Một bức tranh tình về biển đảo

Nhân đọc bài thơ "Mảnh trăng bờ cát" của Hồ Anh Tuấn.

Chẳng hẹn đâu mà trăng đã lên
E lệ giấu nửa mảnh vàng sau núi
Biển hồi hộp nhịp triều lên bối rối
Ngực sóng vừa chạm tới ngực em

Bao vui buồn thường nhật bỗng quên
Trăng với nước mê hồn hai đứa
Đêm dân dã thuở hồng hoang mở cửa
Nụ hôn làm chết lặng trái tim

Anh và em gối bờ cát dịu êm
Sau vũ khúc với thiên nhiên cuồng nhiệt
Sóng vô ý kéo chiếc khăn xanh biếc
Em mượt mà hiện một mảnh trăng rơi

Ngỡ lạc vào cổ tích xa xôi
Trăng tình tứ lẫn vào mây huyền ảo
Biển chợt lặng trái tim thì dông bão
Đêm dịu dàng thành kí ức trăm năm.

Sinh ra tại quê Bác, học khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, Hồ Anh Tuấn được điều về “Đảo Cát” công tác từ những năm đầu của cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Và, từ ấy cuộc đời anh gắn liền với sự thăng trầm của Cát Hải, Cát Bà... Khi cầm trên tay tập thơ thứ 5 “Biển và em” của anh do NXB Hội Nhà văn ấn hành, tôi lấy làm ngạc nhiên: Phần lớn những bài thơ lại có nội dung về biển đảo.

Đọc hết tập thơ, thấy nổi trội hơn là bài “Mảnh trăng bờ cát”, đã gợi cho tôi một cảm xúc khác biệt. Đây là một bài thơ tình có chiều sâu, mạch thơ phát triển khá tự nhiên, khổ thơ nào cũng gây được ấn tượng cho người đọc. Tài hoa của tác giả trong bài này là làm cho người đọc lĩnh hội lượng thông tin ngữ nghĩa có hình tượng. Từ thiên nhiên (trăng, biển, sóng, cát, nước, thủy triều...) đến con người được mô phỏng trong diễn biến bất ngờ vào thời điểm trăng “dậy thì”. Hiếm có nơi nào tại nước ta lại có đêm trăng đẹp như ở Cát Bà. Từ cổ xưa, cứ vào tối 16 âm lịch, người dân đảo có tục lệ đón trăng ở chân sóng. Ngày nay, tuy tục lệ ấy không được tổ chức thành lễ hội, nhưng người dân vẫn rủ nhau đi thưởng thức trăng tại các bãi tắm, bến cảng. Mặc dù Hồ Anh Tuấn không nêu thời gian, địa điểm cụ thể, nhưng tôi quả quyết rằng: Bài thơ này viết vào đêm trăng tròn và trên bãi tắm Cát Tiên hoặc Bến Bèo của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.

Ở khổ thơ đầu: “Chẳng hẹn đâu mà trăng đã lên/ E lệ giấu nửa mảnh vàng sau núi/ Biển hồi hộp nhịp triều lên bối rối/ Ngực sóng vừa chạm tới ngực em”, tác giả đã có cách tổ chức từ ngữ khá chặt chẽ. Cuộc gặp tình cờ, để trăng phải “e lệ”. Hình ảnh trăng ở đây “đương độ xuân thì” làm cho biển cũng hồi hộp, phập phồng“bối rối”. Còn thiên nhiên xung quanh như: Ánh sáng, cát, thủy triều... như bị bỏ bùa mê thuốc lú, quên hết sự đời khi tấm thân ngọc ngà người thiếu nữ thả mình xuống bãi tắm “Ngực sóng vừa chạm tới ngực em”. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động và không dùng từ tay sóng hay cánh sóng... mà dùng “ngực sóng”. Đó mới là sự sáng tạo từ ngữ trong thơ.

Sang khổ thơ thứ hai: “Bao vui buồn thường nhật bỗng quên/ Trăng với nước mê hồn hai đứa/ Đêm dân dã thuở hồng hoang mở cửa/ Nụ hôn làm chết lặng trái tim”, Hồ Anh Tuấn đã chọn lọc hình ảnh, bằng biện pháp nhân cách hóa, diễn tả đôi uyên ương một cách sinh động. Lối so sánh trực tiếp làn nước biển như một chiếc khăn voan mỏng phủ lên thân thể nõn nà của người thiếu nữ, vẽ lên một bức tranh hoàn chỉnh. Rồi sóng vô ý kéo chiếc khăn ấy để lồ lộ ra một “mảnh trăng” ảo trên bãi tắm, còn phía trên “mảnh trăng” thật đang treo lơ lửng trên sườn núi. Lăng kính của Hồ Anh Tuấn thật lãng mạn khi liên tưởng tới cuộc tình đắm say “...làm chết lặng trái tim”.

Ở khổ thơ thứ ba, tác giả đã kéo “người xem” tới một thế giới khác: “Anh và em gối bờ cát dịu êm/ Sau vũ khúc với thiên nhiên cuồng nhiệt/ Sóng vô ý kéo chiếc khăn xanh biếc/ Em mượt mà hiện một mảnh trăng rơi”. Bằng nét chấm phá, tác giả đã tô thêm những gam màu sặc sỡ, nóng hổi như “vũ khúc với thiên nhiên...”. Và, có lẽ hình ảnh ấn tượng nhất chính là “Em mượt mà hiện một mảnh trăng rơi”. Ở đây vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện với nhau, tạo nên một sự thống nhất giữa các gam màu trong bức tranh toàn cảnh.

Theo truyền thuyết: Từ xa xưa phong cảnh Cát Bà tuyệt đẹp, các nàng tiên thường xuống đây tắm, ngắm trăng. Một hôm Ngọc Hoàng có việc cần triệu tập các “nàng tiên” về trời gấp, “nàng út” vô tình đánh rớt chiếc hài giống chiếc guốc và chiếc hài đó hóa thành ngọn núi. Đến nay ngọn núi này mang tên Hòn Guốc, còn bãi tắm mang tên Cát Tiên... Và, người con gái trong bức tranh kia quả thật là mỹ miều được mô tả qua ngòi bút của Hồ Anh Tuấn như một câu chuyện cổ tích: Để trăng tình tứ lẫn vào mây, biển im lìm, còn trái tim thì dông bão. Đêm trăng mịn màng, dịu êm nhưng đầy thơ mộng và nét đẹp văn hóa của Cát Bà mãi mãi trường tồn.

Khổ thơ thứ tư như mảng tranh vừa êm dịu ngọt ngào vừa đậm đà sâu lắng: “Ngỡ lạc vào cổ tích xa xôi/ Trăng tình tứ lẫn vào mây huyền ảo/ Biển chợt lặng trái tim thì dông bão/ Đêm dịu dàng thành kí ức trăm năm”. Tác giả đã tạo ra những hình ảnh so sánh tinh tường với bên này là “tình tứ” thì bên kia là “huyền ảo”, còn một bên là “chợt lặng” thì bên kia là “dông bão” đã văng khổ thơ tới một không gian có đường kính lớn hơn.

Với Mảnh trăng bờ cát, Hồ Anh Tuấn đã hòa mình vào nhân vật, chọn những gam màu phù hợp để vẽ lên bức tranh riêng về thiên nhiên và con người “Đảo Cát”. Mặc dù bức tranh chưa có những nét chấm phá rõ nét để không khỏi lẫn vào những bức tranh ở các vùng miền biển đảo khác, nhưng dẫu sao với độc giả, đây cũng là một bữa tiệc nghệ thuật thú vị

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/lyluan/2012/4/56980.cand