Một con số vẫn chưa hết lo

KTĐT - Đầu năm nay, không ít tổ chức quốc tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 13% trong khi Quốc hội giao Chính phủ phải giữ ở mức 9%. Sau 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,52% - so với mục tiêu còn là khoảng cách khá xa.

Nhiều yếu tố để tin tưởng

Nhìn vào những diễn biến về chỉ số CPI và những dấu hiệu của nền kinh tế, trong cuộc bàn thảo mới đây về dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2012, nhiều chuyên gia tin tưởng CPI năm nay sẽ là một con số.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An: Giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định, một phần quan trọng là do giá các mặt hàng trên thế giới được dự báo sẽ không có nhiều biến động và duy trì ở mức thấp. Chỉ số CPI cả năm chắc chắn sẽ đứng ở mức một con số.

Hiện nay, Chính phủ có một số chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, điều đó đồng nghĩa với bức tranh kinh tế cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc. Bà Trần Thị Trâm Anh, Viện Kinh tế Tài chính nhận định: Hiệu ứng của gói kích cầu sẽ phát huy tác dụng trong một vài tháng tới sẽ khiến cho tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực hơn, do sự tăng giá thấp của nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong CPI là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và sức cầu thấp ở trong nước sẽ kiềm chế đáng kể tốc độ tăng giá của tháng 7, tháng 8 và sẽ tăng khá hơn trong những tháng cuối năm 2012 do tính mùa vụ của lạm phát.

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, có không ít những yếu tố kích thích tiêu dùng khi mà giá xăng dầu giảm bốn lần, giá gas liên tục giảm, hàng loạt các nhóm hàng hóa có khuyến mại lớn…

Và mối lo giảm phát!

Mặc dù nhận định 80% đến 90% CPI sẽ đạt ở mức một con số trong 6 tháng tới nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vẫn đưa ra được cảnh báo về những thách thức của CPI đối với nền kinh tế. Những thách thức đó, theo Trưởng Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính Đinh Xuân Hạng, từ đầu năm đến nay, sức cầu liên tục ở mức thấp, và đây là lý do chính khiến các doanh nghiệp có mức hàng tồn kho rất lớn (khoảng 26%).

Đo sức nặng của yếu tố sức cầu tác động đến chỉ số này, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, CPI giảm mạnh như vừa qua do yếu tố cầu quyết định. Ông Phú phân tích kỹ hơn từ góc độ này: Ngoài việc người dân thắt chặt chi tiêu, thì có câu chuyện giá cả nhiều mặt hàng không hợp lý, móc túi người tiêu dùng khá lớn. Ví dụ như một quả dừa, người dân trồng dừa phía Nam bán tại gốc giá chỉ 3.000 - 4.000 đồng/quả, thế nhưng tại Hà Nội người tiêu dùng phải mua đắt gấp 4 lần. Hay một con cá trích, ngư dân tại Thanh Hóa bán 8.000 đồng, tại Hà Nội giá tới 88.000 đồng. Chính khâu phân phối lũng đoạn giá như vậy cũng góp phần khiến cầu giảm. Đối với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá như xăng dầu, điện có tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến người tiêu dùng khiến người tiêu dùng hiện vẫn đang phải lựa chọn thắt chặt chi tiêu hơn nữa.

Vậy, CPI đến cuối năm sẽ ở mức nào? Hầu hết các chuyên gia đều chung dự báo CPI sẽ chỉ rơi vào khoảng từ 6% đến 8%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cao nhất khoảng 7%. Mức dự báo thấp nhất là của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thấp nhất là 4,2%, cao nhất là khoảng 6,2%.

Sẽ không có yếu tố bất ngờ tác động từ thị trường bên ngoài đến CPI trong nước là nhận định của các chuyên gia tài chính, ngoài yếu tố biến động giá dầu thế giới. Bởi, 70% sản phẩm từ dầu mỏ hiện nước ta vẫn phải nhập khẩu, nên nếu giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ tiếp tục tác động đến CPI trong nước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay vẫn tăng khá cao, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các giải pháp sắp tới cần thận trọng, không kích thích lạm phát quá sớm khiến chỉ số giá tiêu dùng lại rơi vào vòng luẩn quẩn chu kỳ 2 năm tăng mạnh và một năm giảm.

Sự giảm giá đột biến của CPI tháng 6 cũng là một lời cảnh báo cần có những chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/339671/mot-con-so-van-chua-het-lo.aspx