Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho giai đoạn 2011-2020

(VOV) - Hiện nay, mô hình kinh tế của nước ta đang áp dụng đã gặp phải những rào cản, chủ yếu là bất cập trong phân cấp quyết định đầu tư, phát triển tràn lan nhiều dự án lớn mà không tính đến thực trạng cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội…

Sáng 23/6, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011-2020”. Tới dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cùng hơn 140 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế phân tích, đánh giá về thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay và những giải pháp cho giai 2011-2020. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua bộc lộ rõ nhiều bất cập, thể hiện trong sự mất cân đối lớn giữa phát triển và bền vững, giữa thu chi ngân sách và nhập siêu, giữa phát triển và hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thể chế… Đây là điều đáng lo ngại về nền kinh tế của Việt Nam, sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp, hiệu quả nền kinh tế thấp, năng lực cạnh tranh không cao, không bền vững… Thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta đem lại nguồn lợi nhuận cao như tỷ suất lợi nhuận trên vốn cố định là trên 15%, có xu hướng tăng lên 25%. Tuy nhiên, nguồn lợi nhuận này chủ yếu dựa sự kết hợp giữa vốn bên ngoài và giá nhân công rẻ, chứ chưa thực sự có thay đổi do chuyển giao về công nghệ. Các đại biểu nhất trí cho rằng: Mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta đang gặp phải những rào cản, mà chủ yếu là nhân tố bên trong như tư duy kinh tế, hệ thống thể chế, bất cập trong phân cấp quyết định đầu tư, phát triển tràn lan nhiều dự án lớn mà không tính đến thực trạng cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội… Theo nhiều đại biểu, để khắc phục những khiếm khuyết này, tìm ra giải pháp đúng đắn cho giai đoạn tiếp theo, trước tiên phải đổi mới hệ thống thể chế kinh tế, mà quan trọng nhất là tư duy kinh tế của những người lãnh đạo./. Lưu Huyền, Thu Hiền

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/mo-hinh-tang-truong-kinh-te-viet-nam-cho-giai-doan-20112020/20106/147469.vov