Mạn đàm về Văn hóa sáng tối và Nội Tâm Lương Thiện

Lời quê góp nhặt rông dài, Mua vui chắc cũng được vài trống canh. Nguyễn Du - Truyện Kiều

Càng cuối năm, các sự kiện văn hóa - giải trí ngày càng rôm rả, ly kỳ và cả... kịch tính. Đầu tiên là chuyện một hào phú nơi đất mũi Cà Mau bắn pháo hoa mừng đám cưới con gái khiến dân tình sửng sốt (vì không biết giấy phép bắn pháo hoa ở đâu ra?!). Rồi đến sự kiện 50 nghệ sỹ trong giới showbiz Việt (có cả ca sỹ chân đất Lệ Rơi) được một phú ông khác ở quê lúa Thái Bình mời đến dự tiệc mừng sinh nhật vợ. Toàn là những cuộc chơi tầm cỡ quốc tế, không cần và không thể giấu diếm, khiến cho giới truyền thông, mạng xã hội và công chúng hò reo, bàn tán, chém gió, xuýt xoa, dè bỉu... “nát nước, nát cái”. Nếu đại văn hào Vũ Trong Phụng sống lại chắc người sẽ bình luận rằng đó là cái sự “vui vẻ trẻ trung” đời mới, phiên bản tiền thị trường, hậu bao cấp.

Đây quả là khoảng thời gian bắt buộc người ta phải vui. Hãy xem, có thể không vui được không với sự kiện nghe và nhìn rõ nhất: treo đèn kết hoa trên các phố phường Hà Nội (và tỉnh thành cả nước), đặc biệt là khu vực quanh Hồ Gươm thanh lịch, để chào mừng Năm mới. Đèn treo rất nhiều, rực rỡ trên các phố, khiến ông đi qua, bà đi lại lóa mắt. Và hoa điện tử được trồng vô tội vạ, kết xanh xanh, đỏ đỏ khắp hang cùng ngõ hẻm, phàm là nơi công cộng thì phải rực rỡ. Có những nơi, như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hoa điện tử đã trở thành một câu đố lớn thách thức bao kẻ qua đường: người sính ngoại bảo đó là hoa ly, người hướng nội khăng khăng là hoa rau muống… Sai tất! Sở Văn hóa Hà Nội cho biết đó là hoa thủy tiên - thứ hoa vốn được các bậc tiền nhân quân tử ưa thích thưởng lãm lúc giao thừa. Nay người ta dựng “hoa thủy tiên điện” lên quảng trường, âu cũng là một việc hay, ít ra cũng để người đời biết rằng Sở là bậc lịch lãm thông hiểu văn hóa dân tộc.

Nhưng xem ra vẫn có cái gì đó không ổn lắm trong cung cách trang hoàng của các nhà quản lý đô thị. Kiểu trang trí xanh đỏ và chói chang như thế có thể phù hợp với các khu vực nông thôn, miền núi, nhưng ở các thành phố thì lại là một nguy cơ về an toàn giao thông khi các biển báo, tín hiệu chỉ dẫn trên công lộ và tầm nhìn của người đi đường bị cản trở, dễ nhầm lẫn, phân tâm. Về mặt tâm lý, các cây hoa điện tử trồng chi chít thực ra lại chẳng đưa đến một sự cảm thụ văn hóa có ý nghĩa nào. Đây là điều mà các đô thị phát triển trên thế giới rất kỵ. Với họ, việc trang hoàng cơ sở vật chất công buộc phải mang ấn tượng văn hóa, ý nghĩa sâu đậm nào đó mà người nộp thuế thấu hiểu, thừa nhận và cảm thấy tự hào, chứ không được phép bộc lộ gu thẩm mỹ xa xỉ - lòe loẹt, văn hóa hời hợt và thói tiêu tiền thuế phung phí của giới chức quản lý địa phương sở tại. Giới chức và công dân ở các đô thị phát triển trên thế giới đều hiểu rất rõ rằng: Khi việc trang hoàng thành phố diễn ra hoành tráng, tốn kém mà thiếu ý nghĩa văn hóa cùng thông điệp sâu sắc thì nó chỉ chứng tỏ tiền thuế của dân đã bị chi tiêu hoang phí và các công bộc của họ bất tài (hoặc quá giỏi làm lợi cho cá nhân) mà thôi.

Trước đó mấy hôm, dư luận nước nhà nổi sóng với hồi ký của một diễn viên điện ảnh vang bóng một thời: cuốn “Một đời giông tố” của Thương Tín. Nghệ sỹ cho biết, ông ta viết cuốn sách này để kiếm ít tiền chăm lo cho con gái. Vâng, cơm áo không phải chuyện đùa. Điều này lại càng rất đúng với giới nghệ sỹ Việt, vì họ luôn phải dấn thân vào thị trường đầy “giông tố”, bất kể hậu quả cho mình chứ kể chi người khác (?), nhằm mưu sinh. Cuốn hồi ký sẽ là cốt truyện cho một bộ phim ăn khách mai sau ư? Cũng chưa và chả ai biết được nữa... Có điều, những gì Thương Tín kể trong cuốn hồi ký đó không tạo cho bạn đọc một ấn tượng văn hóa nào (có thể hiểu được) về một người đã dành cả đời làm nghệ thuật. Chỉ rặt chuyện ăn ngủ với những người đàn bà đã đi qua đời ông, số này khá nhiều và cũng có tiếng là đèm đẹp, đủ để cho ông được mệnh danh là gã trai đào hoa, thừa để đám phụ nữ kia bị xã hội bảo là hư hỏng. Quan niệm của xã hội vẫn thiên lệch thế đấy! Chúng ta không thấy những gì mà nền điện ảnh nước nhà đã trải qua, không cảm nhận được giới nghệ sỹ lao tâm khổ tứ, dằn vặt để thể hiện cái chân, cái thiện, cái mỹ. Có thể nghệ sỹ nước ta không quan tâm đến những vấn đề muôn thủa đó của nghệ thuật và nhân sinh chăng? Hay nền nghệ thuật nước nhà quá bận chi tiêu kinh phí được ngân sách bao cấp nên chẳng còn mấy thời gian cho nghệ thuật nữa?

Đáng để suy ngẫm nhất lúc này có lẽ là hoạt động điện ảnh nước nhà, khi Liên hoan phim lần thứ 19 đi qua và được giới truyền thông ca ngợi là một mùa giải ít thị phi nhất, mùa giải mà cái sự an toàn được đặt lên trên giá trị đổi mới. Truyền thông nước nhà cũng thật khéo nói khi không bàn nhiều về cái hay, cái dở của những bộ phim được trình chiếu, mà chỉ bàn về những cái bên ngoài nghệ thuật, kiểu: nếu bán vé xem phim thì đo được sự hấp dẫn chính xác hơn là cứ phát không thế này. Dẫu sao, liên hoan phim đã đi qua mà không để lại một ấn tượng nào, cả xấu lẫn tốt.

Thực tế cho thấy, những tác phẩm được trình chiếu năm nay đã xác nhận sự hiện diện ngày càng áp đảo hơn của dòng phim tư nhân, nội dung của chúng cũng đã đáp ứng được nhu cầu về phim Việt. Phim tư nhân phản ánh sự đa dạng và phong phú của cuộc sống hôm nay: chuyện của giới trẻ, showbiz, xã hội đen, đồng tính… Bên cạnh đó, tất nhiên, cũng không thiếu những đề tài nhà nước đặt hàng: lãnh tụ, hậu chiến, dã sử… Đặc biệt, một ngoại lệ là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã kết hợp khá nhuyễn dòng tiền bao cấp của nhà nước (ít thôi) và chi phí của tư nhân để tạo ra được một hiện tượng lạ: phim hay, đông người xem và nhận được giải thưởng lớn. Đây là bước chuyển quan trọng để những nhà sản xuất phim kiểu bao cấp nhận thấy cái nghệ thuật xin kinh phí từ ngân sách đã không thể nuôi sống được nghệ thuật thứ 7, đã đến lúc họ phải tự hỏi “bao nhiêu người sẽ trả tiền để xem phim ta làm?”. Và ý nghĩa nhất ở đây là sự thắng thế của nguyên tắc thị trường - một phim hay trước hết phải là một phim ăn khách, và một phim ăn khách không nhất thiết phải có ít tính văn hóa.

Và còn nhiều những sự kiện, câu chuyện oái oăm khác nữa như bức ảnh ngư dân miền Trung vớt được nàng tiên cá nằm trong lưới làm xôn xao dư luận, khiến Bộ Thông tin Truyền thông phải vào cuộc và phạt tác giả 5 triệu đồng. Lại có cả chương trình “Những kẻ lắm lời” của Đài truyền hình bình luận quá cởi mở (đôi khi trở thành nói xấu) về các hiện tượng và nhân vật trong giới nghệ thuật nên bị ngừng lên sóng…

Những sự lộn xộn, tốt xấu đan xen trong đời sống văn hóa hàng ngày cho thấy có mấy việc mà chúng ta cũng nên nghĩ tới lúc rảnh rỗi đón xuân về.

Đầu tiên là câu chuyện về cách hành xử có văn hóa của những con người trong xã hội. Từ việc treo đèn kết hoa cho đến viết hồi ký hay đưa chuyện về những người khác... đều cần có một nền tảng ứng xử văn hóa tối thiểu, cần có trách nhiệm và tính nhân văn. Cụ thể là đừng lạm dụng lợi thế vị trí của mình mà áp đặt ảnh hưởng xấu lên cộng đồng, và cũng không vì lợi ích cá nhân (hay nhóm) mà gây tổn hại cho xã hội.

Không bộ luật nào có thể điều chỉnh toàn bộ hành vi ứng xử, nhận thức của con người trong muôn mặt đời sống, giao tiếp hàng ngày. Vậy nên, trong mọi xã hội đều tự hình thành một bộ quy ước tinh thần, tuy bất thành văn nhưng được ngầm thừa nhận, để hướng các thành viên của nó vào lối sống và ứng xử có văn hóa, khuyến khích những hành vi có trách nhiệm và tính nhân văn. Trong những cộng đồng văn minh và phát triển, bộ quy ước này rất chi tiết và tinh tế, chi phối mạnh mẽ vào từng thành viên của nó mà không cần bất cứ chế tài nào ngoài sự tự phán xét của Nội Tâm Lương Thiện hoặc sự lên án của dư luận xã hội. Phải chăng, trong xã hội của chúng ta, những quy ước tinh thần này còn quá mơ hồ, sự tự phán xét còn chủ quan và ngạo mạn, sự lên án của dư luận còn bị coi thường và vùi dập?

Thứ hai, hoạt động văn hóa rất đa dạng, luôn đổi mới và tạo ra các mức độ ảnh hưởng khó lường, rất khác với các lĩnh vực có các quy chuẩn và hiệu quả khả định như giao thông, kinh tế, môi trường, dịch vụ... Vì vậy, các chế tài trong quản lý văn hóa cũng cần phải đa dạng và có tính... văn hóa, không nên quy đồng bằng cách phạt tiền. Việc xử lý phạt tiền tràn lan đối với các hiện tượng vi phạm quy định văn hóa - thông tin sẽ tạo ra tiền lệ “mua lỗi – bán phép”, tha hóa hệ thống quản lý, biến hoạt động thanh tra văn hóa thành một hình thức “bảo kê, thu phí” mà không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nên tập trung vào việc định hướng, khuyến khích, thẩm định, cấp phép, hỗ trợ... cho các đối tượng hoạt động trong ngành nghề này. Nếu chú trọng việc thanh kiểm, sát phạt thì sẽ tạo ra mẫu thuẫn đối kháng, làm nặng nề tâm lý xã hội, cản trở hoạt động sáng tạo văn hóa và gây ra các hậu quả tiêu cực khác.

Để xử lý hiện trạng này, có thể những biện pháp mềm sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn chăng? Ví dụ như việc báo Tuổi trẻ Cười công bố giải thưởng “Trái cóc xanh 2015” cho Quyết định của tỉnh An Giang xử phạt người “like” bình luận trên Facebook, cho Talk Show “Những kẻ lắm lời” và tài khoản Facebook “Thánh Cô Cô bóc” là cách làm hay. Phê phán và điều chỉnh các hoạt động văn hóa có lẽ là việc dành cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và dư luận xã hội. Đây cũng chính là cách để cho bộ quy ước tinh thần chi phối, phán xét, điều chỉnh các hành vi lệch lạc của các thành viên trong xã hội, như đã phân tích ở trên.

Cuối cùng, có một điều cần lưu ý, tiền giúp con người làm được nhiều thứ họ muốn, nhưng không phải cứ có tiền là làm nên được văn hóa. Để tạo ra được hình ảnh, sự kiện, sản phẩm, hành vi, lối ứng xử... văn hóa thì điều kiện tiên quyết là con người phải có văn hóa trong cả hoạt động sáng tạo lẫn vị trí cảm thụ. Văn hóa không phải là một mảnh bìa để có thể khoe mặt nọ, giấu mặt kia, mà nó là một thứ mùi với đủ các cung bậc từ hắc đến thơm, thum thủm hoặc... kinh tởm, tỏa ra từ mọi góc cạnh, ngôn ngữ, hành vi, tri giác... của con người. Văn hóa là nỗi sợ của những người dũng cảm, trước sự phán xét thường trực và thấu triệt của Nội Tâm Lương Thiện nằm trong mỗi người. Nỗi sợ này khiến tâm trí con người không khởi niệm xấu, tránh xa hành vi làm tổn hại đến thực thể khác. Sự kiểm soát liên tục của Nội Tâm Lương Thiện sẽ giúp người ta hình thành Chính Niệm, từ đó trí tuệ và sự mẫn cảm được huy động và tập trung vào việc sáng tạo ra những giá trị văn hóa đích thực, những kiệt tác của nhân loại.

Trở lại với câu chuyện người làm văn hóa và cơ quan quản lý văn hóa. Nếu ngành văn hóa là một vườn cây và cơ quan quản lý là chủ, thì việc đầu tiên họ nên làm là chọn một số lượng cây phù hợp với diện tích, đặt chúng vào đúng hàng lối ở những chỗ đủ ánh sáng rồi tưới nước và bón phân. Chỉ khi cây đã bắt rễ, đâm chồi nảy lộc, cành lá xum xuê khỏe mạnh thì mới cần tỉa lá, bấm cành, bắt sâu. Nếu làm ngược lại, vườn cây sẽ không đơm hoa kết trái, còi cọc, xác xơ, hoặc... chết.

Còn với những người sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa – thông tin, nếu định vị điểm xuất phát từ Chính Niệm và đặt mục tiêu sáng tạo sản phẩm thăng hoa, có ý nghĩa sâu sắc và giá trị nâng tầm nhận thức của thị trường, thì dù chưa đạt được mục tiêu đó, ít nhất họ cũng sẽ kiếm được tiền hoặc danh vọng, thậm chí cả hai. Nếu chỉ đặt mục tiêu về tiền bạc, danh lợi trước mắt thì nhiều khả năng họ sẽ chẳng nhận được gì hoặc tệ hơn là ôm về những thứ đó để rồi chết chìm với chúng.

Năm mới đã đến, các câu chuyện mới về văn hóa cũng sẽ đến. Việt Nam đã bước vào nền kinh tế thị trường, trên quy mô toàn cầu, một cách đầy đủ. Lối tư duy có văn hóa, trong một cơ chế thị trường phát triển lên cấp độ văn minh hơn, âu cũng là cái cần phải có.

Kính Cận

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/man-dam-ve-van-hoa-sang-toi-va-noi-tam-luong-thien-9853.html