Mặt tối của Thể thao

(HQ Online)- Ở một góc khác của thể thao là những câu chuyện buồn, những vận động viên dính vòng lao lý...

Báo động về sự xuống cấp đạo đức trầm trọng trong một bộ phận VĐV trẻ hiện nay.

Xấu mặt cả làng thể thao

Thêm một lần nữa, cái mặt tối của thể thao lại lộ sáng một cách đáng xấu hổ. Công an Hà Nội vừa tạm giữ một đối tượng để phục vụ công tác điều tra, liên quan đến vụ cưỡng hiếp nữ sinh trên địa bàn thành phố. Và đối tượng này thì giới thể thao chẳng hề lạ!

Nói không lạ bởi Đoàn Đình Lân là cựu tuyển thủ của đội tuyển Karatedo quốc gia từng có tấm HCB SEA Games 2001, trước khi giải nghệ và trở thành võ sư. Lân cũng là con trai của vị võ sư nổi tiếng Đoàn Đình Long, người từng được xem là biểu tượng của tinh thần sống trong làng thể thao Việt, khi nhiều lần thay van tim, nhưng vẫn vững vàng dẫn dắt những học trò như: Trần Văn Thông; Phạm Hồng Hà; Phạm Hồng Thắm... vinh danh Karatedo Việt trên đấu trường quốc tế.

Tiếc là "hổ phụ" đã chẳng sinh được "hổ tử", Lân chẳng những còn xa mới đạt tới tầm của cha mình và lần "dính chàm" này cũng chẳng phải đầu tiên. Trước đây 10 năm, Lân từng có một tiền án tội Cướp giật tài sản và đã phải nhận mức án 30 tháng tù giam.

Nhưng Lân cũng chẳng phải trường hợp đầu tiên khiến cả làng thể thao phải xấu mặt, bởi trên thực tế không ít đối tượng trong cái lĩnh vốn luôn đặt sự cao thượng, trung thực lên cao nhất này. Những người trong giới lâu năm đều có nhớ về võ sỹ Dương Tử Anh - vệ sỹ và cũng là người tình của bà trùm Phúc "Bồ" một thời lộng hành đất Hà Nội; hay cựu HLV trưởng đội tuyển Taekwondo quốc gia Nguyễn Văn Vạn từng phải nhận án tử hình vào năm 2005 vì "tuốt kiếm" chém chết người ở một quán cà phê tại Sài Gòn... Gần nhất là gương mặt đen của giới giang hồ Hà Thành Ánh "Wushu" cũng xuất thân từ tuyển thủ võ thuật có huy chương thế giới.

Đó là những cái tên nổi cộm, còn những chuyện tuyển thủ thể thao dính đến ma túy, dân anh chị, các vụ việc vi phạm pháp luật thì xưa nay... nhiều như cơm bữa!

Và "chết" vì thể thao

Thể thao ngày càng chuyên nghiệp hóa. Nói một cách dễ hiểu hơn, thì thể thao thực sự trở thành một nghề trong xã hội và rõ ràng không phải là cái nghề khó để kiếm sống nếu nhìn vào mặt bằng thu nhập cũng như vị trí xã hội. Tuy nhiên, cũng chính cái quá trình chuyên nghiệp này đã đẻ ra nhiều hệ lụy đáng buồn.

"Mải thể thao, quên học", đó không là câu chuyện cũ, nhưng càng chuyên nghiệp bao nhiêu thì tình trạng "chơi thể thao là chính, học chỉ là phụ" càng trở nên nhiều hơn. Việc phần lớn các vận động viên thi đấu đỉnh cao đều được đặc cách ở một phương diện nào đó trong giáo dục thường xuyên là có thật và trình độ học vấn cũng như kiến thức xã hội của một bộ phận không nhỏ dân thể thao vì thế... thấp hơn mặt bằng xã hội.

Học vấn thấp, kiến thức ít không chỉ khiến các vận động viên gặp nhiều khó khăn khi trở lại với cuộc sống sau quãng thời gian tập luyện, thi đấu mà còn biến họ thành "mồi ngon" trước những tệ nạn xã hội. Chưa kể việc kiếm, kiếm rất nhiều tiền một cách quá dễ dàng như câu chuyện về một tuyển thủ bóng đá đang "nóng" trên mặt báo với... hàng bao tiền, bóng bánh cả chục tỷ đồng, cũng khiến họ sa ngã.

Văn hóa, giáo dục không bao giờ là câu chuyện cũ với cả xã hội và thể thao cũng chẳng thể tách rời. Nếu không trang bị đủ kiến thức văn hóa cùng môi trường giáo dục một cách đầy đủ, bằng không sẽ có thêm nhiều cái tên trong giới thể thao... "chết" vì thể thao.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mat-toi-cua-the-thao.aspx