Mãn nhãn với kỹ xảo trong 'Tây du ký 2'

Để khỏa lấp cho phần kịch bản đơn sơ, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy áp dụng những kỹ xảo hình ảnh tân tiến cho 'Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh' và ông đã thành công.

Thành công phòng vé của Tây du ký: Đại náo thiên cung hồi đầu năm 2014 là tiền đề để đội ngũ sản xuất tiếp tục thực hiện phần hai, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, trong dịp Tết Bính Thân 2016. Theo chia sẻ của đạo diễn Trịnh Bảo Thụy trước giờ phim khởi chiếu, dự án được rót tới 68 triệu USD, trong đó hơn một nửa là dành cho kỹ xảo hình ảnh.

Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh là phần tiếp theo của Đại náo thiên cung. Quách Phú Thành nay thay thế Chân Tử Đan để sắm vai Tôn Ngộ Không. Ảnh: Filmko

Diễn biến chính tác phẩm tập trung vào cuộc đụng độ đầy gian nan với Bạch Cốt Tinh của bốn thầy trò Đường Tăng. Trong kiếp nạn ấy, họ buộc phải vượt qua giới hạn bản thân, qua đó học cách tin tưởng lẫn nhau. Chuyến thỉnh kinh liệu có thể tiếp tục hay bị bỏ ngang phụ thuộc vào chính lựa chọn của những Đường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh.

Điểm nổi bật đầu tiên của Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh chính là sự phá cách, thay đổi nhiều tình tiết so với nguyên tác văn học của Ngô Thừa Ân. Kịch bản phim nhờ đó mang tính chất điện ảnh nhiều hơn. Sự hòa trộn nhịp nhàng giữa việc lược bớt và sáng tạo thêm chi tiết cũng khiến người xem trở nên tò mò. Phần lớn sự biến tấu trong kịch bản đến từ việc đào sâu cảm xúc, tạo đất cho các nhân vật bộc lộ nội tâm. Qua đó, câu chuyện vốn dĩ đã khá quen thuộc với công chúng nay được khoác lên mình màu sắc và dáng vẻ mới mẻ.

Các nhân vật từ chính diện đến phản diện cứ thế xuất hiện rồi hành động. Nhưng những hành động hiện tại vốn xuất phát từ quá khứ, và họ có cơ hội để bộc lộ cảm xúc, chiếm lấy sự đồng cảm từ phía người xem.

Kịch bản phim có nhiều chi tiết sáng tạo, phá cách. Nhưng chừng đó là chưa đủ để tạo ra một câu chuyện thực sự thuyết phục. Ảnh: Filmko

Chẳng hạn như với Đường Tăng, trong bộ phim mới, đây không còn là một sư phụ nghiêm khắc, luôn chăm chăm giữ cách nhìn của bản thân rằng Tôn Ngộ Không đã sai. Ông vẫn trừng phạt đồ đệ, nhưng đồng thời bày tỏ sự yêu thương của cá nhân với học trò với quan điểm cá nhân. Đường Tăng luôn tìm cách lắng nghe đồ đệ giãi bày, thậm chí có những “cố gắng làm lành” rất dễ thương.

Nhưng nhìn chung, bất chấp những nỗ lực sáng tạo ấy, câu chuyện của Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh vẫn là khá giản đơn, dễ đoán.

Bù lại, những phân đoạn hành động trong Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh được đầu tư hoành tráng về cả hình ảnh lẫn âm thanh. Các khung hình CGI khá đẹp và có thể sánh ngang với bom tấn Hollywood. Có thể nói toàn bộ tác phẩm là minh chứng cho câu “tiền nào của nấy” bởi số tiền đầu tư cho riêng kỹ xảo trong phim là rất lớn. Song, vẫn có một số tình tiết thể hiện rõ sự vay mượn từ những tựa phim nổi tiếng Hollywood: hình ảnh binh đoàn của Bạch Cốt Tinh rất giống trong The Mummy, cách Tôn Ngộ Không mặc giáp không khác siêu anh hùng Iron Man là bao…

Kỹ xảo là thế mạnh lớn nhất của bộ phim và giúp giữ chân khán giả tới phút chót. Ảnh: Filmko

Tông màu phim được lựa chọn rất có chủ ý, thể hiện sự tính toán để hỗ trợ mạch cảm xúc cho toàn bộ câu chuyện. Mỗi khi bốn thầy trò chưa phải ra tay diệt yêu quái, các khung hình vẫn mang tông màu ấm, còn phục trang của Bạch Cốt Tinh là màu trắng, tạo ra không khí ma mị. Còn khi hai bên đã giao đấu, tông màu trở nên lạnh hơn, và ả yêu tinh xảo trá cũng chuyển sang vận đồ màu đen.

Dàn diễn viên trong phim rất đồng đều về mặt diễn xuất, không có ai quá nổi trội hay lấn lướt. Từng mạnh miệng tuyên bố sẽ mang đến một Tôn Ngộ Không “chưa từng có trong lịch sử màn ảnh” và vạch ra nhiều sạn ở phiên bản truyền hình năm 1986, Quách Phú Thành dành nhiều cố gắng cho vai diễn huyền thoại.

Nam vương Quách Phú Thành chưa để lại ấn tượng thực sự sắc nét trong lần đầu sắm vai Tôn Ngộ Không. Ảnh: Filmko

Người xem thừa nhận nỗ lực sáng tạo trong cách diễn của nam vương, nhưng nếu bảo anh đã mang đến được điều gì đó mới mẻ, đáng ghi nhận, thì có lẽ là chưa. Chỉ có ba tháng để nghiên cứu nhân vật phức tạp, anh chưa thể hiện được trọn vẹn “cái hồn” của một con khỉ ương bướng, ngạo mạn, tinh quái, nhưng cũng rất đỗi tình cảm. Danh hiệu xứng đáng hơn cả dành cho Quách Phú Thành với nhân vật có lẽ mới chỉ là “Tôn Ngộ Không đẹp trai nhất”.

Trong suốt sự nghiệp lừng lẫy, Củng Lợi chưa bao giờ đóng phim giả tưởng và việc người đẹp Hoa ngữ tham gia dự án trong vai Bạch Cốt Tinh gây ra nhiều tò mò cho người hâm mộ. Những phân đoạn trải lòng của ả yêu tinh, cách bộc lộ nội tâm nhân vật được thể hiện tốt qua ánh mắt và biểu cảm gương mặt. Tuy nhiên, lối diễn xuất ấy bị lạm dụng và trở nên có phần nhàm chán khi phim dần đi về hồi kết.

Trailer bộ phim 'Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh' Phần hai của "Đại náo thiên cung" có sự tham gia của Quách Phú Thành và Củng Lợi trong hai vai chính.

Đạo diễn Trịnh Bảo Thụy từng khẳng định: “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh không đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, mà là cả một công trình nghệ thuật”. Xét trên phương diện kỹ thuật, ông đã đúng. Dù đây chưa phải là tác phẩm xuất sắc, khởi đầu năm mới Bính Thân bằng một bộ phim về nhân vật khỉ huyền thoại hẳn sẽ là lựa chọn hàng đầu của số đông công chúng.

Tây du ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh khởi chiếu trên toàn quốc từ 8/2, tức mùng 1 Tết.

Zing.vn đánh giá: 3,5/5

Minh Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/man-nhan-voi-ky-xao-trong-tay-du-ky-2-post625209.html