Mô hình trường bán trú dân nuôi

ND - Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2008-2009, cả nước có 24 tỉnh có trường phổ thông thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, với tổng số 1.657 trường và 144.124 học sinh; trong đó có 138.529 học sinh dân tộc thiểu số. Số học sinh này tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học và THCS do nhà ở quá xa trường, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều em ở các bản vùng cao, vùng xa, vùng sâu, vùng lòng hồ không đi học về trong ngày được. Các em phải ở trọ gần trường, hoặc gia đình tự làm lán cho các em ở, hằng tuần về nhà lấy gạo và thực phẩm để theo học.

Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất về nhà ở và đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày của các em rất giản đơn; an ninh - trật tự không bảo đảm; các công trình vệ sinh, bếp ăn nhiều khi tạm bợ, mất vệ sinh và nguy cơ gây ra dịch bệnh cao. Trong công tác quản lý, nếu nơi nào ban giám hiệu nhà trường quan tâm thì chấp nhận được, còn lại chủ yếu là để các em tự lo, từ việc sinh hoạt, ăn, ở, học tập. Theo Quyết định 112/2007/QĐ-CP của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, mỗi học sinh bán trú dân nuôi thuộc hộ nghèo được hưởng 140 nghìn đồng/tháng. Gần đây, Quyết định 27/2008/QĐ-TTg quy định thêm đối với học sinh nghèo thuộc diện học sinh nội trú mà theo học ở các trường công lập, bán công được hưởng 50% số học bổng của học sinh nội trú. Tuy vậy, các học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao hầu hết thuộc diện nghèo và cận nghèo, nếu vận dụng theo các quyết định trên về thụ hưởng chính sách xã hội là chưa hợp lý (học sinh nghèo và cận nghèo không theo học bán trú thì không được hưởng). Nhiều địa phương, tùy điều kiện thực tế đã vận dụng sáng tạo nhằm thu hút học sinh đến lớp. Thí dụ tỉnh Yên Bái hỗ trợ 15 kg gạo/tháng cho học sinh người dân tộc Mông thuộc hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có hoàn cảnh khó khăn theo học bán trú dân nuôi; ở tỉnh Nghệ An học sinh bán trú được hưởng 80% chế độ của học sinh nội trú; tỉnh Hà Giang trợ giúp 100 nghìn đồng/tháng cho học sinh bán trú dân nuôi... Để tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa theo học được các bậc học cao hơn, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ cho phát triển lâu dài, bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục, cấp ủy và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa mô hình trường bán trú dân nuôi. Nếu duy trì, củng cố tốt mô hình này theo đúng quy chuẩn (hiện nay chưa có quy định thống nhất từ tên gọi đến quy chế) sẽ góp phần tích cực giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, nhất là ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu cho Đảng và Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách riêng cho loại hình trường bán trú dân nuôi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156690&sub=152&top=37