Mối tình của Cựu hoàng Duy Tân khi bị lưu đày tại đảo Reunion (I)

(Phunutoday) - Vua Duy Tân và vua Hàm Nghi là hai vị vua triều Nguyễn có số phận rất giống nhau: Đều lên ngôi từ khi còn nhỏ tuổi, đều có tinh thần yêu nước, chống Pháp nhưng lực bất tòng tâm và đều bị thực dân Pháp ép buộc đi lưu đày ở nước ngoài.

Bị đi đày từ khi còn rất trẻ và không có cơ hội trở về Việt Nam, nên cả vua Hàm Nghi và vua Duy Tân đều lấy những người vợ ngoại quốc và sinh ra những người con mang dòng máu lai. Dẫu vậy, cũng như vua Hàm Nghi, đến tận cuối đời, Vua Duy Tân vẫn giữ tinh thần yêu nước, tuyệt đối không khuất phục mọi sự mua chuộc của thực dân. Vị vua nhỏ tuổi nhưng yêu nước Vua Duy Tân (sinh ngày 19/9/1900) Vua Duy Tân tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh ngày 19/9/1900 (tức ngày 26 tháng 8 năm Canh Tý). Vua Duy Tân là con thứ 5 của vua Thành Thái và bà hoàng phi Nguyễn Thị Định. Là người có tư tưởng yêu nước, chống Pháp, Vua Thành Thái đã từng nhiều lần giả điên để che giấu kế hoạch chống Pháp của mình. Thế nhưng những điều đó đã không lọt qua mắt thực dân xâm lược. Thực dân Pháp đã dùng chính cái hành động giả điên của Vua Thành Thái, để buộc ông thoái vị vì lý do bị tâm thần, không thể trị được việc nước. Sau khi ép vua Thành Thái thoái vị, thực dân Pháp gấp rút chọn trong số những người con của ông một người kế vị, với âm mưu nham hiểm sẽ dùng vị vua mới này như một thứ bù nhìn, tay sai cho thực dân. Vua Thành Thái có rất nhiều con trai. Lẽ thường phải lập con trưởng là người kế vị, nhưng lo sợ một vị vua trưởng thành sẽ khó sai khiến, nên thực dân Pháp muốn chọn một người con nhỏ tuổi của vua Thành Thái lên nối ngôi. Đích thân Khâm sứ Pháp Fernand Ernest Levecque đã trực tiếp vào cung, gặp gỡ tất cả các con trai của vua Thành Thái để chọn người kế vị ngôi vua. Chuyện là khi Khâm sứ Levecque vào cung, tất cả các hoàng tử đều có mặt, chỉ riêng Hoàng tử Vĩnh San là đi đâu không rõ. Không dám để Khâm sứ Levecque đợi lâu, các vị đại thần lập tức cho người đi tìm Hoàng tử Vĩnh San về. Năm đó Hoàng tử Vĩnh San mới lên 7 tuổi, hoàn toàn chưa hiểu thế nào là chuyện kế vị, chuyện ngôi vua. Lúc các hoàng tử khác đang tập trung chờ được chọn lên ngôi vua, thì Hoàng tử Vĩnh San còn đang mải đi bắt dế, mặt mày lem luốc, quần áo đẫm mồ hôi. Tìm thấy Vĩnh San trong bộ dạng không lấy gì làm đẹp đẽ, nhưng các vị đại thần vẫn buộc phải đưa Vĩnh San đến trình diện Khâm sứ Pháp, vì không còn thời gian để về cung tắm rửa. Không ngờ chính bộ dạng này của Hoàng tử Vĩnh San đã khiến tay Khâm sứ Pháp hài lòng. Trong mắt hắn ta, Hoàng tử 7 tuổi Vĩnh San có cái vẻ nhút nhát, đần độn và dễ sai bảo. Hoàng tử Vĩnh San lên ngôi khi mới 7 tuổi, được các quan trong triều đặt giúp niên hiệu là Duy Tân, với mong muốn Vua Duy Tân sẽ hoàn thành sự nghiệp còn dang dở của vua cha Thành Thái. Chuyện kể rằng trước khi lên ngôi, Hoàng tử Vĩnh San mang dáng vẻ ngờ nghệch của một cậu bé 7 tuổi. Nhưng chỉ một ngày sau khi trở thành Vua Duy Tân, ông đã mang một phong thái hoàn toàn khác: Tai to, mắt sáng, mặt mũi khôi ngô. Ông nói chuyện với các quan trong triều đúng khẩu khí của một vị vua. Khi tiếp Toàn quyền Pháp và Khâm sứ Pháp, ông nói chuyện đĩnh đạc, đường hoàng bằng tiếng Pháp. Trong buổi lễ Tôn Vương cho vua Duy Tân, một nhà báo Pháp dường như đoán trước được sự sai lầm của người Pháp đã viết một câu trong bài báo: “Chỉ một ngày trên ngai vàng đã hoàn toàn thay đổi dung mạo của một cậu bé lên 8”. Buổi đầu vào nội cung, Vua Duy Tân được phục vụ một bữa cơm thịnh soạn với không biết bao nhiêu món ăn bày trên bàn. Thấy bữa ăn quá tốn kém, vua Duy Tân khi đó mới 7 tuổi đã nói: “Trước kia tôi thường dùng bát cơm úp với lại một vài con cá bống kho mặn. Cứ việc cho tôi ăn như rứa là được rồi”. Kể từ đó, thị vệ chỉ được phục vụ bữa ăn của vua Duy Tân với cơm và một món ăn. Ngay cả trong chuyện ăn mặc, vua Duy Tân cũng thể hiện rõ khẩu khí của một vị vua yêu nước, biết nghĩ cho dân chúng. Ông từ chối tất cả các thứ vải quý của ta cũng như của Tây. Ngoài bộ triều phục, thường phục, Vua Duy Tân chỉ có áo the thâm và quần vải trắng. Vua Duy Tân lên ngôi đúng lúc phong trào chống sưu thuế của người dân Trung Kỳ nổ ra. Chiều chiều đứng ở lầu cao nhìn ra, thấy những người dân ăn mặc rách rưới,đói khổ, nước mắt ông chảy lưng tròng. Năm 16 tuổi, vua Duy Tân đã liên lạc với Việt Nam Quang phục hội, với mong muốn lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nhưng kế hoạch của ông nhanh chóng bị bại lộ. Ông bị thực dân Pháp bắt và bị đi đày sang đảo Le Reunion vào năm 1916 trên một chuyến tàu khởi hành ngày 3/11/1916. Đảo Reunion là một thuộc địa của Pháp từ năm 1642, nằm trên biển Ấn Độ Dương, ngay phía Đông châu Phi, diện tích chung là 2500km. Người dân ở đây tính tình hiền lành, trung trực, thuần chất. Trong một buổi trò chuyện với một nhà báo Pháp, vua Duy Tân đã nói: “Tôi đến đảo Reunion năm tôi vừa tròn 17 tuổi. Ở đây tôi hạnh phúc vì được người bản xứ yêu quý, biệt đãi, tôi tự hào vì được ngắm phong cảnh diễm lệ của vùng đất này. Nhưng tất cả những điều đó không làm cho tôi quên nước Việt Nam tôi được”. Chuyện tình của cựu hoàng Duy Tân ở quán cơm bình dân ở Reunion Khi còn ở ngôi vua, vì chiều ý mẫu hậu, vua Duy Tân tuyển phi từ năm 16 tuổi. Người được Duy Tân chọn là bà Mai Thị Vàng (con gái của quan phụ đạo Mai Khắc Đôn - thầy dạy học của ông). Khi vua Duy Tân bị đưa đi đày sang đảo Reunion, Hoàng phi Mai Thị Vàng cũng đi theo cùng. Nhưng được 2 năm, do không hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đảo Reunion, Hoàng phi Mai Thị Vàng sức khỏe suy sụp, buộc phải xin Duy Tân cho về nước. Đó là vào năm 1919. Kể từ đó cho đến lúc qua đời, ông không bao giờ còn có cơ hội gặp người vợ chính thức đầu tiên mà triều đình đã cưới cho mình. 10 năm sau khi Hoàng phi Mai Thị Vàng hồi hương, nghĩ khó lòng có còn cơ hội tao ngộ, Cựu hoàng đã gửi giấy ly hôn về Việt Nam cho Hoàng phi Mai Thị Vàng, để bà thanh thản đi bước nữa. Tuy nhận được giấy ly hôn và cũng không còn cơ hội gặp lại Duy Tân, nhưng Hoàng phi Mai Thị Vàng vẫn thủ tiết cho đến ngày bà qua đời tại Hậu thôn, Kim Long (Huế). Khi sang đảo Reunion, Cựu hoàng được thực dân Pháp cấp cho một biệt thự sang trọng ngay gần bờ biển, nhưng ông từ chối và chuyển đến ở trong một ngôi nhà đi thuê của một người thường dân. Tại đây, Duy Tân dành rất nhiều thời gian cho việc học hành. Ông làm nghề thiết kế, sửa chữa vô tuyến điện và sinh sống bằng chính sức lao động của mình, hoàn toàn không phụ thuộc vào trợ cấp của người Pháp. Ông cũng là người điều khiển đài vô tuyến của đảo Reunion, phương tiện liên lạc độc nhất của đảo Reunion với bên ngoài. Đài vô tuyến được đặt trong chính cửa hàng sửa chữa vô tuyến điện của ông. Là một người thông minh, ham học hỏi, có lối ứng xử nhã nhặn, văn hóa, nên ở đảo Reunion, Cựu hoàng được nhân dân ở đây yêu mến. Ông có nhiều bạn bè nhưng rất ít chơi với người Pháp, chỉ chơi với một nhóm bạn nhỏ cùng sở thích. Kể từ khi Hoàng phi Mai Thị Vàng hồi hương, Cựu hoàng sống một mình trong căn nhà nhỏ tại Saint Denis. 10 năm sau (năm 1928), ông kết hôn với bà Fernande Antier (sinh năm 1912) - con gái của một gia đình nấu cơm tháng người Reunion gốc Pháp - nơi ông thường tới ăn cơm. PV

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blognguoinoitieng/201109/Moi-tinh-cua-Cuu-hoang-duy-Tan-khi-bi-luu-day-tai-dao-Reunion-i-2094098/