“Mẹ ơi, con không đốt...”

TT - Trời miền Trung sáng hạ tuần tháng 6 nắng như đổ lửa. Cả làng Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) dân bỏ việc đồng áng đến “coi mặt thằng Công ra tòa”.

Bị cáo Công tại phiên tòa - Ảnh: Hữu Khá

Bị cáo Công được dẫn xuống xe thùng. Mọi người nháo nhào: “Tội nghiệp quá”. Người đàn bà hàng xóm ngoái cổ nhìn Công, thở dài như trả lời câu hỏi của đám đông: “Chắc đêm ngày ở trong tù nó dằn vặt, đau đớn, hình hài mới ra nông nỗi thế”.

Giận quá mất khôn

Công bước chậm rãi, khó nhọc vào hội trường. Bị cáo cúi gằm mặt, không dám ngẩng lên nhìn người thân, họ hàng đang ở rất gần bên cạnh. Bất giác, có hai cô con gái từ đâu rẽ đám đông lao đến gọi “ba, ba” và òa khóc. Nghe tiếng con, Công bật người nhìn sang hai cô con gái rồi ôm mặt khóc như đứa trẻ. Những người đến sớm là người thân, xóm giềng của bị cáo ngồi ở hàng ghế đầu. Họ bảo công việc đồng áng đang vào mùa nhưng phải bỏ buổi sáng đến “thăm” Công chứ mai mốt chuyển trại, đi giam ở tỉnh khác xa lắm, không thăm được.

Sự việc đau lòng xảy ra vào một buổi trưa cách đây hơn một năm. Khoảng 11g ngày 26-4-2011, Trần Minh Công (43 tuổi) đang đi làm thì nhận được điện thoại của vợ nói bà Trần Thị Kim Mai (chị ruột Công) gọi điện thoại chửi bới về việc vợ chồng Công có âm mưu đưa cha ruột về nhà Công là để tranh giành đất. Nghe vậy, Công bực tức gọi điện kêu bà Mai về nhà để giải quyết. Bà Mai đồng ý hẹn gặp Công ở nhà. Khi về nhà, thấy xe hết xăng, Công ra quán tạp hóa gần nhà mua 3 lít xăng mang về đổ vào xe 2,5 lít, nửa lít còn lại Công định để dùng vào việc khác. Đến khoảng 13g cùng ngày, khi nghe bà Mai lớn tiếng trong phòng khách, Công bực tức cầm bịch xăng vào dọa đốt nhà. Công ném bịch xăng xuống nền nhà, xăng chảy loang ra cả phòng khách. Thấy vậy, bà Mai xông vào túm tóc Công và chửi mắng xối xả.

Tức quá, Công lấy quẹt gas trong túi quần ra, vợ Công liền chạy đến ôm Công giành lấy quẹt gas. Cả hai vợ chồng bị trượt ngã làm rơi quẹt gas xuống nền nhà. Công liền chồm đến chụp lấy quẹt gas và dùng tay trái bật lửa vào chỗ xăng chảy trên nền nhà, ngọn lửa bùng lên. Khi đó, phần lưng của Công bị lửa cháy sém nên Công bỏ chạy ra ngoài, mọi người trong nhà gồm ông Tư (cha Công), bà Mai và vợ Công cũng chạy ra. Thấy chân bà Mai bị lửa bắt, Công liền chạy đến dập lửa giúp bà Mai. Bà Mai bảo Công vào cứu mẹ còn mắc kẹt trong phòng khách. Công liền chạy vào nhà đưa mẹ ra ngoài nhưng bà đã bị lửa táp khắp người. Sau đó, mẹ Công, bà Mai và Công được mọi người đưa đi bệnh viện. Do vết thương nặng, mẹ Công đã tử vong.

“Xin tòa giảm nhẹ cho em tôi”

Từ đầu đến cuối phiên tòa, bà Mai cứ nhìn em rồi khóc. Khi được tòa yêu cầu tường trình lại sự việc, bà Mai nước mắt ngắn dài: “Tại tôi mà ra, tại tôi mà ra... Tôi không ngờ lại xảy ra sự việc đau lòng như ngày hôm nay. Mẹ tôi mất đi, em tôi lại vào tù và mang tiếng cả đời là giết mẹ mình. Giờ em nó ray rứt một, còn tôi ân hận mười. Xin tòa giảm nhẹ tội cho em tôi”.

Tòa hỏi: “Vì sao chỉ vì bực tức mà bị cáo lại gây nên sự việc kinh hoàng như vậy?”. Công đáp: “Không phải anh em nhà bị cáo giành giật đất đai gì cả, không phải bị cáo đưa cha về để tranh giành đất đai như trong cáo trạng. Anh em ai cũng được cha mẹ cho, có khẩu có phần cả rồi. Tại vì bị cáo nóng giận khi bị chị Mai chửi. Bị cáo mua xăng về không phải để đốt mẹ”. “Từ ngày bị cáo bị bắt giam, vợ có đến thăm nuôi không?”, chủ tọa hỏi. Công buồn bã: “Dạ, lâu nay không thấy”.

Thế bị cáo có biết chỉ vì sự tức giận của mình mà đã gây nên cái chết cho mẹ không? Khi nghe đến chữ “mẹ”, Công khóc thét lên đau đớn. Ở hàng ghế sau, cả năm chị em trai gái của Công cũng ôm mặt khóc theo. Chủ tọa nhẹ nhàng: “Bị cáo và những người trong gia đình đừng xúc động quá, hãy bình tĩnh khai trung thực về vụ việc”.

Tòa hỏi: “Thế khi bị cáo bật lửa trong nhà có ai?”. Bà Mai: “Lúc đó có tôi, vợ Công, ba tôi và mẹ nữa”. Tòa: “Thế lúc lửa cháy thì thế nào?”. Bà Mai: “Tất cả mọi người đều chạy ra ngoài. Tôi bị cháy ở chân, Công thấy vậy liền chạy đến dập lửa cho tôi. Nhìn quanh không thấy mẹ đâu, tôi la lớn “Bí (tên ở nhà của Công) vào cứu mẹ”. Công liền lao vào nhưng lần đầu không cứu mẹ tôi được vì lửa lớn quá. Lần thứ hai vào Công cũng không ôm được mẹ tôi ra. Đến lần thứ ba, khi Công ôm được mẹ ra thì người mẹ đã trắng hết rồi” - vừa nói bà Mai đau đớn khóc.

Bà Mai tâm sự: “Thương em mình và hai cháu nhỏ nên mới nóng nảy nặng lời với em như vậy. Tôi chỉ muốn giữ lại phần đất đó cho hai cháu của tôi. Còn vợ thằng Công đã bỏ nhà đi từ 12 năm nay, bỏ hai cháu tôi bơ vơ cảnh không mẹ”. Bà Mai cho biết lúc con thứ hai của Công được hơn 5 tuổi thì vợ bỏ nhà đi biền biệt. Sau bao năm bỏ đi, vợ Công dẫn về một con trai độ 5 tuổi, con riêng của bà với người khác. Vì quá thương em nên anh chị trong nhà đôi lần ngăn cản việc chắp nối trở lại của vợ chồng Công. Cả nhà không muốn cho thằng cu nhỏ nhập khẩu, lại càng không muốn tách phần đất của gia đình ra cho Công vì sợ vợ Công xúi Công bán rồi bỏ đi tiếp.

Khi tòa nghị án, bé lớn con bị cáo Công chạy ra mua cho cha chai nước suối, từng bước chân của nó sải dài nước mắt. Còn ông Tánh - anh ruột Công - từ sáng đã chuẩn bị nải chuối vườn, bánh mì gói cẩn thận, năn nỉ xin các anh công an gửi cho em. Nghe tòa tuyên phạt Công 9 năm tù, hai con bị cáo Công lao đến bên cha. Đứa lớn quỵ xuống khóc nức nở. Người phụ nữ hàng xóm thở dài: “Từ ngày ba nó vào tù, mẹ nó lại đi biền biệt...”.

Tòa tuyên kết thúc phiên xử, nhiều người cố nhào về phía Công. Khuôn mặt Công đau đớn, khóc ngất lịm: “Mẹ ơi, con không đốt...”. Công được công an dẫn về trại giam trước sự xót thương của xóm làng.

HỮU KHÁ

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat/ky-su-phap-dinh/498120/%e2%80%9cme-oi-con-khong-dot%e2%80%9d.html