Món ăn dân dã miền Tây

KTĐT - Cơn mưa tầm tã mấy giờ liền đã biến một số tuyến đường Sài Gòn thành những dòng sông nho nhỏ. Tôi cũng như bao người khác phải mất một thời gian khá dài mới lướt thướt đẩy được chiếc xe gắn máy đã tắt lịm về nhà, mà bình thường quãng đường từ sở về chỉ mất chừng mười lăm phút.

Tới nhà, chưa kịp hoàn hồn thì chuông điện thoại réo vang, đầu dây bên kia vang lên giọng hồ hởi của cô em gái: " Anh hai ơi! Nước đã nổi trắng đồng". Bao mệt nhọc trong tôi bỗng chốc tiêu tan, có thế chứ, cuối cùng lũ cũng đã về, mùa nước nổi mà người dân quê tôi chín đợi mười trông rồi cũng đến. Trong một thoáng, bao hình ảnh của một thời thơ ấu nơi quê nhà trong tâm trí tôi lại hiện lên rõ nét. Quê tôi Đồng Tháp Mười mùa này nước phủ trắng đồng, người người nhà nhà đều đổ ra đồng giăng câu, thả lưới, những món ăn dân dã của miền Tây mùa này cũng phong phú nhất trong năm. Bầu trời nặng như chì, mưa hun hút, bọn trẻ chúng tôi chỉ cần dăm phút thả lưới là được ngay một mẻ cá linh, những con cá vảy bạc nhảy loi soi tràn cả miệng giỏ, trên đường về tiện thể quơ ít mớ bông súng, bông điên điển là yên trí có một bữa nghiêng đất nghiêng trời với món mắm kho cá linh đặc sản. Bên ngoài mưa gió dầm dề bao nhiêu thì bên trong lại nghe mùi mắm thơm ngát bấy nhiêu, những con cá linh tươi rói hòa quyện với vị mặn mòi của mắm sặc tạo nên cái ngon cái ngọt đặc trưng mà chỉ đất này mới có. Món canh chua lươn, con lươn làm sạch, bắc nồi nướcnấu me cho sôi rồi thả lươn vào, nêm đường, nước mắm, bột ngọt, lươn gần chín thì thả bông súng, rau bắp chuối, ớt xắt, ngò gai. Màu nâu của lươn, màu xanh ngò gai, đỏ tươi của ớt, nóng, chua, cay, ngọt cứ thế mà chan chan, húp húp. Lươn nấu chua đã ngon, lươn um với lá nhào non lại càng độc đáo. Nhưng mưa gió thế này kiếm lá nhào đâu có dễ, thôi thì ăn tạm món lươn " lò bát quái" nghe anh! Lấy chiếc nồi đất đổ muối hột vào, xếp lá sả lên trên, thả một vài con lươn còn tươi rói vào, đậy nắp, bắc lên bếp lửa liu riu. Muối nóng dần, con lươn luồn vào lớp lá sả như chạy trốn, nó cứ luồn đi luồn lại như thế nên nhớp của nó bị lá sả cạo sạch. Chỉ nửa tiếng sau là ta có ngay món lươn nướng muối hột thơm lừng. Món cá lóc nướng đất sét cũng là món Dzách lầu. Lấy lá chuối bao quanh con cá rồi chét đất sét kín bưng, để lên lò than hồng trở qua trở lại cho đến khi lớp đất khô cong là được. Bắc xuống lấy sống dao gõ nhẹ là lớp đất tách làm đôi hé lộ một món ăn bên chai rượu đế sủi tăm thì có thể nói là quên trời quên đất. Chỉ cần nhớ là bộ đồ lòng của cá luôn phải dành cho người cao tuổi nhất trong mâm. Hay anh thích cá lóc nướng trui? Chờ chút nhé! Lấy chiếc đũa bếp cắm ngược con cá xuống doi đất góc vườn, ra cây rơm rút năm bảy nắm phủ lên rồi châm lửa. chỉ ít phút sau là dậy lên mùi thơm ngào ngạt của cá nướng trui, hòa quyện với mùi thơm của rạ rơm hương đồng cỏ nội. Dân miền Tây, nhà nào cũng thủ sẵn vài hũ mắm đồng là chẳng lo gì trong mùa lũ lụt, mắm kho, mắm chưng… là những món ăn không thể thiếu trong mùa này. Miệt Cà Mau còn có món mắm ba khía đặc sản. Mưa trắng trời thì khỏi đi đâu cho lạnh ướt, sẵn nồi cơm nguội, lấy ba khía ra khỏi lu khỏi hũ, rửa qua nước ấm, xé ra, đâm tỏi ớt, thêm chút đường, chút chanh và vài trái khế đập dập trộn đều. Mưa cứ mưa đi, mưa tơi tả chừng nào…ăn càng ngon chừng ấy. Cái chất mặn mà giòn thơm của mắm, vị ngọt của đường, vị cay của ớt, chua thanh của chanh… hòa quyện vào nhau làm thành một món ăn độc đáo nơi đất Mũi, không nơi nào có được. Món mắm ba khía phải ăn với cơm nguội mới đúng kiểu ẩm thực xứ này… Dù đi đâu ở đâu, cứ đến mùa nước nổi, người miền Tây lại nhớ đến những món ăn đậm đà hương vị chốn quê nhà. Những món ăn dân dã lưu truyền từ thuở ông cha ta đi khẩn hoang lập ấp. Lê Thủy

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=249853