Mách mẹ cách cai sữa cho con đúng thời điểm

Cai sữa là giai đoạn quan trọng để bé chuyển sang chế độ ăn dặm, tuy nhiên mẹ cũng nên chọn đúng thời điểm để cai sữa cho con không nên quá vội vàng.

Tại sao phải cai sữa?

Cai sữa là cần thiết. Nó nằm ở mấy lý do sau.

Lý do thứ nhất, sữa mẹ càng ngày càng nhạt và càng ngày càng nghèo nàn. Ban đầu, vào giai đoạn sau sinh, trong 6 tháng đầu tiên, nồng độ 2 hormon liên quan đến tiết sữa mẹ tăng rất cao. Hai hormon đó là progesteron và prolactin. Nó tiết nhiều đến mức, nó làm lấn át các hormon khác của tuyến yên và kết quả là bà mẹ không có kinh nguyệt. Số lượng sữa, chất lượng sữa phụ thuộc chặt chẽ vào nồng độ 2 homron này trong cơ thể. Nhưng sau 6 tháng đầu tiên, nồng độ 2 homron này giảm dần. Sau 1 năm đầu thì nồng độ 2 homron này không còn cao nữa. Sữa của bà mẹ tiết ra giảm dần, chất lượng cũng kém dần. Không còn đặc và thơm như giai đoạn đầu, nó không có ý nghĩa cung cấp nuôi dưỡng cho cơ thể bé yêu nữa, nên cần cai.

Lý do thứ hai, bé càng ngày càng lớn. Bé lớn, nhu cầu số lượng và chất lượng dinh dưỡng càng ngày càng cao, tăng lên. Ban đầu chỉ một mình sữa mẹ có thể đảm bảo dinh dưỡng cả ngày mà bé không cần phải ăn thêm bất cứ một thực phẩm nào khác. Nhưng sau đó, chỉ dựa vào sữa mẹ, bé không đủ nhu cầu dinh dưỡng của mình. Đặc biệt, các đa chất dinh dưỡng cung cấp không đủ cho bé, không giúp bé lớn lên và nặng thêm. Nên sữa mẹ dần mất đi vai trò độc tôn trong nuôi dưỡng. Bé cần sử dụng các thực phẩm khác thay thế dần. Nên cần cai sữa.

Lý do thứ ba, một số em bé lười ăn, bản thân em bé lười ăn sẵn có do đặc điểm gen di truyền. Bé rất ngại ăn, ngại nhai, ngại nuốt. Bé chỉ trông chờ vào sữa mẹ. Nếu tiếp tục cho bé bú, bé sẽ rất kén ăn các thứ khác. Rốt cuộc, lượng thức ăn nạp vào thêm rất hạn chế mà chỉ chầu chực vào mỗi lần bú mẹ. Điều này làm cho cơ thể bé giảm khả năng thích nghi với môi trường, không đủ sức khỏe chống chọi với mầm bệnh bên ngoài. Do vậy buộc lòng phải cai sữa để tập cho bé ăn các thực phẩm giống như người trưởng thành. Nên cần cai sữa.

Lý do thứ tư, cơ thể bé càng ngày càng lớn, càng có khả năng tự tổng hợp được các axit amin cần thiết và không cần thiết, tự tổng hợp được các kháng thể chống đỡ lại mầm bệnh. Bé không cần sữa mẹ, cũng không cần dựa dẫm vào các kháng thể có trong sữa mẹ để chống lại vi khuẩn, vi rút xâm nhập. Trong 6 tháng đầu, điều này lại rất đỗi quan trọng và cần thiết. Do đó, tác dụng bảo vệ của sữa mẹ không còn quan trọng. Cần cai sữa.

Thời điểm cai sữa

Vì những lý do ở trên, việc cai sữa là cần thiết và bắt buộc phải được tiến hành. Theo nhu cầu dinh dưỡng bé, chất lượng sữa mẹ, người ta khuyên nên cho con bú cho đến lúc bé yêu được 2 tuổi. Nhưng trên thực tế, bạn có thể cho con bú đến 18 tháng tuổi và có thể cai an toàn. Thời gian từ 18 - 24 tháng tuổi là thời gian an toàn để có thể cai sữa cho bé. Việc này sẽ thu được 2 điểm lợi.

Điểm nhất, bé sẽ cứng cáp, vững chãi hơn vì bé không còn phụ thuộc sữa mẹ. Bé ăn uống thực phẩm độc lập hoàn toàn. Các thực phẩm tiếp nạp vào cung cấp giá trị dinh dưỡng rất lớn giúp cơ thể bé rất mực cứng cáp.

Điểm nhì, cơ thể bà mẹ không còn tiết sữa nữa do giảm kích thích đầu tuyến vú. Hoạt động nội tiết của tuyến yên dần được cân bằng. Cơ thể bà mẹ dần được hồi phục. Các hormon cơ bản của phụ nữ được tái lập. Cơ thể của bà mẹ sẽ nõn nà và dáng ngọc trở lại.

Chớ nên vội cai

Tuy cai sữa là có lợi, nhưng các mẹ không nhất thiết cai sữa bằng mọi giá vào một thời điểm đã định. Bạn đã có kế hoạch cai sữa nhưng chẳng may đến thời điểm đó, bé lại xảy ra trục trặc sức khỏe. Bạn có thể trì hoãn lại. Và trong những trường hợp dưới đây, sẽ có chống chỉ định cai sữa.

- Bé bị tiêu chảy cấp. Khi bị tiêu chảy cấp, bé sẽ bị nôn và tiêu chảy rất nhiều. Cơ thể bé mất dinh dưỡng và mất nước tương đối nghiêm trọng. Bé sẽ mệt và lười ăn. Bạn hãy cho bé bú thêm vài ngày nữa vì bé chẳng thiết ăn gì ngoài sữa mẹ. Sữa mẹ sẽ cung cấp cho bé chút dinh dưỡng cùng một ít nước và điện giải, giúp cơ thể bé hồi phục.

- Bé bị sởi, thủy đậu, quai bị. Các bệnh này do vi rút gây ra. Bé cần có sức đề kháng để thải loại vi rút. Bạn nên tiếp tục cho bé bú thêm để cung cấp thêm kháng thể cho bé, giúp bé chống lại vi rút. Mặt khác, khi bị nhiễm vi rút, bé thường sốt cao, dẫn đến hiện tượng bỏ ăn, cho bé bú tiếp để bù vào lượng thực phẩm ngán ăn bé bỏ lại.

- Bé bị viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng. Khi bị các bệnh này, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khá lớn. Bé cần thêm dinh dưỡng, kháng thể để chống lại vi khuẩn. Bạn cần tiếp tục cho bé bú để cung cấp thêm các yếu tố này cho bé giúp cơ thể chống lại vi khuẩn. Đặc biệt vitamin A, kẽm là những yếu tố cần thiết.

Xem thêm >>> Dậy thì sớm báo hiệu trẻ lùn khi trẻ trưởng thành

Theo B.Sĩ Yên Phúc Lâm

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/mach-me-cach-cai-sua-cho-con-dung-thoi-diem-211859.html