Mở rộng diện tích trồng cây cỏ ngọt ở Nghệ An

Tại Nghệ An tuy cây cỏ ngọt mới được đưa vào trồng nhưng hiệu quả đã sớm được khẳng định. Theo ngành nông nghiệp Nghệ An thì đây là loại cây họ cúc, được tiêu thụ bán cho các nhà máy sản xuất đường; ngoài ra loại cây này còn được đưa vào làm các vị thuốc bổ tim, lợi tiểu, chữa bệnh tiểu đường.

Từ năm 2010, cây cỏ ngọt đã được trồng thử nghiệm trên đồng đất xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc với sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp Nghệ An, UBND xã Nghi Đồng và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Á Châu. Trong đó, Công ty Á Châu đảm nhận cung cấp giống, chuyển giao công nghệ, cử cán bộ kỹ thuật giám sát, hỗ trợ nông dân xây dựng hạ tầng đồng ruộng; nông dân góp công lao động và đất đai; ngành nông nghiệp và địa phương phối hợp giám sát về kỹ thuật và hỗ trợ các mặt khác cho nông dân. Kết quả cho thấy, mỗi ha cho thu nhập từ 350 triệu đến 400 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác trên địa bàn. Ưu điểm của cây cỏ ngọt là có thể trồng xen với lúa, ngô trên ruộng cạn hoặc trồng xen với các loại cây trồng khác nên nông dân rất thích trồng. Việc trồng cây cỏ ngọt mang lại hiệu quả là do nông dân không lo đầu ra sản phẩm (vì được doanh nghiệp và các nhà máy đường bao tiêu), hơn nữa đây cũng là loại cây dễ trồng, thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại địa phương; trong khi vốn đầu tư trồng mỗi ha chỉ khoảng 30 triệu đồng nên nhiều nông dân có thể tham gia. Hiện nay, mô hình trồng cỏ ngọt đang phát triển tại nhiều xã thuộc huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu… Tại xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, từ chỗ chỉ có vài hộ tham gia trồng, nhưng đến nay đang được nhân rộng đến nhiều hộ khác do hiệu quả kinh tế của cây cỏ ngọt đã được khẳng định. Ông Ngô Hồng Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên (một trong những địa phương phát triển hiệu quả cây cỏ ngọt) cho biết, xã sẽ chỉ đạo phát triển hiệu quả cây cỏ ngọt trên những diện tích đất khô cằn, thiếu nước và những diện tích đất đang trồng những loại cây trồng khác nhưng cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp và coi cỏ ngọt là cây trồng chính trong cơ cấu các loại cây trồng nông nghiệp. Từ hiệu quả của việc trồng cây cỏ ngọt, ngành nông nghiệp Nghệ An đang có chủ trương đưa vào phát triển loại cây này trên diện rộng nhằm thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho cho nông dân./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=461941&co_id=30065