Mối nguy từ đồ “sida” giá rẻ

(CATP) Đến các khu chợ trời, chỉ cần chịu khó bỏ ra chút thời gian để đào bới trong đống ngổn ngang quần áo cũ (quần áo đã qua sử dụng, gọi là đồ second hand hay đồ “sida”), nhiều người có thể chọn cho mình những bộ trang phục ưng ý. Rẻ, đẹp và độc là những ưu điểm khiến đồ “sida” trở thành món hàng được giới văn phòng, sinh viên, công nhân và người lao động có thu nhập thấp săn lùng. Tuy nhiên, đồ “sida” đang trở thành nguyên nhân gây ra nhiều mầm bệnh viêm nhiễm, nấm ngoài da, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Một điểm bán đồ “sida” thu hút khá đông người mua tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh) TỪ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, một tổ chức nhân đạo của Thụy Điển (tên là Sida) đã mang nhiều thùng quần áo cũ sang viện trợ cho Việt Nam. Khái niệm đồ “sida” bắt đầu từ đó. Hiện nay, tuy hàng viện trợ không còn nhưng từ “sida” vẫn được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng để chỉ những món đồ đã qua sử dụng, mua đi bán lại với giá rẻ. Riêng tại TPHCM, đồ “sida” được bày bán tràn lan trên vỉa hè hoặc các khu chợ trời với đầy đủ chủng loại, mẫu mã mà giá thành lại cực rẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu như các loại quần áo, giày dép cũ chủ yếu tràn về từ Campuchia qua biên giới thì áo len, áo ấm các loại là hàng Trung Quốc chuyển sang. Dạo một vòng quanh các khu vực bán đồ “sida” tại chợ Bà Chiểu, Hoàng Hoa Thám, Bàu Cát hay khu chợ trời tại Làng đại học Thủ Đức, người ta dễ dàng bắt gặp bảng giá quần, áo với những con số thấp đến bất ngờ: 5.000 - 10.000 đồng/áo, 20.000 - 30.000 đồng/quần. Thậm chí, có những bộ trang phục được gắn nhãn mác, kiểu dáng y hệt nhau nhưng người mua chỉ tốn vài chục ngàn đồng sau khi lục lọi trong đống đồ “sida” thay vì vài trăm ngàn khi vào shop thời trang. Một ông chủ chuyên bán đồ “sida” tại Thủ Đức cho biết, để có cái giá hời ấy phải kể đến công nghệ “lên đời” cho đồ cũ (đã bị ố màu, nhàu nát, xù lông) của các tay đầu nậu, chủ hàng nhằm qua mắt người tiêu dùng như: dùng thuốc tẩy trắng cực mạnh, bàn ủi, cạo lông cho đồ thun... Vì thế, đằng sau câu chuyện về các món hàng độc, giá rẻ này là những phiền toái cho sức khỏe mà nhiều khổ chủ khi kể lại vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Tô Hà Mi, công nhân khu chế xuất Tân Thuận vừa gặp một phen điêu đứng vì sở thích săn lùng đồ “sida” của mình. Chị Mi cho biết, được lãnh lương tháng, chị đến các điểm bán đồ “sida” để thả sức chọn lựa. Theo chị, chúng vừa phù hợp với túi tiền công nhân vừa có nhiều kiểu đẹp. Mặc quần áo “sida” chưa tròn tháng, chị Mi đã phải tìm đến bác sĩ phụ khoa khi thấy trên da xuất hiện ngày càng nhiều những đốm đỏ gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Đặc biệt ở vùng kín lại có những con rận li ti khiến chị hoang mang, lo lắng. Sau khi được bác sĩ tư vấn và giải thích về những mối nguy có thể tiềm ẩn trong đồ “sida”, chị Mi uống thuốc và kiên quyết bỏ hẳn sở thích săn hàng giá rẻ của mình. Tại nhiều điểm bán đồ “sida”, chúng tôi thấy hàng đống quần áo được bày la liệt trên các tấm bạt ở lề đường, vỉa hè đầy bụi bẩn. Hầu hết đồ “sida” đều cũ, đã qua sử dụng, có bộ bị ngả màu, ố, dúm dó, giãn hết chất vải. Thậm chí có chiếc quần còn bị ố vàng phần đũng được tẩy trắng, làm sạch rồi đem bán. Đó chính là môi trường để các loại ký sinh trùng nguy hiểm sinh sống. Trả giá cho thú vui săn “chip độc” của mình, Phan Mạnh Hải (17 tuổi, ngụ quận Tân Bình) kể lại với nét mặt bần thần: “Hôm đó em thấy ngứa kinh khủng, lại có con gì màu trắng bằng đầu tăm. Lúc đầu nghĩ chắc mình bị nấm hoặc do chàm nhưng sau khi bôi thuốc cũng không thấy đỡ. Sau mỗi lần tắm xong để ý trên quần lót thấy những đốm vàng nhỏ li ti và mật độ ngày càng dày, đến trung tâm da liễu khám bác sĩ nói em bị nấm bẹn”. Các loại nấm thường ký sinh trên quần áo rất lâu và khó có thể diệt sạch được. Rận bẹn là loại kí sinh trùng hút máu, cư ngụ ở lỗ chân lông vùng sinh dục, gây ngứa ngáy rất khó chịu. Bác sĩ Lê Cao Thắng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Do được bày bán tràn lan trên đường bụi bặm, cộng với việc sử dụng các loại thuốc tẩy cực mạnh để làm mới quần áo cũ, đồ “sida” trở thành môi trường tốt cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong trường hợp bị dị ứng mà không được tư vấn, chạy chữa kịp thời người bệnh có thể mắc phải các bệnh viêm nhiễm nặng dẫn đến nhiễm trùng máu, vô sinh...”. Để chứng tỏ sự sành điệu, đẳng cấp “độc” nhiều người đổ xô đi săn lùng đồ “sida” mà không biết bên trong nó ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Thạc sĩ tâm lý học Huỳnh Lâm Anh Chương, giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM khuyến cáo: “Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên mặc quần áo mới. Nếu dùng đồ cũ thì nên đem luộc để tiêu diệt hết trứng và rận, sau đó phơi ngoài nắng. Tránh việc bắt chước nhau đi mua quần áo cũ mà không biết chất vải có vệ sinh hay không và không nên giặt đồ sơ sài giúp mầm bệnh từ nấm có điều kiện phát triển gây bệnh”.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=150616&mod=detnews&p=