Mặt bằng thuộc Tổng Công ty Dệt may Gia Định - Từ cho thuê dài hạn đến “nằm chết” cả năm!

“Có lẽ vì được giao quá nhiều mặt bằng, nhà xưởng nên các công ty liên kết của Tổng Công ty Dệt may Gia Định đã cho thuê lại lung tung bất chấp hậu quả có thể mất mặt bằng, gây lãng phí ghê gớm cho Nhà nước!” - đó là bức xúc được nhiều đại biểu đặt ra trong buổi giám sát của Đoàn Đại biểu QH TPHCM về tình hình quản lý, sử dụng đất của Tổng Công ty Dệt may Gia Định (Giditex) diễn ra vào hôm qua, 10-7.

Muôn mặt... lãng phí! Mặt bằng số 32/2 Trương Quốc Dung quận Phú Nhuận 712m² được giao cho Công ty May da Sài Gòn (Saleaco) để cổ phần hóa theo Quyết định 3370 của UBNDTP ngày 18-8-2003. Thay vì dùng để kinh doanh, sản xuất theo chức năng của mình, năm 2004 Saleaco đã đem mặt bằng này cho Trường Dân lập Hồng Hà thuê. Khi kiểm tra phát hiện việc cho thuê không đúng này, Giditex đã yêu cầu Saleaco thu hồi lại để kinh doanh sản xuất, thế nhưng cho đến nay việc này vẫn không thực hiện được do Saleaco và Trường Dân lập Hồng Hà không thỏa thuận được thanh lý hợp đồng. Tại buổi giám sát, ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Giditex đã kiến nghị Đoàn Đại biểu QH TPHCM “hỗ trợ để Giditex hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình quản lý và sử dụng đất được UBND TPHCM giao”! ĐB Huỳnh Thành Lập nói ngay: Tôi biết rất rõ vụ việc này, tôi còn biết Trường Dân lập Hồng Hà tổ chức nội trú cho học sinh ở đây. Vấn đề là các anh đã ký hợp đồng như thế nào? Thừa nhận mình chính là người đã ký hợp đồng cho thuê mặt bằng lúc đó, song ông Trần Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Saleaco đã không trả lời thẳng thời hạn cho thuê là bao nhiêu năm mà chỉ cho biết là “thuê lâu dài”. Ông Minh cũng không giấu giếm: Từ năm 2006 đến nay, Saleaco không những không thu được đồng nào tiền thuê mặt bằng mà còn tốn rất nhiều thời gian, công sức cho việc tranh chấp này. Không những thế Saleaco còn đang có nguy cơ mất trắng mặt bằng này vì Trường Dân lập Hồng Hà cũng đang tiến hành các thủ tục xin… được sở hữu toàn bộ diện tích mặt bằng 32/2 Trương Quốc Dung (!?). Tình trạng lãng phí không chỉ vậy. Mặt bằng số 86 Nguyễn Thị Minh Khai hiện đang thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Với 3.225m² ở vị trí đắc địa như thế nhưng nơi đây hiện được dùng làm chỗ để xe cho công nhân viên để... chờ dự án đầu tư trung tâm thương mại-dịch vụ. Ông Phạm Huy Cường, Phó Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố bức xúc: Đây là một sự lãng phí rất lớn! Mặt bằng 527 đường Âu Cơ, phường 10, Tân Bình (diện tích 1.060m²) được chuyển từ Công ty Dệt Sài Gòn về Giditex để thực hiện việc cổ phần hóa. Mặt bằng này được phép bán đấu giá và chuyển quyền sử dụng đất theo văn bản số 2013 của UBNDTP và Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc bán đấu giá không thực hiện được vì mặt bằng chưa xác lập sở hữu nhà nước. Giditex đã gửi công văn đến UBND TPHCM và Sở Xây dựng xin xác lập sở hữu mặt bằng trên. UBND TPHCM đã có công văn số 26883 ngày 29-7-2008 chuyển giao Sở Xây dựng giải quyết. Thế nhưng, gần một năm đã qua, mặt bằng này vẫn tiếp tục “nằm chết” trong tình trạng… chờ “xin hỗ trợ” để có một quyết định chính thức. Đấu giá hay chỉ định giá… đều hưởng lợi! Trong 22 mặt bằng do Giditex quản lý có 7 mặt bằng được phép đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo ý kiến chỉ đạo của UBNDTP. Đó là các cơ sở số 176, 178, 194 Lê Thị Bạch Cát, quận 11 với tổng diện tích 1.452m²; 527 Âu Cơ, Tân Bình (1.060m²); 1428 Phạm Ngọc Thạch, Tân Phú (594m²); 46 Đồng Công, Thủ Đức (982m²); 42-46 Mạc Vân, quận 8 (2.685m²). Trả lời chất vấn của đoàn giám sát “việc bán đấu giá 7 mặt bằng để tăng vốn cho Giditex hay cho ngân sách? Có cơ sở nào trong 7 mặt bằng này chỉ định giá hay không?”, ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Giditex cho biết, tất cả các mặt bằng đều là bán đấu giá và được bao nhiêu tiền đều chuyển về ngân sách, Giditex không giữ một đồng nào. Câu trả lời này khiến ông trần Du Lịch thắc mắc: Vậy thì Giditex thực hiện việc bán đấu giá này để làm gì? Sao không giao trả để Nhà nước bán? Trước sự lúng túng của lãnh đạo Giditex, ông Trần Nam Trang, Trưởng Phòng Quản lý Công sản thuộc Sở Tài chính TPHCM giải thích: Theo Quyết định 09 của Chính phủ thì đơn vị được giao quản lý tài sản sau khi bán đấu giá sẽ được hưởng giá trị tài sản trên đất; giá trị quyền sử dụng đất bán được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, khi đơn vị có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Nhà nước cho sử dụng theo dự án thì đơn vị này sẽ được cấp lại không quá 50% giá trị quyền sử dụng đất. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, giá bán sẽ được xác định qua một hội đồng và cơ sở nhà đất được bán sau khi UBNDTP phê duyệt. Đến đây thì Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch bật cười: Vậy là Giditex có lợi quá sao lại không được đồng nào! Mà đấu giá như thế thì khác nào chỉ định giá? Công nghiệp thời trang: Không phải xây rồi... cho thuê Với mục đích hình thành các trung tâm kinh doanh cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành dệt may của thành phố, Giditex đang triển khai một loạt dự án quy mô lớn. Điển hình như dự án số 7 đường Trường Chinh, quận 12 (12.189m²) đầu tư xây dựng Trung tâm thiết kế thời trang và nguyên phụ liệu ngành dệt may; dự án tại 354 Bến Chương Dương, quận 1 (5.843m²) đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn 5 sao; dự án tại 102-104 đường Lý Tự Trọng, quận 1 đầu tư xây dựng Trung tâm thời trang… Chủ tịch Hội đồng quản trị Giditex Hà Viết Thanh cho biết: Trong định hướng phát triển Giditex, lãnh đạo Tổng công ty xác định cần nâng giá trị gia tăng cao phù hợp với phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành dệt may thành phố. Thế mạnh hiện nay của Giditex là nhà xưởng. Cùng với việc chuyển dịch các cơ sở dệt may ra ngoại thành, Giditex tập trung các dự án xây dựng các trung tâm thời trang ở các vị trí trung tâm thành phố. Tuy đồng tình với chiến lược phát triển của Giditex cũng như việc xác định thế mạnh của thành phố là công nghiệp thời trang, song Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch cũng phân tích rõ: Công nghiệp thời trang không phải là cứ xây dựng lên các trung tâm thương mại rồi cho thuê mặt bằng. Cần đặc biệt quan tâm việc nghiên cứu mẫu mã, linh kiện phụ tùng có giá trị gia tăng cao và phát triển các chuỗi bán hàng. Cuối buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch bày tỏ: Không thể để tình trạng cứ đơn vị nào được giao mặt bằng thì đương nhiên là chủ mặt bằng ấy và có thể làm những điều không đúng chức năng, gây thất thoát, lãng phí! LÊ MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/moitruongdothi/2009/7/196722/