Mối tình của Cựu hoàng Duy Tân khi bị lưu đày tại đảo Reunion (II)

(Phunutoday) - Bà Fernande Aniter sinh ra trong một gia đình có hai chị em gái. Cha mẹ bà là người Pháp nhưng đã sinh sống lâu đời ở đảo Reunion. Họ sống bằng nghề buôn bán nhỏ ở vùng Salazie thuộc Reunion. Bà Fernade Aniter gặp Cựu hoàng Duy Tân khi bà mới 15 tuổi.

Đó là vào năm 1927. Quãng thời gian này, gia đình bà Fernande Aniter có một tiệm cơm tháng chuyên phục vụ cho học sinh và những người có thu nhập trung bình ở đảo Reunion. Còn bản thân Duy Tân sống độc thân trong một căn nhà nhỏ, vừa học tập, trau dồi kiến thức, vừa mở cửa hàng sửa chữa vô tuyến điện kể kiếm sống. Cựu hoàng Duy Tân Ở đảo Ruenion, Cựu hoàng chỉ nhận được một khoản trợ cấp ít ỏi của người Pháp. Nhưng lòng tự trọng của một cựu quân vương yêu nước đã khiến cho Cựu hoàng Duy Tân không bao giờ mở miệng ra đòi hỏi, xin xỏ của người Pháp bất cứ thứ gì. Chính vì thế cuộc sống của Duy Tân ở đảo Reunion không sung túc như nhiều vị vua bị lưu đày khác cũng ở trên hòn đảo này. Những người đó có biệt thự để ở, riêng Duy Tân ở trong một căn nhà như của những người dân bản xứ. Do khoản thu nhập và trợ cấp eo hẹp, nên ông không có điều kiện để thuê người giúp việc. Ông sống giản dị trong căn nhà nhỏ, ăn mặc và sinh hoạt cũng giản dị như bao người dân bình thường khác ở đảo. Cựu hoàng không biết tự nấu nướng. Với số thu nhập khiêm nhường của mình, ông thường qua quán cơm tháng của gia đình bà Fernande Antier ăn cơm rồi dần dần trở thành khách quen ở quán cơm này. Cũng từ đó, Cựu hoàng quen biết và nảy sinh tình cảm với bà Fernande Antier. Bà Fernande Antier kém Duy Tân 12 tuổi, nhưng hai người lại rất hợp nhau trong suy nghĩ tình cảm cũng như trong các phương diện khác của cuộc sống ngày thường. Ở đảo Reunion, Cựu hoàng dành rất nhiều thời gian để học luật và các tri thức khác. Ông cũng là người đặc biệt có khiếu âm nhạc. Ông chơi violon rất giỏi và còn có chân trong ban nhạc đại hòa tấu tại Saint Denis. Vua Duy Tân Không chỉ thế, Cựu hoàng còn viết văn, nuôi ngựa và đua ngựa. Cựu hoàng đã từng giật giải nhất trong cuộc thi đua ngựa lớn nhất toàn đảo. Chính trí tuệ, sự thông minh, hiểu biết của ông đã chinh phục cô gái Fernande Antier. Năm 1928, sau khi gửi đơn ly hôn về cho Hoàng phi Mai Thị Vàng được 3 năm, Duy Tân kết hôn với bà Fernande Antier. Đám cưới diễn ra giản dị tại đảo Reunion, với sự góp mặt của người dân trên đảo và cả Cựu hoàng Thành Thái - thân sinh của Cựu hoàng Duy Tân - lúc này cũng đang bị đày tại đảo Reunion. Tuy đám cưới đã diễn ra nhưng vì Hoàng phi Mai Thị Vàng không đồng ý ly hôn, nên cuộc hôn nhân của cựu hoàng Duy Tân với bà Fernande Antier vẫn chưa được nhà thờ công giáo ở đảo Reunion công nhận. Chính vì thế mà sau này các con của Cựu hoàng Duy Tân có với bà Fernande Antier đều phải mang họ mẹ. Phải mãi về sau, khi Cựu hoàng Duy Tân qua đời, Tòa án ở Reunion mới xem xét lại là đồng ý để các con của Cựu hoàng chuyển sang họ cha. Từ năm 1928, bà Fernande Antier đã sinh cho Duy Tân 8 người con, nhưng chỉ nuôi được 4 người con: Hoàng nữ Rita Suzy Georgette Vĩnh San (6/8/1929); Hoàng tử Guy Georges Vĩnh San (31/1/1933); Hoàng tử Yves Claude Vĩnh San (8/4/1934) và Hoàng tử Josesp Roger Vĩnh San (18/4/1938). 4 người con của Cựu hoàng Duy Tân vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật Dede. Điều đáng tiếc nhất là các con của Cựu hoàng, do không có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam nên không biết tiếng Việt và không thực sự am hiểu về lịch sử dân tộc nói chung cũng như lịch sử triều Nguyễn nói riêng. Theo những lời kể của bà Fernande Antier trong chuyến về thăm Việt Nam năm 1987 thì Cựu hoàng Duy Tân là người rất yêu thương vợ con nhưng cũng rất kín đáo. Ngoài việc trao đổi sinh hoạt bình thường trong gia đình, Cựu hoàng rất ít khi thổ lộ tâm tư tình cảm, nhất là chuyện đất nước, chính sự với vợ con của mình. Ông không bao giờ nói chuyện về Việt Nam với những người dân trên đảo Reunion và kể cả với vợ mình. Nhưng cũng có đôi lần ông thổ lộ với vợ rằng ông lúc nào cũng khao khát thoát khỏi Reunion, thoát khỏi tay người Pháp để trở về Việt Nam, tìm cách cứu nước. Tuy cùng bị lưu đày với vua cha Thành Thái ở đảo Reunion, nhưng Duy Tân không sống cùng Vua Thành Thái, do những bất đồng không giải quyết được trong quan điểm cứu nước. Đó là mâu thuẫn lớn nhất của hai cha con Cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân. Thế nhưng không vì thế mà tình cảm Cựu hoàng Duy Tân dành cho vua cha Thành Thái bị sứt mẻ. Ông luôn dạy con cái phải biết hiếu lễ, ngoan ngoãn với ông nội. Hàng tuần, ông đều dặn vợ nấu súp mang sang biếu cha. Phần lớn thời gian Cựu hoàng chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe và học hành để mở mang trí tuệ. Nhưng niềm say mê lớn nhất của ông chính là vô tuyến điện. Theo lời bà Fernande Antier, sở dĩ Cựu hoàng say mê vô tuyến điện là bởi ngành kỹ thuật này không chỉ giúp Cựu hoàng nuôi sống gia đình, mà còn là phương tiện duy nhất giúp ông liên lạc được với thế giới bên ngoài. Cũng nhờ vô tuyến điện mà vào ngày 18/6/1940, Cựu hoàng Duy Tân nghe được bản tin hiệu triệu của tướng De Gaulle - người đứng đầu của tổ chức chống Phát xít Đức mang tên Pháp tự do. Ông đã rất xúc động khi nghe lời kêu gọi này và tham gia vào lực lượng đồng minh chống phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới lần II, trở thành Thiếu tá quân đội trong quân đội Pháp, được tặng huân chương kháng chiến vì có công trong cuộc chiến tranh thế giới chống phát xít Đức. Trong một bức thư viết cho người con trai Yves Claude Vĩnh San vào ngày 17/11/1945 (lúc này Cựu hoàng Duy Tân đang tham gia quân đội Pháp), ông nói với con trai: “Con đừng đi học mà đem về những điểm số yếu kém vì đối với người cha già đang yêu quý con đây thì cái cách duy nhất mà con cần bày tỏ là học cho thật giỏi và ăn ở tốt. Không có ngày nào mà cha không nghĩ đến con. Con nến biết rằng giờ đây con là con trai của một vị chỉ huy quân đội Pháp. Con nên sống xứng đáng với tình cảm mà cha mẹ đã dành cho con. Lần sau cha sẽ viết thư dài cho con. Trìu mến hôn con. Dede”. Suốt đời mình, Cựu hoàng Duy Tân chỉ mong ước duy nhất một điều, đó là được trở về Việt Nam và tìm cách giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi sự thống trị của thực dân Pháp. Năm 1945, Thực dân Pháp đã dự định sử dụng ông như một quân cờ để quay lại tái chiếm Đông Dương. Nhưng sau này, người Pháp nhận ra, sau gần 30 năm lưu đày, Cựu hoàng Duy Tân vẫn là người yêu nước, muốn chống Pháp và muốn dành quyền tự quyết cho dân tộc, nên thực dân Pháp đã từ bỏ ý định đưa ôngvề Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà Cựu hoàng đã không có cơ hội hồi hương, như ước mơ của ông suốt những năm tháng bị lưu đày. Ngày 24/12/1945, Cựu hoàng Duy Tân lên chiếc máy bay rời Paris về đảo Reunion thăm gia đình. Dự định của ông là sau khi thăm gia đình sẽ trở về Việt Nam. Nhưng trên đường về, chiếc máy bay đã gặp một tai nạn rất khó hiểu, khiến ông cùng 5 người có mặt trên chuyến bay tử nạn. Tin báo về sự ra đi đột ngột của Cựu hoàng mãi sau này mới được thông báo đến bà Fernande Antier và con cái. Sau khi Cựu hoàng Duy Tân tử nạn trong chuyến bay cuối năm 1945, cuộc sống của mẹ con bà Fernande Antier rất khó khăn. Bà Fernande Antier và con cái chỉ nhận được khaorn trợ cấp 200 phờ - răng. Số tiền này so với thời giá lúc đó quá ít ỏi, nên mẹ con bà Fernande Antier phải tư lo liệu nuôi nhau. Các con của bà Fernande và Cựu hoàng Duy Tân đều phải nghỉ học. Hoàng nữ Suzi và hoàng tử Claude phải đi làm, Hoàng tử Goerhes Vĩnh San đăng lính. Riêng Hoàng tử Roger dù còn nhỏ cũng phải cùng mẹ lao động cực nhọc. Sau này, bà Fernande Antier và con cái phải di cư sang Madagascar nhiều năm rồi quay trở về Pháp để mưu sinh. Đầu năm 1987, hài cốt của Cựu hoàng Duy Tân đã được đưa từ Trung Phi về an táng ở Huế trong một nghi lễ được tổ chức trọng thể. Đầu năm 1988, bà Fernande Antier đã cùng người con trai út Josesp Roger Vĩnh San sang Việt Nam thăm quê hương của Cựu hoàng. Năm 2005, bà Fernande Antier qua đời ở Pháp. Nguyện vọng cuối cùng của bà là sau khi qua đời, hài cốt của bà sẽ được táng bên cạnh lăng mộ của Cựu hoàng Duy Tân ở An Lăng (Huế). Hiện người con trai út của Cựu hoàng Duy Tân là Roger Vĩnh San đã về Việt Nam sinh sống, với mong ước được sống những ngày tháng cuối cùng trên quê cha, đất tổ. PV

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blognguoinoitieng/201109/Moi-tinh-cua-Cuu-hoang-duy-Tan-khi-bi-luu-day-tai-dao-Reunion-ii-2094369/