Mẹ là bến đỗ bình yên

(PL&XH) - Chồng mất, đứa con trai trở thành chỗ dựa duy nhất vậy mà giờ đây, khi cái lưng đã còng và mái tóc pha sương, bà Lăng Thị Phường SN 1959, trú tại thôn Kiên Tràng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), vẫn chưa được yên thân. Hàng tháng bà lại lọ mọ lên trại giam thăm đứa con trai phạm tội “Cướp tài sản” và tội “Hủy hoại tài sản”.

Cái bóng người đàn bà nhỏ gầy, đầu hai màu tóc đang đứng ngồi không yên, mong ngóng trước cửa phòng chờ thăm gặp trại giam Ninh Khánh để được gặp thằng con trai duy nhất của mình, trông thật tội. Ngày nghe tin con bị bắt và lĩnh án 10 năm tù, lòng bà đau nhói bởi không tin con mình lại làm chuyện như vậy. Đã nhiều đêm rồi, bà chỉ mong đó là giấc mơ.

“Con dại cái mang” để nó rơi vào hoàn cảnh này cũng là một phần lỗi của tôi, không khuyên bảo cháu, dạy cháu cho đúng”, bà Phường bày tỏ trong khi mắt không rời cánh cửa, nơi mà đứa con trai tội lỗi của bà, tý nữa sẽ xuất hiện. Lần này vào thăm con, bà Phường nghe tin năm nay nhân dịp kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9, Nhà nước có ban hành lệnh đặc xá, nên xuống trại thăm con để “xem tình hình con thế nào, rồi khuyên con cố gắng cải tạo, được ra tù sớm để làm lại từ đầu”.

Đứa con trai mà bà Phường nhắc đến chính là phạm nhân Đào Văn Ninh, SN 1996. Ninh vào tù với tội danh “Cướp tài sản” và tội “Hủy hoại tài sản”, án phạt 10 năm tù giam.

Cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai mẹ con bà Phường. Ảnh: H.Vũ

Sinh ra tại vùng đất nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời may ra thì đủ ăn, quan niệm xã hội cùng với đó là áp lực của gia đình nhà chồng khi chỉ sinh được ba cô con gái khiến bà vẫn mong có một cậu con trai để giải tỏa áp lực cũng như là chỗ hai vợ chồng nương tựa lúc về già. Các cụ vẫn nói “con gái là con người ta” nên bà lại càng quyết tâm hơn và hè năm 1996, niềm mong ngóng ấy của vợ chồng bà đã thành hiện thực. Sự ra đời của cậu con trai chính là niềm vui để vợ chồng bà có động lực phấn đấu trong công cuộc mưu sinh. Nhưng chồng bà đã không chịu hưởng sự trông cậy lúc về già từ đứa con trai. Người đàn ông ấy, trụ cột gia đình cho bà dựa dẫm lúc đau ốm đã bỏ bà ra đi mãi mãi, để lại cho bà gánh nặng một lũ con thơ dại. Nhìn bốn đứa con lít nhít, nhất là cậu con trai bé bỏng mới lên 8 đã mất đi tình thương từ cha, bà Phường ứa nước mắt thương con. Sau những đêm khóc ròng vì thương con, tủi phận, bà biết không thể chìm đắm trong đau thương, mất mát mà phải vượt lên làm chỗ dựa cho các con. Bà quyết ở vậy nuôi con, ngày ngày lầm lũi, lam làm với hy vọng sau này khôn lớn, các con sẽ hiểu lòng mẹ mà thương yêu nhau hơn. Bà đâu ngờ vì quá bận bịu với việc kiếm tiền nuôi con, bà đã lơ là việc dạy bảo cậu con trai, để Ninh sa đà vào chơi bời lúc nào không hay.

Theo lời bà Phường thì sau khi cha mất một thời gian, có lẽ sự hụt hẫng vì thiếu vắng sự bảo ban của cha đã khiến Ninh trở nên chơi vơi. Ban đầu là chán, sau đó là bỏ học, Ninh bắt đầu theo chúng bạn, sa đà vào các cuộc chơi. Cuộc sống của Ninh giờ đây là những tháng ngày ăn chơi lêu lổng. Từ một cậu bé ngày nào giờ Ninh đã trở thành chàng trai khôi ngô có sức khỏe nhưng nhiễm thói ăn chơi. Không có công ăn việc làm Ninh cùng đám bạn nảy sinh ra ý tưởng cướp tải sản để phục vụ cho những cuộc chơi không đầu không cuối.

Theo hồ sơ vụ án, đêm 16-10-2013, Hoàng Quốc Mạnh, Nguyễn Xuân Hiền, Hà Anh Vũ đều SN 1992, cùng trú tại tỉnh Vĩnh Phúc rủ Đào Văn Ninh đi bộ ra khu vực gần bến xe Vĩnh Yên với mục đích cướp tài sản của những người đi xe máy qua đường, nhưng chờ đến đêm cả bọn không gặp được ai để cướp. Quyết không về tay không, chúng bảo nhau chuyển sang cướp tài sản lái xe taxi. Mạnh bảo Vũ đi thuê xe taxi và gọi được taxi hãng Mai Linh -Vĩnh Phúc do anh Đinh Xuân Nam, điều khiển. Sau khi yêu cầu chở về làng Bầu, TP Vĩnh Yên, cả nhóm lên xe. Khi xe đến làng Bầu, Mạnh bảo anh Nam đi tiếp đến nhà nghỉ Ngọc Anh ở Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Trên đường đi, Mạnh dùng điện thoại của Vũ soạn nội dung tin nhắn: “Chọn thời điểm thì mở cửa xe lôi ra ngoài” rồi chuyền tay nhau đọc. Khi anh Nam chạy xe đến nhà nghỉ Ngọc Anh, lấy lý do nhà nghỉ đóng cửa, Ninh bảo anh Nam đi tiếp. Đi được một đoạn, Ninh xuống xe đi vệ sinh. Lúc này Mạnh dùng tay ấn vào vai Vũ ra ám hiệu nhưng do chưa định hình được phương thức, thủ đoạn cướp nên Vũ không thực hiện.

Chiếc taxi lại tiếp tục lăn bánh, đến khoảng 1g ngày 17-10-2013, khi xe đi đến địa phận thôn Kiên Tràng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Hiền bảo anh Nam dừng xe rồi bất ngờ dùng dao kề cổ, yêu cầu đưa tài sản. Anh Nam chống cự, liền bị Vũ kéo xuống xe rồi cả bọn xông vào đánh. Anh Nam đành đưa ĐTDĐ Samsung cho Mạnh và toàn bộ số tiền đang có là 1,5 triệu đồng trong ví đưa cho Hiền.

Sau khi lấy được tài sản, Mạnh bắt anh Nam lên xe, để anh ta cầm lái đi xuống khu vực thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Trên đường đi Hiền nói với anh Nam “còn gì nữa không?”, anh Nam đã lấy 1 điện thoại Nokia 1200 đưa cho Vũ. Khi đi đến cây xăng thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Mạnh bảo Hiền đưa tiền cho Vũ mua xăng, rồi quay sang bảo Ninh thuê xe taxi, đi tiếp. Mạnh lái xe đến đường 16 thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn thì dừng xe bắt anh Nam cởi quần áo và đuổi đi. Mạnh lấy quần áo của anh Nam nhúng vào xăng mà Vũ mua trước đó sau đó ném vào chiếc xe taxi của anh Nam, châm lửa đốt.

Những phút nông nổi nhất thời ấy đã khiến Ninh phải trả giá bằng những năm tháng tuổi xuân đẹp nhất của đời mình trong lao tù. Giờ đây, giam mình trong bốn bức tường đá, lãng phí tuổi thanh xuân, trong khi chúng bạn bằng tuổi đang dùi mài kinh sử trong các trường ĐH hay kiếm một nghề để ổn định cuộc sống thì Ninh lại phải gặm nhấm nỗi buồn, sự ân hận nơi song sắt. Nghe tin mẹ đến thăm Ninh vui lắm nhưng trong lòng vẫn ngượng khi đối diện với mẹ. Chỉ được nghe giọng mẹ qua điện thoại, nhìn mẹ qua cửa kính nhưng Ninh cảm thấy vui, yên tâm hơn vì mẹ vẫn khỏe.

“Từ ngày vào trại giam đến bây giờ, em được gặp mẹ ít lắm vì điều kiện gia đình không dư dật. Các chị đi lấy chồng xa, ở nhà giờ chỉ có mình mẹ, em chỉ lo mẹ ở nhà một mình ốm đau không ai chăm sóc”, Ninh tâm sự. Trong thâm tâm của chàng trai này, mẹ chính là nơi để cho Ninh đặt niềm tin, hi vọng và cũng là bến đỗ yên bình cho ngày trở về. Từ ngày bố mất, Ninh như người mất phương hướng, suốt ngày chỉ thích theo chúng bạn chơi bời, sống cuộc sống hôm nay mà không biết ngày mai là gì. Chỉ đến khi vào trại giam, Ninh mới có thời gian để nghĩ lại, nhìn lại bản thân mình. Đến lúc này, Ninh mới hiểu được tình thương của người mẹ dành cho mình nhiều biết nhường nào.

“Dù con cái có ra sao đi chăng nữa thì mẹ vẫn luôn dành tình thương vô bờ để con có thể quay lại để tập bước lại từ đầu. Đến giờ em mới hiểu điều đó và càng thấy ân hận vì đã có lỗi với mẹ”, Ninh tâm sự.

Nhìn mẹ già đi nhiều, khuôn mặt gầy rám nắng, Ninh cảm thấy nghẹn đắng, muốn nói lời an ủi, động viên mẹ mà không thốt lên lời. Ninh thầm trách bản thân đã không làm được gì báo hiếu cho mẹ, lại còn làm khổ mẹ thêm . Mỗi lần nhận thông báo mẹ lên thăm, mừng lắm vì lại được gặp mẹ thế nhưng khi mẹ con gặp nhau, Ninh vẫn cứ nhấm nhẳng: “Đã bảo mẹ rồi, lên thăm con là con vui và hạnh phúc lắm rồi, còn mua quà làm gì nữa cho tốn kém, nhà mình đã không có, con lại như thế này…”. Câu nói đứt quãng, nửa chừng của cậu con trai nhưng lại khiến bà Phường thấy ấm lòng. Từ trong sâu thẳm, lòng người mẹ hiểu rằng con trai bà đang rất cần sự sẻ chia, tấm lòng bao dung và sự che chở của người mẹ. Còn Ninh, trong thâm tâm, cậu tự hứa rằng sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm trở về với mẹ. Những lần mẹ lên thăm đã trở thành động lực cho Ninh quyết tâm cải tạo.

Nghe Ninh nói rằng đã rất ân hận và mong sớm được về bên mẹ, chúng tôi hiểu rằng sau những tháng ngày cải tạo, Ninh đã trưởng thành lên rất nhiều, tỏ ra hiểu biết và nghĩ đến người xung quanh. Hy vọng rằng rồi mai đây trở về với cuộc sống đời thường, Ninh sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm như vừa qua nữa mà nó sẽ mãi là kỷ niệm, là bài học nhắc nhở cậu mỗi khi định làm một việc gì đó.

Hương Vũ-Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/me-la-ben-do-binh-yen-97173