại trải qua một cuộc suy thoái; và đến nay là 7 năm kể từ cuộc suy thoái gần đây nhất – chúng ta đã ‘trễ hạn’”.

Ông Pento lý giải: “Quan trọng nhất, mức sụt giảm bình quân của thị trường trong 6 cuộc suy thoái vừa qua là 37%. Đà sụt giảm như vậy sẽ khiến S&P 500 lùi về mức 1,300 điểm, nếu như cuộc suy thoái sắp tới chỉ ở mức độ trung bình. Thế nhưng, cuộc suy thoái lần này có thể tệ hại hơn nữa”.

Ông Pento đưa ra những lý do dưới đây để lý giải cho sự tệ hại hơn này.

Theo ông: “Đóng góp chủ yếu cho cuộc suy thoái sắp xảy ra chính là hệ lụy từ đà tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế Trung Quốc. Được biết, kể từ năm 2000 đến nay, Chính phủ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã 28 lần nâng nợ, đưa tổng nợ tăng 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một thời gian rất ngắn với mục đích chính là hình thành bong bóng tài sản cố định không sinh lời căng phồng mà không đóng góp nhiều vào GDP. Hiện nay, bong bóng nợ này vẫn chưa được xả hơi và tăng trưởng của Trung Quốc đang đi xuống. Ông Pento cho rằng sự sụt giảm giá trị của đồng Nhân dân tệ, giá chứng khoán giảm sâu (mất 40% kể từ tháng 6/2014) và khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt lao dốc (giảm 10.5% hàng năm), “tất cả đều minh họa rõ ràng Bắc Kinh không đạt được mức tăng trưởng mục tiêu 7% hay nói đúng hơn là không hề tăng trưởng”. Kỳ vọng chúng ta sẽ chứng kiến sự căng thẳng hơn nữa về lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia do tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm bởi vì Trung Quốc chiếm 34% tăng trưởng toàn cầu. Giá chứng khoán Mỹ và giá trị bất động sản sẽ không còn được hỗ trợ bằng thu nhập và GDP. Ông phát biểu: “Bởi vì chương trình nới lỏng định lượng (QE) và chính sách lãi suất ở mức 0% của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc. Giá cả các loại tài sản này đang bị kéo xuống bởi lực hút của giảm phát. Tỷ lệ bình quân giá nhà trên thu nhập hiện nay là 4.1. Trong khi tỷ lệ trung bình chỉ là 2.6”. Chính vì vậy, dù lãi suất vay thế chấp ở mức thấp kỷ lục nhưng những người mua nhà mới vẫn không đủ khả năng chi trả. Và một khi không có những người mua nhà mới thì chủ sở hữu nhà hiện có cũng không thể nào tiến triển được. Tương tự như thế, tổng giá trị chứng khoán hiện nay trở nên tách biệt một cách nguy hiểm khỏi tình trạng yếu ớt của nền kinh tế cơ bản. Ông Pento cho rằng: “Tỷ lệ trung bình dài hạn của tổng giá trị thị trường/GDP là khoảng 75, nhưng hiện nay con số này đã lên đến 110. “Sự phục hồi của GDP thoát khỏi thời kỳ Đại suy thoái đã được tạo ra một cách giả tạo nhờ hiệu ứng tài sản của Fed. Hiện nay, cái bong bóng được tái tạo ấy trên thị trường cổ phiếu và bất động sản đang đảo chiều và có thể dẫn đến sự thu hẹp khủng khiếp về chi tiêu tiêu dùng”. Các doanh nghiệp, Chính phủ liên bang và Fed đã tạo ra thêm một lượng nợ khổng lồ kể từ năm 2007. Ông nói: “Nợ doanh nghiệp trong suốt khung thời gian này đã tăng từ 10.1 ngàn tỷ USD lên 12.6 ngàn tỷ USD; tổng nợ quốc gia đã bùng nổ từ 9.2 ngàn tỷ USD lên đến 18.9 ngàn tỷ USD; và bảng cân đối của Fed đã vọt lên 4.5 ngàn tỷ USD từ mức 880 tỷ USD”. Nợ của Chính phủ liên bang hiện nay đã tăng vọt lên gần 600% tổng doanh thu. “Và 8 năm qua Fed đã trải qua quá trình nâng đòn bẩy cho bảng cân đối của mình theo tỷ lệ 77:1 nhằm giữ lãi suất ngắn hạn tại mức 0%”.

Ông Pento tiên đoán rằng: “Điều này là không thể tránh khỏi, và cuộc suy thoái khốc liệt sắp xảy ra sẽ trùng hợp với 2 tình huống cực kỳ nguy hiểm chưa từng thấy, khiến đợt suy yếu kế tiếp tệ hại hơn cuộc suy thoái năm 2008”.

Thứ nhất, Fed sẽ không thể hạ lãi suất cơ bản và đưa ra bất cứ sự trợ giúp nào về vấn đề trả nợ cho nền kinh tế Mỹ. Trong giai đoạn Đại suy thoái, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã hạ lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống còn 0% từ mức 5.25% và đã cung ứng 3.7 ngàn tỷ USD. Fed đã mua nợ dài hạn để thúc đẩy cho vay thế chấp và gần như hầu hết các hình thức vay mượn khác đều được đẩy xuống các mức thấp kỷ lục.

Ông nói: “Điều tốt nhất mà Fed có thể làm hiện nay là rút lại mức nâng lãi suất 0.25% đã quyết định trong tháng 12/2015”.

Thứ nhì, Chính phủ liên bang đã nâng số lượng nợ được giao dịch công khai thêm 8.5 ngàn tỷ USD (tăng 170%) và đã tạo ra khoản thâm hụt ngân sách 1.5 ngàn tỷ USD để cố gắng thúc đẩy chi tiêu thông qua thanh toán chuyển khoản. Ông nói: “Một sự leo dốc thẳng đứng như thế về thâm hụt ngân sách và nợ, một chức năng thông thường của các cuộc suy thoái sau khi doanh thu sụp đổ, sẽ khiến lãi suất tăng vọt, và điều này sẽ biến cuộc suy thoái kế tiếp thành một cuộc khủng hoảng mang tính hủy hoại”.

Ông chia sẻ: “Tôi tin rằng, để tránh tăng chi phí cho việc trả nợ đối với cả lĩnh vực công và tư nhân, Fed sẽ miễn cưỡng đưa ra chương trình mua trái phiếu hàng loạt và không hạn chế”.

Nhưng tất cả có thể là một tình huống cổ điển có tên gọi là “quá ít và đã quá muộn”.

Ông Pento cho rằng: “Nếu như có thể, khả năng Chính phủ bảo vệ thị trường và nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn này sẽ là cực kỳ khó khăn. Hãy nhìn những chao đảo trên các thị trường tiền tệ, trái phiếu và chứng khoán ở phạm vi toàn cầu trong năm 2016. Thật sự, mọi thứ đã bắt đầu rồi”.

Trong khi đó, ông Robert Wiedemer, đồng tác giả của quyển “Aftershock: Protect Yourself and Profit in the Next Global Financial Meltdown” phát biểu trên kênh truyền hình Newsmax rằng trong khi Mỹ có thể tiến gần đến bờ vực suy thoái, thì quốc gia này có thể thật sự tránh được tai ương này.

Ông phát biểu với “Newsmax Now”: “Tôi không chắc chúng ta sẽ thật sự rơi vào suy thoái, nhưng chắc chắn rằng có một số chỉ báo sẽ dần suy yếu và chấm dứt”.

Ông nói: “Hầu như nếu chúng ta nhìn vào lĩnh vực vận tải, sản xuất, mà rõ ràng nhất là ngành công nghiệp dầu mỏ, tất cả những ngành này là những thứ đang đẩy nền kinh tế xuống dốc”.

“Tôi biết rằng chúng ta chưa từng chứng kiến điều đó, nhưng chắc chắn ngành công nghiệp dầu mỏ và sản xuất đang đẩy chúng ta đi xuống. Chúng ta không bao giờ đạt được xu hướng tăng trưởng thật tốt, vì thế sẽ không quá khó để chúng ra bị kéo xuống cận mức “0”./.

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/2016/02/mot-cuoc-suy-thoai-toi-te-hon-nam-2008-dang-den-gan-772-458564.htm