Một chặng đường đã qua, một chặng đường vẫn nhớ

Một chặng đời tôi nhớ, âm thầm và giản dị vậy thôi. Không ai ngăn được nước mắt tôi đang ứa ra. Thế nào thì những con sông vẫn cứ chảy. Tôi không nói dài hơn về chặng đời của tôi, của một hạt bụi bay trong không gian, thời gian…

Đường xe lửa Phan Rang/Đà Lạt mở ra vào hồi đầu thế kỷ 20, gồm một quãng đường bằng từ Tháp Chàm lên Krong Pha dài 39km, xe lửa chạy tốc độ bình thường 30 – 40km/giờ.

Buồn tay, tôi mở một cuốn sách, tôi thấy bài thơ này:

Mẹ

Mẹ bắt đầu quên/ Những gì đáng nhớ/ Mẹ bắt đầu nhớ/ Những gì đáng quên/ Mẹ vẫn ngồi yên/ Khi cần đứng dậy/ Mẹ đi run rẩy/ Khi cần ngồi yên/ Mẹ ơi con biết sẽ có ngày/ Con sẽ mất hình ai cần giữ/ Con sẽ giữ hình ai đã mất/ Mẹ sẽ bình yên nhắm mắt/ Và con chờ dông bão xé tim đau!

Thúc Hà (Sông Bé, tháng 7.1990)

Tôi không biết tác giả Thúc Hà, tác giả của bài thơ trên đây, nhưng tôi đã từng qua con sông Bé, tôi nhớ nước dưới cầu trôi, tôi nhớ mây trên đầu bay… Tôi cũng nhớ má tôi, má già lắm ngày tôi xa má để đi xa không hứa hẹn gì. Lúc đó má tôi hơn tám mươi rồi. Ba tôi mất ba năm trước ngày ngừng chiến.

Má ở với vợ chồng thằng con út, thằng em út của tôi. Một chặng đời tôi, ngày cầm tay má tôi lần cuối, tôi đi, tôi biết nó khép lại. Có thể vĩnh viễn, trước hết là má tôi, ngủ luôn trong một đêm rằm đầu năm sau khi biết tôi đã đến nơi không phải là quê hương; sau đó, tiếp theo là tôi, năm ba năm nữa không chừng, sẽ có lần trở lưng, sẽ là lần cuối… Tôi chẳng bận tâm. Thương má, nhớ một chặng đời bé bỏng của tôi. Thương tôi, thời gian thổi tôi xa má… Một chặng đời tôi nhớ, âm thầm và giản dị vậy thôi. Không ai ngăn được nước mắt tôi đang ứa ra. Thế nào thì những con sông vẫn cứ chảy. Tôi không nói dài hơn về chặng đời của tôi, của một hạt bụi bay trong không gian, thời gian…

Thú thật, tôi lấy cớ đọc bài thơ Mẹ để tôi nhớ cho phần tôi một chặng đường. Chặng đường ấy không dài thăm thẳm nhưng rì rào cây lá rừng reo, nhưng rì rầm bánh xe sắt nghiến đường răng cưa sắt.

Bạn à, đó là chặng đường xe lửa… ngày xưa, từ Tháp Chàm, Phan Rang, đi Đà Lạt. Lên Đà Lạt, từ Phan Rang có hai con đường, đường bộ là quốc lộ số 11, dài 110km, đường sắt từ ga Tháp Chàm, lên Đà Lạt, đến ga cuối cùng của nó là Đà Lạt, để quay đầu lại dài chỉ 81km. Đường sắt sở dĩ ngắn hơn đường bộ vì người ta đục ba cái hầm trong núi để cho con đường thẳng băng. Đường sắt là con đường đặc biệt ở Việt Nam, chỉ một đoạn 81km, và một nước nữa trên thế giới là Thụy Sĩ ở châu Âu, không biết dài bao nhiêu. Tôi chỉ biết Chính phủ Thụy Sĩ đã mua lại ba cái đầu kéo của xe lửa mình đem về xài bên đó. Đường sắt răng cưa của Việt Nam bị xóa bỏ trên ba mươi năm nay, ai lớn tuổi – già như má tôi, già như tôi bây giờ, có đi qua một lần, ít nhất, vẫn nhớ.

Đường xe lửa Phan Rang/Đà Lạt mở ra vào hồi đầu thế kỷ 20, gồm một quãng đường bằng từ Tháp Chàm lên Krong Pha dài 39km, xe lửa chạy tốc độ bình thường 30 – 40km/giờ. Từ Krong Pha trở lên là núi cao trên 1.000 mét so với mặt biển. Xe lửa phải leo trên quãng dài chừng 40km, đúng ra là từ Krong Pha tới Trại Mát, 34km, còn hơn 7km để vào ga Đà Lạt là đường bằng, đường ray không có hàng răng cưa.

Khi xe lửa Tháp Chàm lên tới Krong Pha, nó phải dừng lại hơi lâu, độ một tiếng đồng hồ, người ta thay đầu máy kéo, gắn móc răng cưa dưới bụng xe lửa để ăn khớp với đường răng cưa nó sắp chạy. Đường lên dốc, vì phải dính vào răng cưa để khỏi tuột, xe lửa chạy rất chậm, chừng mươi, mười lăm km/giờ. Chặng đường này ngắn mà nhiều ga, cũng là cách coi ngó lại hàng răng cưa. Xe lửa đi qua các ga: Eo Gió, Dran, Cà Beu, Trạm Hành, Cầu Đất, Trại Mát. Ga cuối cùng là Đà Lạt. Ga lớn ngang với ga Krong Pha là ga Dran. Ga lớn nhất, đẹp nhất, cuối cùng là ga Đà Lạt.

Vượt qua 41km ghé lại nhiều ga… mục đích dễ thương: để hành khách phủi bụi than bám trên người, trên quần áo. Chặng lên Đà Lạt, xe lửa chun qua ba cái hầm đục xuyên núi nằm trong dãy núi có đèo Belle Vue, dịch ra tiếng Việt là Ngoạn Mục. Ngoạn là ngắm, là thưởng ngoạn, là xem để mà khen ngợi; mục là nhìn tận con mắt mình, không nghe ai mô tả. Chữ Belle Vue, mang ý nghĩa đó, belle là đẹp, vue là cái nhìn… thấy cái gì cũng đẹp!

Ba cái hầm xe lửa chun qua núi có một cái ngắn, một cái khá dài và một cái rất dài. Xe lửa chun hầm không thấy đèn đâu cả, có lẽ khói và bụi than che kín hết, thấy tàn lửa bay lung tung (xe lửa chạy bằng than đá). Lòng nghe rờn rợn mà cũng vui vui. Mùi than có khó chịu, nhớ lại thì thấy thơm thơm… Ra khỏi hầm, mỗi người nhìn lại mình, nhìn người bên cạnh, buồn cười không chịu được. Khách toa couchette (giường nằm), toa hạng nhất, hạng nhì ít bị bụi than bám, toa hạng ba, hạng tư thì miễn bàn, người nghèo phải lam lũ và lem luốc, khỏi than van!

Thời đi học ở Đà Lạt, ở Nha Trang, tôi có thẻ học sinh nên đi xe lửa giảm tới nửa giá, vé xe dễ mua, thay đổi hạng để nếm đủ mùi khói. Chặng đường Tháp Chàm/Đà Lạt, tôi thích nhất là lúc xe lửa ghé lại Eo Gió, Dran, Cầu Đất. Ở Eo Gió hành khách mua đặc sản của bà con Thượng, rẻ và nguyên chất. Ở Dran tha hồ ngắm hoa và hít thở khí trời thơm ngát, nhất là mùa hoa quỳ cuối năm, khu vực này đa số người Kinh sinh cơ lập nghiệp, ai cũng xinh, đàn ông tuấn tú, đàn bà mượt mà…

Tôi trở lại bài thơ hồi nãy: với người có tuổi hầu như ai cũng bắt đầu quên những gì đáng nhớ và bắt đầu nhớ những gì đáng quên. Tâm trạng con người thật là lộn xộn, nhớ nhớ quên quên, lung tung tưới xượi!

Nhiều lúc tôi quên bẵng mình bao nhiêu tuổi, nói thế vì tôi nghĩ tôi còn trẻ lắm.Nhưng… tại sao sáng nay ai xui khiến tôi mở một cuốn sách, thấy và đọc một bài thơ… có vẻ ngậm ngùi?

***

Bốn mươi năm hơn tôi chưa lần trở lại cung đường xưa. Đường xe lửa Tháp Chàm/Đà Lạt không còn, người ta gỡ bán sắt. Xưa, khá xưa, người ta có quyền hành, cũng đã gỡ đường xe lửa Sài Gòn/Mỹ Tho, đường xe lửa Sài Gòn/Lộc Ninh, đường xe lửa Ba Ngòi/Cam Ranh, đường xe lửa Phan Thiết/Cồn Chà… Tôi có buồn thì thầm nhủ: đời là khói sương…

Có lẽ, chạm đến hai chữ khói sương tôi không nên viết tiếp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/mot-chang-duong-da-qua-mot-chang-duong-van-nho-659468.html