Môi trường biển ô nhiễm nghiêm trọng

Trong khi nguồn nước ngọt đang có nguy cơ ô nhiễm thì vùng nước mặn cũng phải chịu những "áp lực" tương tự. Chất thải từ hoạt động dân cư theo sông ngòi, kênh rạch chảy ra biển trong khi hệ thống xứ lý rác thải không đáp ứng được. Áp lực ô nhiễm ở vùng biển ven bờ ngày càng nghiêm trọng.

Cá chết hàng loạt tại Quảng Ninh do ô nhiễm dầu Theo nghiên cứu của Tổng cục Môi trường, môi trường nước biển ven bờ đang phải chịu rất nhiều áp lực. Trước tiên đó là áp lực do gia tăng dân số và phát triển đô thị vùng ven biển. Mỗi ngày, các đô thị này đã "thải" ra biển từ 5200-10.300 tấn chất thải, ngoài ra là hàng nghìn tấn chất thải nguy hiểm khác chưa qua xử lý như chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, Amoni, phốt pho, dầu mỡ phi khoáng...Trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển chứa hàm lượng cao dầu khoáng, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển. Điều tra của Tổng cục Môi trường cho thấy, những năm gần đây, tại cụm cảng Hải Phòng- Quảng Ninh, mỗi tháng có khoảng 400 tàu xuất ngoại và để lại lượng nước thải trộn dầu lên tới hàng ngàn tấn. Đặc biệt, các vụ va chạm tàu thuyền trên biển làm tràn vỡ hóa chất cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Ngoài ra góp phần làm "bẩn" những vùng biển ven bờ còn phải kể đến hàng loạt hoạt động khác như khai thác nuôi trồng hải sản, phát triển công nghiệp biển, phát triển du lịch...Tất cả những hoạt động này đã khiến chất lượng nước biển ven bờ bị xuống cấp và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước biển là chuyện không xa. Các biểu hiện của sự ô nhiễm biển khá đa dạng, có thể chia ra thành một số dạng như sau: Gia tăng nồng độ của các chất ô nhiễm trong nước biển như dầu, kim loại nặng, các hóa chất độc hại. Gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm tích tụ trong trầm tích biển vùng ven bờ. Suy thoái các hệ sinh thái biển như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển v.v... Suy giảm trữ lượng các loài sinh vật biển và giảm tính đa dạng sinh học biển. Xuất hiện các hiện tượng như thủy triều đỏ, tích tụ các chất ô nhiễm trong các thực phẩm lấy từ biển. Theo Viện Hải Dương học, trên vùng biển nước ta, các rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển- nguồn cung cấp thức ăn cho các loài hải sản, đều đang bị suy giảm mạnh. Diện tích thảm cỏ biển Việt Nam được đánh giá là khá lớn trên thế giới. Các thảm cỏ biển ở độ sâu từ 0 đến 20m, là nơi trú ngụ của rất nhiều loài hải sản thường có nhiều ở vùng biển đảo Phú Quốc và một số cửa sông miền Trung. Tuy nhiên, những thảm cỏ này đang bị mất dần do tai biến thiên nhiên, do việc lấn biển để xây dựng các công trình dân sinh. Chỉ trong vòng 5 năm qua, hệ sinh thái quý giá này đã bị giảm một nửa. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện tại các vùng biển như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận...và đã tiêu diệt một lượng lớn tôm, cua, cá, san hô, rong cỏ biển... Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, hàm lượng dầu, mỡ trong nước biển ven bờ ngày càng tăng và đã tới mức báo động. Ông Tùng cho biết, tại tất cả các điểm đo ở Bắc- Trung- Nam, hàm lượng dầu trung bình trong nước biển đều vượt Quy chuẩn cho phép. Cửa Lục, Bãi Cháy, Quảng Ninh, khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng; Rạch Giá, Kiên Giang đều là những nơi có hàm lượng dầu trong nước rất cao. Trong khi đó, việc quản lý tất cả các nguồn thải này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa cụ thể và chưa có hiệu quả. Bảo vệ môi trường biển là một trong những nội dung quan trọng của các chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên thế giới. Công ước Luật biển năm 1982, Công ước Marpol 73/78 chống ô nhiễm biển, Công ước quốc tế 1990 về việc sẵn sàng đối phó và hợp tác quốc tế chống ô nhiễm dầu đã thể hiện sự quan tâm của quốc tế đối với vấn đề ô nhiễm biển. Tuy nhiên, theo một số đánh giá của quốc tế, chưa kể đến sự tàn phá trực tiếp từ con người, thì sự gia tăng nồng độ khí CO2 trong khí quyển, nhiệt độ cao hơn và quá trình axit hóa đại dương đã có thể "giết chết" 70% san hô trên thế giới vào năm 2050 và tới cuối thế kỷ chúng có thể biến mất hoàn toàn. Từ đó, có thể thấy trách nhiệm của các nhà quản lý môi trường trong thời gian tới vô cùng nặng nề, và vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xuyên biên giới chiếm một vai trò vô cùng quan trọng. Lê Na

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=32925&menu=1422&style=1