Mẹ dạy bé nhận lì xì Tết đúng cách

Nguồn gốc và ý nghĩa của việc tặng phong bao mừng tuổi ngày Tết là để xua đuổi quỷ dữ phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật cho trẻ nhỏ.

Mỗi năm một lần vào dịp Tết đến, trẻ em lại được nhận lì xì mừng tuổi. Tuy nhiên, thái độ nhận phong bao của con trẻ cũng là vấn đề cần bàn. Nhiều cháu khi vừa nhận từ tay khách đã vội bóc ra xem và chê bai số tiền bên trong. Không ít cháu giật lấy lì xì rồi nhìn chằm chằm vào khách mà không thốt lên được câu cảm ơn.

Theo thạc sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu các con được dạy trước về cách nhận và nói lời cảm ơn khi được tặng phong bao, trẻ sẽ biết cách ứng xử để bố mẹ không gặp tình huống khó xử. Chị Hương có cô con gái năm nay đã 16 tuổi. Ngay từ nhỏ, bé đã được mẹ kể về truyền thuyết lì xì cũng như ý nghĩa của nó và dạy cách chào hỏi, cảm ơn. Vì thế, chị chưa từng phải dở khóc dở cười với việc con khiếm nhã trước mặt khách. Bé luôn đưa hai tay nhận lì xì rồi nói "con cảm ơn cô/chú ạ" như một thói quen khiến mọi người rất vui.

Có lần đi dự tiệc, chị chứng kiến một em bé tỏ thái độ với vị khách mừng tuổi ít hơn người khác. Cầm lì xì, em ấy xé ra rồi chạy lại chỗ mẹ nói "mẹ ơi, mỗi 50.000 đồng". Mọi người đang có mặt tại đấy lặng người trước hành động của đứa trẻ và dần lảng đi, nói chuyện khác. Gia đình này đã rất ngượng và mắng mỏ con.

Lần ấy, chị Hương gọi em bé ra một chỗ và kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì. "Tôi nói với con rằng mỗi tờ tiền có màu sắc khác nhau. Màu của tờ tiền 50.000 đồng mang ý nghĩa chống lại quỷ dữ. Tờ tiền sẽ có giá trị khi nó chống lại được quỷ dữ. Hành động lúc nãy của con khiến cô ấy buồn. Con nên xin lỗi và cảm ơn cô", chị Hương kể.

Ảnh minh họa.

Sau khi được chị Hương giải thích, em bé đã ra xin lỗi người tặng lì xì và ngay lập tức, ai nấy đều thấy vui vẻ. Theo chị Hương, không chỉ việc nói cho bé hiểu về ý nghĩa của phong bao, phụ huynh cũng nên dạy con cách sử dụng số tiền ấy ra sao sau Tết. Với con gái mình, chị Hương đặt ra một số nguyên tắc, đó là lúc nhỏ, lì xì của con sẽ đặt dưới gối để sau Tết mẹ con cùng đi mua món đồ gì đó. Khi bé lớn hơn, chị sẽ nói với con rằng con được lì xì, mẹ cũng mất một khoản tiền để mừng tuổi bạn khác, vì thế, con phải có trách nhiệm bù một chút cho mẹ. Đó là cách dạy con chia sẻ khó khăn với bố mẹ trong dịp Tết.

14 tuổi trở đi, con được nhận 100 % số tiền mừng tuổi, trước đó, từ năm 9 đến 13 tuổi, con chỉ được 10 %. Hơn một năm nay, bé đi gia sư nên cũng có một khoản tiền nhỏ. Bé được giữ tiền công này cùng tiền mừng tuổi của mình để tự trang trải chi phí sách vở, vé xe buýt, ăn sáng. Bằng cách này, con sẽ hiểu được giá trị và thêm trân trọng đồng tiền.

Theo chị Hương, để các bé học được nhiều về cách ứng xử và các kỹ năng khác trong dịp Tết, phụ huynh cần làm như sau:

1. Trước Tết, cha mẹ nên kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì. Ngày xưa, khi Tết đến xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc dưới trần không ai cai quản, quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt những nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ mải mê lo sắm Tết, các cháu thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật. Có cháu còn bị quỷ dữ cướp đi.

Thấy vậy, dân làng vô cùng lo lắng. Họ cầu xin trời phật giúp. Ông phật xuống trần trong hình dáng của ông bụt. Để tránh khỏi việc phá rối của quỷ dữ với mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.

Với trẻ, ông cho mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi con ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy. Sau này, người lớn trong gia đình cũng làm theo bụt, cứ đến Tết là tặng trẻ những đồng xu nhỏ để xua đuổi quỷ dữ.

Câu chuyện này sẽ giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ tặng lì xì. Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy rằng: không được tiêu những đồng tiền này. Đêm về, phải đặt các phong bao lì xì dưới gối để xua đuổi quỷ dữ.

2. Dạy con cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc Tết. Khi khách đến nhà hoặc cả nhà đi chúc Tết, trẻ cần phải chào hỏi lễ phép và chúc Tết những người khách. Cha mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.

Ví dụ: cháu chúc ông/ bà/cô/chú/anh/chị năm mới mạnh khỏe và may mắn. Với các câu chúc này, trẻ sẽ đem niềm vui đến cho tất cả mọi nhà.

3. Dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Cha mẹ cần dạy trước con cách cảm ơn khi nhận lì xì. Những câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng.

4. Dạy trẻ không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách. Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao. Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.

5. Dạy con sử dụng những đồng tiền lì xì hợp lý sau Tết. Khi Tết kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, cha mẹ cần giúp con mở chiếc túi đựng lì xì ra và thu gom số tiền được nhận. Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền, thường là lớp 3 trở lên, phụ huynh cần dạy trẻ cách dùng số tiền đó hợp lý. Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng tiền, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể. Sau khi bố mẹ kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng… và thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền này. Phụ huynh có thể đưa con đến cửa hàng để tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng.

Theo Ngôi sao

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-day-be-nhan-li-xi-tet-dung-cach-212523.html