Mốt ẩm thực 'nhìn thì ghê nhưng ăn là mê'

Một ngày cuối năm, cậu bạn từ thời còn để chỏm, nay đã thuộc diện “quý sờ tộc” đất Hà thành nhờ một số vụ áp phe địa ốc thành công, gọi điện cho tôi, mời: “Tối nay đi tất niên món độc với tớ. Đảm bảo, nhìn thì ghê nhưng ăn là mê ngay…”. Thoạt nghe, cứ tưởng đùa, nhưng không, khi cưỡi lên con “mẹc” bóng loáng của hắn phi đến một nhà hàng trên đường Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội), tôi mới ngã ngửa ra rằng, thì ra, hình như tất tần tật, hễ con gì “động đậy được”, người Việt mình đều có thể xơi ngon lành.

Bọ cạp xối mỡ.

Trào lưu “ẩm thực quý tộc”

Trên đường đến nhà hàng, cậu bạn hào hứng, bảo: “Vất vả vật lộn với đời nhiều rồi. Giờ, cứ là phải thưởng thức mọi của ngon vật lạ để bù lại cái thời khốn khó khi mới rời quê ra phố”. Nhưng rồi, vừa tới nơi, có lẽ nom vẻ mặt của tôi nghệt ra khi thấy địa chỉ này không được “văn minh” như hình dung ban đầu về một chốn xa hoa mà các đại gia thường lui tới, cậu bạn tôi bảo: “Ông quá ngô nghê với đời. Hình thức lòe loẹt làm gì! Cần phải biết những công năng kì diệu của các loại sâu bọ, côn trùng quý và hiếm đối với cuộc sống con người. Đã từ lâu, việc xơi những món này được giới sành điệu xem là một một trào lưu quý tộc. Ở Hà Nội bây giờ có hàng chục nhà hàng chuyên món này. Người ta không những ăn các món đã được nấu chín mà còn ăn sống, ăn tái để phát huy hết tác dụng đại bổ, cường dương…”.

Bước lên mấy bậc cầu thang ghếch lên ngôi nhà sàn được thiết kế theo kiểu “nửa lều, nửa lô cốt”, tôi ngồi nghe ông chủ nhà hàng tuổi đã tầm tầm bậc trung - tên Minh - xởi lởi giới thiệu về các món ăn cực kì bổ dưỡng chế biến từ bọ xít, sâu, dế mèn, châu chấu rết, bọ cạp, tắc kè, trứng kiến, ve sầu, đuông dừa… Tự xưng là một trong những người “mê phượt” nhất Việt Nam, ông Minh khoe đã từng đi rất nhiều nước, được trải nghiệm nhiều thú ẩm thực lạ đời. Xuất phát từ những trải nghiệm thu lượm được, ý tưởng kinh doanh món ăn chế biến từ côn trùng, sâu bọ đã thôi thúc ông, thế là nhà hàng với các món độc, lạ được xếp vào hàng “chuẩn” nhất Hà Nội ra đời.

Cứ theo lời kể của ông Minh, một lần sang du lịch tại đất nước chùa Tháp - Campuchia, ông được mấy chiến hữu đang làm ăn bên đó mời đến thăm thú vùng Kampông Chàm, cách thủ đô Phnôm Pênh khoảng chừng 70km, để giới thiệu những món ăn truyền thống của người bản xứ. Vào một nhà hàng, ông được thưởng thức các món ăn “lạ chưa từng thấy” với giá từ 5-20 USD/đĩa. Theo tìm hiểu của ông Minh lúc đó, kiểu thức ăn được chế biến từ các loại côn trùng, sâu bọ được khởi thủy từ vùng đất cổ xưa này.

“Chao ơi! Cứ gọi là tuyệt vời! Vừa mới bước vào nhà hàng đã ngửi thấy thơm nức mũi. Các loại rắn mối, rết, bọ cạp, ve sầu, bọ xít, bọ cánh cứng và nhiều loài khác - tôi không rõ tên - được đầu bếp chế thành đủ loại sơn hào, hải vị. Biết là bọn côn trùng, sâu bọ giàu prôtêin, vitamin và khoáng chất, tôi cứ đánh nhắm thoải mái và sau đận ấy, về nước, tôi mở nhà hàng này…”, ông Minh cho biết và không quên nhấn mạnh thêm rằng, do sâu bọ, côn trùng nhà hàng ông nhập về đã có sức đề kháng với thuốc trừ sâu trong canh tác nên thức ăn chế từ chúng đặc biệt sạch, cực kì có lợi đối với sức khỏe. Hiện, 90% quốc gia trên thế giới đã coi gần 1.000 loài côn trùng, sâu bọ khác nhau là đặc sản…

Nghe chừng khá sốt ruột vì màn tiếp thị của ông chủ nhà hàng, cậu bạn tôi cau có: “Vâng, em biết là sâu bọ, côn trùng đại bổ rồi. Bác bảo nhân viên cho “mồi” ra đi, bọn em đang vàng mắt ra đây này”. Đúng là khách quen có khác, chỉ mươi phút sau lời phàn nàn, các món ăn đã được dọn ra. “Hoành tráng đấy! Nhưng món tủ hôm nay có gì?”, cậu bạn tôi hỏi. “Có ngay!”, ông Minh rổn rảng, đoạn vẫy một nhân viên tới nói nhỏ: “Đuông dừa tươi sống nhé!”. Rồi ông quay sang tôi giải thích: “Chỉ có khách ruột mới được ưu tiên món này. Ăn vào, đảm bảo thấy trong người sẽ khác ngay vì những chất đại bổ ngấm vào can thận…”.

Mới chỉ nhìn qua, nhiều người sẽ lạnh sống lưng trước món đuông dừa sống.

Không rõ cái “khác” mà ông Minh mô tả nó thế nào, nhưng nhìn cái bát sứ sâu lòng đựng nước mắm ớt, bên trong có dăm, sáu con đuông dừa mũm mĩm, trắng nhễ nhại - thực chất là một loài sâu sống kí sinh trong những ngọn dừa - còn sống nguyên đang ngoe nguẩy, lúc nhúc, dù rất nể ông chủ hay chuyện, nhiệt tình, tôi cũng “buông đũa quy hàng” vì lục phủ ngũ tạng nôn nao hết cả. Riêng cậu bạn, dường như có sẵn máu liều trong những vụ làm ăn nên cấp tập “chiến đấu” hết cả suất đuông dừa của tôi một cách ngon lành.

Suốt bữa tất niên lạ đời hôm ấy, món duy nhất mà tôi dám động đũa là đĩa rau dớn luộc, được ông Minh quảng cáo là hái trên tận dãy Tây Côn Lĩnh - nơi đại ngàn Hà Giang. Nhưng cũng thú thật rằng, ngoài vị cay của rượu, tôi chẳng “cảm” thấy vị ngon của thứ rau hiếm hoi này vì cái cảm giác lạnh sống lưng trước những món lạ như bọ cạp xối mỡ, bọ xít nướng, dế mèn rang lá chanh…, đặc biệt là “món tủ” đuông dừa sống.

Kẽ hở trong quản lí thị trường ẩm thực

Như muốn “đánh gục” chúng tôi bằng những “luận cứ khoa học” thuyết phục hơn lời kể suông lúc đầu, trong khi chúng tôi ăn tráng miệng, ông Minh đưa ra một tập tài liệu dày cộp gồm những bản giấy in có xuất xứ từ những trang web khác nhau. Ông khẳng định như đinh đóng cột rằng, côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều loại thịt mà chúng ta vẫn ăn hàng ngày. Xưa kia, tổ tiên chúng ta đã từng rất chuộng ăn côn trùng, nhưng dần dần cuộc sống phát triển, mùi vị của côn trùng không còn hấp dẫn con người nữa. Thực ra, cơ thể côn trùng chứa nhiều chất có chức năng giống như các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt là sắt. Trong y học cổ đại Trung Hoa, nhiều loại côn trùng quý hiếm được coi như một thứ biệt dược dành riêng cho vua chúa, có tác dụng bảo vệ nhan sắc, sức khỏe. Có một điều đặc biệt là khi con người ta ăn các món ăn chế biến từ côn trùng, nhất là sâu bọ vào dạ dày, một thời gian ngắn sau, nó đã hấp thụ các loại chất độc tồn đọng trong cơ thể và tống chúng ra ngoài.

Món ve sầu chiên giòn.

“Việc xơi côn trùng, sâu bọ đang ngày càng hấp dẫn các thực khách sành điệu. Trong tương lai chẳng bao xa nữa các món ẩm thực làm từ những loài sinh vật quý hiếm này sẽ thành mốt thời thượng. Ở ngoài Bắc còn ít, chứ trong Nam, người ta đã mê những thức này từ lâu. Nhiều nhà hàng chuyên các món ăn về côn trùng còn tổ chức các cuộc thi ăn bọ cạp và đuông dừa sống với giải thưởng cao ngất ngưởng nữa cơ đấy…”, ông Minh kể, không quên “chua” thêm rằng, hầu hết loại côn trùng, sâu bọ sử dụng trong nhà hàng của ông đều là hàng xịn, được nhập từ các vùng miền khác nhau như đuông dừa, ve sầu mua từ Bình Định; bọ xít, châu chấu nhập từ Hải Dương, Hưng Yên; trứng kiến được nhập từ Hòa Bình; bọ cạp thu mua mãi trong vùng Bảy Núi, An Giang… Đặc biệt, có nhiều loại trong nước hiện quá hiếm, phải nhập từ nước ngoài, chẳng hạn như muồm muỗm, châu chấu, bọ cạp, cà cuống, dế mèn đặt mua từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia…

Một điều lạ là mặc dù coi đây là món đặc sản hấp dẫn thực khách nhưng chính ông chủ nhà hàng lại thừa nhận với tôi rằng, cơ sở của ông chỉ đăng kí kinh doanh như là một quán ăn uống bình thường mà chưa “dám” đưa các loại côn trùng, sâu bọ vào mục khai báo. Tôi cũng được biết, những món ăn kinh dị này này chưa hề được cơ quan y tế kiểm tra, kết luận về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi, trên thực tế, thời gian qua liên tiếp xảy các vụ ngộ độc do ăn “thực phẩm lạ” mà điển hình là hai vụ ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu xảy ra tại Bình Phước khiến 18 người phải đi cấp cứu, trong đó, 1 người bị tử vong. Hay như vụ ngộ độc tập thể do ăn bọ xít với gần 40 người “dính” ở Lai Châu, trong đó 1 người không qua khỏi. Ngay tại Hà Nội, mới đây đã có một trường hợp ở quận Hoàng Mai suýt bị tử thần cướp đi sinh mạng vì thử xơi món đặc sản sâu măng…

Với những thông tin có được, tôi chưa dám khẳng định chuyện ăn côn trùng, sâu bọ là vô bổ hay là hoạt động kinh doanh trái phép, theo đó, cũng không có ý định khuyến cáo thực khách “stop” (dừng) việc chạy theo những “mốt” ẩm thực lạ đời như cậu bạn của tôi. Chỉ có điều dám chắc là, sự tồn tại của các nhà hàng kinh doanh “thức ăn lạ” ở nhiều địa phương với nguồn thực phẩm chưa được đăng kí kinh doanh, chưa được cơ quan chức năng công bố về tính “bổ” của nó rõ ràng là lời cảnh báo về những kẽ hở trong quản lí thị trường ẩm thực ở nước ta hiện nay.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/mot-am-thuc-nhin-thi-ghe-nhung-an-la-me-514629.bld