Một công nghệ hiệu quả của phương pháp dạy & học nhạc ngày nay.

(24h) - Backing track, có thể hiểu nôm na là “nhạc nền” phát xuất từ công nghệ thu âm nhiều track. Trong công nghệ này, các backing track nhạc thực hiện trước, sau đó sẽ phát ra như dàn nhạc đệm cho ca sĩ hát hoặc nhạc công solo trình tấu để thu âm.

Backing track là một công nghệ được phát triển mạnh nhất và rộng nhất trong ngành âm nhạc từ cuối thế kỷ 20 đến nay. Từ người ca sĩ biểu diễn trên sân khấu với những backing track cao cấp cho đến những thành viên trong gia đình ca hát vui chơi với nhạc nền của đầu máy karaoke… Trong lãnh vực đào tạo kỹ năng âm nhạc, hiện nay backing track đã trở thành một công nghệ không thể thiếu trong phương pháp dạy & học của các trường nhạc trên thế giới. Chúng ta đang dạy & học các kỹ năng âm nhạc theo phương pháp nào? Rảo qua các trường nhạc, các lò dạy nhạc tư, các thầy dạy nhạc tại gia… ở TP. HCM, Hà Nội và một số thành phố khác, ta có thể khái quát ra một phương pháp khá đồng dạng mà các nhà sư phạm gọi là phương pháp đào tạo truyền thống. Theo phương pháp này thì “thầy” chủ động truyền đạt kiến thức, kỹ năng, còn “trò” thì thụ động tiếp thu. Thầy làm mẫu, trò bắt chước theo. Sau đây là một vài khảo sát khi được mời đến dự giờ ở một số trường nhạc: - Lớp thanh nhạc: Với bài luyện thanh, thường thì thầy vừa hát mẫu vừa đệm piano sau đó trò tập luyện theo cùng công thức. Còn bài tiểu phẩm: khi trò tập luyện thường không có bản đệm đúng và hay. - Lớp trống: Học viên ra sức tập các kỹ năng cử hành các tiết tấu, các tiết điệu độc lập, riêng lẻ, tách rời khỏi ban nhạc… - Lớp guitare: Học viên tập bấm hợp âm, tập đệm theo các tiết điệu đều đặn vô hồn không giai điệu… - Lớp keyboard: tay trái bấm hợp âm tự động, tay phải đàn giai điệu, bấm nút đổi tiếng, đổi điệu…. họ vẫn còn đang học theo phương pháp truyền thống trên thiết bị có công nghệ hỗ trợ dạy & học của phương pháp hiện đại. Ngoài những ưu điểm không thể chối cãi như những kỹ năng được tập luyện chuẩn xác, phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết như: trò là bản sao của thầy (học vẹt), khó phát huy sáng tạo (định hình nơi học viên ý nghĩ “làm khác thầy là sai), khô cứng và dễ gây nhàm chán… Trong hoạt động âm nhạc, xúc cảm là điều cực kỳ quan trọng. Người chơi nhạc phải cảm thụ yếu tố tình cảm của bản nhạc thì mới có thể biểu diễn hiệu quả. Người dạy nhạc cũng như người học nhạc cần phải có những xúc cảm về bài tập, về tác phẩm … thì việc truyền đạt và đón nhận mới trở nên thích thú và đạt kết quả cao. Đặc biệt các môn âm nhạc phổ thông đương đại (Contemporary Popular Music) như trống, guitare, keyboard, thanh nhạc…yếu tố sôi động, hào hứng và lý thú trong việc dạy & học là điều rất cần thiết. Vậy, thế giới đang dạy & học các kỹ năng âm nhạc như thế nào? Vào khoảng năm 2000, một giáo sư trong hội đồng thi âm nhạc quốc tế AMEB (Australian Music Examination Board) sang Việt Nam để bàn về việc tổ chức những cuộc thi lấy các chứng nhận (certificate) về trình độ kỹ năng âm nhạc theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi khảo sát, vị giáo sư ấy có nhận xét: cách dạy & học của Việt Nam không ăn nhập gì với những tiêu chuẩn đương đại của thế giới. Đặc biệt các môn âm nhạc phổ thông đương đại như keyboard, trống, guitare và thanh nhạc… chúng ta đang dạy & học nhạc phổ thông đương đại theo phương pháp truyền thống của nhạc cổ điển (classic). Dạy & học thế nào thì tổ chức thi như thế ấy: cách thi của chúng ta hiện nay quá khác biệt so với thế giới nên không thể tổ chức thi lấy chứng nhận quốc tế tại Việt Nam. Để có thể cập nhật với nền giáo dục & đào tạo âm nhạc thế giới, vị giáo sư ấy đã đề nghị chúng ta nên cải tiến giáo trình và đặc biệt là cải tiến phương pháp dạy & học. Backing track, một trong những công nghệ của phương pháp dạy & học âm nhạc hiện nay. Khác với phương pháp giáo dục truyền thống thiên về việc trò “bắt chước bài mẫu của thầy”, trong phương pháp giáo dục hiện đại, giáo viên là người thiết kế tổ chức, còn bản thân học viên tự tìm kiếm tri thức, tự rèn luyện kỹ năng, tự hoạt động theo cách riêng một cách độc lập và sáng tạo. Vì vậy, trong phương pháp đào tạo & giáo dục ngày nay, người ta chú trọng đến các yếu tố: đặt vấn đề, chương trình hóa, cá biệt hóa, và đặc biệt là công nghệ hóa. Việc công nghệ hóa tạo ra một kết quả đào tạo có chất lượng đồng đều hơn. Trong việc đào tạo kỹ năng âm nhạc, một trong những công nghệ quan trọng và cần thiết nhất là hòa tấu. Chúng ta biết, có 3 yếu tố chính cấu thành âm nhạc: giai điệu, tiết tấu và hòa âm. Giai điệu đòi hỏi phải có hòa âm, có đệm đàn đồng thời bản nhạc cũng luôn chuyển động theo những tiết tấu thay đổi. Tiếng Đức gọi bản đệm đàn là bekleidung nghĩa là mặc áo. “Người đẹp vì lụa”, một giai điệu được trình tấu đơn lẻ không có nhạc đệm cũng ví như một người ở trần. Thế cho nên trong việc đào tạo âm nhạc, ngày nay người ta chú trọng đến việc cho học viên có càng nhiều cơ hội hòa tấu càng tốt. Tuy nhiên để tổ chức hòa tấu, đòi hỏi thời gian tập trung với nhau thành từng nhóm trong những khoảng thời gian nhất định. Với điều kiện như vậy, giờ hòa tấu tại trường nhạc hầu như rất hiếm hoi, vì học viên cần thời giờ nhiều hơn để tự rèn luyện các kỹ năng cho riêng mình. Vậy tại sao không kết hợp công nghệ hòa tấu ngay trong mỗi bài tập của học viên? Backing track đã giải quyết vấn đề nêu trên một cách rất đơn giản nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin: midi file. Chỉ cần một thẻ nhớ nhỏ, cả ngàn backing track có thể được lưu trữ để làm nhạc nền cho học viên hòa tấu tại lớp học và ngay tại tư gia. Học trên backing track, học viên mới cảm nghiệm đầy đủ 3 yếu tố chính của âm nhạc. Từ cảm nghiệm về dàn nhạc, bài tập nhàm chán trở nên đầy cảm xúc và lý thú. Thật là nhàm chán nếu chỉ một mình chơi trống. Thật buồn bã nếu hát mà chẳng có nhạc đệm. Thật là máy móc, nếu cứ một tay bấm hợp âm tự động, một tay đàn giai điệu cho đúng nhịp … Tập luyện hoặc chơi trên nhạc nền, những cảm xúc tiêu cực trên không còn nữa. Backing track chính là công nghệ hiệu quả của phương pháp dạy & học âm nhạc ngày nay.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/news/detail/216/247309/mot-cong-nghe-hieu-qua-cua-phuong-phap-day--hoc-nhac-ngay-nay.24h