Mâm cỗ Tết cổ truyền của các nước trên thế giới

Nhiều quốc gia châu Á như Trung, Hàn, Mông Cổ và Nhật (trước năm 1873) đều có truyền thống tổ chức tết Âm lịch.

Yu Sheng trong tiếng Hoa có nghĩa là dồi dào, dư dả. Đây giống như một loại salad kiểu châu Á gồm rất nhiều rau củ xắt nhỏ và cá sống cắt mỏng và rưới nước sốt lên trên. Người Hoa ở Malaysia và Singapore đặc biệt là các doanh nhân và những người đi làm rất thích ăn món này trong suốt dịp Tết bởi cá là biểu tượng của sự thịnh vượng.

Nian Gao là loại bánh tết của người Trung Quốc được làm từ gạo nếp, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, 'Gao' là bánh, 'Nian' là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính. Mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn gắn bó với nhau. Ngoài ra, phiên âm từ Nian Gao còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên.

Jau gok là một món ăn rất phổ biển tại tỉnh Quảng Đông và Hong Kong, Trung Quốc. Bánh được làm từ bột, thịt hoặc dừa, sau đó đem chiên giòn. Không giống như những loại bánh bao thông thường khác, Jau gok có hình dáng gần giống như thỏi vàng thời xưa.

Điểm đặc biệt của món ăn này là các sợi mỳ rất dài - biểu tượng cho ước muốn sống lâu của người Trung Quốc. Mỳ trường thọ có xuất xứ từ Quảng Đông và thường được ăn trong dịp năm mới hay sinh nhật.

La hán chay là một món ăn xào đầy đủ chất dinh dưỡng, gồm rất nhiều các loại nấm, củ quả và thường được dùng trong ngày đầu tiên của năm mới. Người Trung Quốc tin rằng, bên cạnh việc đem lại sức khỏe, món La hán chay còn đem lại may mắn cho gia chủ.

Trong ngày Tết cổ truyền Trung Quốc, cá là món ăn không thể thiếu bởi nó cách phát âm gần giống như từ 'dư' - nghĩa là dồi dào, thừa thãi. Chính vì vậy, việc ăn cá trong dịp đầu năm mới cũng sẽ đem đến may mắn và tài lộc.

Về cơ bản, nhục can gần giống như món thịt bò khô nhưng ngọt và có vị dịu hơn. Món ăn có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và rất phổ biến tại miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan. Để làm nhục can, những miếng thịt lợn sẽ được thái mỏng, sau đó nêm nếm gia vị và phơi khô.

Trong tiếng Trung Quốc, bánh trôi bánh chay có cách phát âm gần giống với từ 'đoàn viên' nên nó thường được ăn trong dịp tết Nguyên tiêu . Bánh được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nếp lẫn gạo tẻ, đường phèn, nước hoa bưởi, dừa nạo, vừng, đỗ xanh và gừng.

Osechi-ryōri là bữa ăn mừng Tết của người Nhật Bản. Truyền thống này khởi đầu từ thời kỳ Heian (794-1185). Ý nghĩa gốc của món ăn là giúp cho những người nội trợ gặp may mắn và 'sống sót' qua những ngày đầu năm mới khi những cửa tiệm, nhà hàng trên khắp đất nước đóng cửa. Thông thường các món Osechi đều được chứa trong những chiếc hộp sơn mài đặc biệt có tên gọi jūbako.

Ozōni là món canh cá thường dùng với bánh dày mochi. Nó được coi như món ăn đem lại nhiều may mắn nhất trong dịp Tết tại Nhật Bản. Tùy vào mỗi gia đình và vùng miền lại có công thức nấu món ozōni khác nhau. Dù vậy, những nguyên liệu không thể thiếu trong món canh này là: Đậu hũ, khoai, thịt gà, rau xanh, và các loại củ màu sắc khác.

Được coi như linh hồn của ẩm thực Nhật Bản nên chắc chắn trong dịp đầu năm mới, sashimi và sushi là 2 món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc ở đất nước mặt trời mọc. Sushi được biết đến như một món cơm trộn với dấm khi ăn thường kết hợp với cá sống, trứng cá hay rau củ và thường được cuốn trong lá rong biển. Còn sashimi là món ăn mà thành phần chính là các loại hải sản tươi sống và thường ăn kèm với lá tía tô hoặc củ cải bào.

Nanakusa gayu là món cháo được ăn cùng 7 loại thảo mộc được ăn vào ngày mùng 7 Tết hằng năm tại Nhật Bản. Trong quan niệm của người dân xứ sở hoa Anh đào thì số 7 là một con số may mắn và rất được ưa thích. Do đó việc ăn món cháo này cũng có ý nghĩa mang lại điềm tốt lành.

Tteokguk là món canh bánh truyền thống của người Triều Tiên, thường ăn vào dịp Tết. Trong đó, tteok là một loại bánh làm từ bột gạo nếp và thường được thái mỏng, còn guk là canh. Người ta thường trang trí món canh này với trứng, thịt băm và rong biển.

Galbi jjim là món sườn bò kho nấm, thường được nấu trong những ngày Tết hoặc những dịp lễ quan trọng. Nguyên liệu chủ yếu là xương sườn được chặt ngắn nấu cùng nhiều loại rau củ như nấm, cà rốt, hạt dẻ, hạt bạch quả, củ cải... Món ăn cùng nước xốt làm từ đậu tương, củ hành, đường và hạt vừng để cầu mong cho sự sung túc, thịnh vượng cả năm.

Japchae là món miến xào rất được ưa chuộng tại Triều Tiên và Hàn Quốc. Nguyên liệu chính để làm món ăn này là miến và các loại rau theo mùa và thịt.

Với người dân Hàn Quốc, bánh gạo là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, bánh gạo ở Hàn Quốc lại có những tên gọi khác nhau. Gyeongdan là một loại bánh gạo làm từ bột nếp nhào với nước nóng, nặn thành hình viên tròn rồi luộc và phủ một lớp bột có vị ngọt từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Jeungpyeon là một loại bánh gạo được làm từ bột gạo nhào và rượu gạo, trang trí với táo tàu, hạt dẻ, hạt thông và nấm đá, sau đó hấp lên.

Món ăn truyền thống trong tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

Theo Việt Đức/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/mam-co-tet-co-truyen-cua-cac-nuoc-tren-the-gioi.html