Lưu ý khi dùng khí dung

Con tôi 4 tuổi và hay bị viêm mũi họng, đặc biệt là vào mùa đông và mùa xuân. Lần này cháu lại bị viêm mũi, bác sĩ không kê thuốc uống nữa mà cho cháu xông mũi họng.

Trong các thuốc xông có gentamycin và hydrocortisol. Tôi nghe nói gentamycin là loại thuốc có nhiều tác dụng phụ, xin cho biết xông mũi họng tác dụng có tốt hơn so với thuốc uống không? Dùng gentamycin có hại không? Tôi xin cảm ơn! - Nguyễn Thị Thu (Hà Nội).

* Trả lời:

Xông mũi họng (hay còn gọi là khí dung) là biện pháp điều trị rất thông dụng và có hiệu quả tốt với các viêm cấp và mạn ở vùng mũi – xoang - họng – thanh quản.

Chỉ dùng khí dung theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Đây là cách dùng máy chuyên dụng, đưa thuốc dưới dạng các tiểu phần nhỏ dạng khí len lỏi vào các khe ngách của mũi – xoang hay họng – thanh quản để thuốc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc, giúp cho hiệu quả điều trị tốt hơn.

Thuốc được sử dụng trong khí dung rất đa dạng, phụ thuộc vào yêu cầu điều trị, nhưng cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản: thuốc không được gây phản ứng dị ứng, nồng độ thuốc không được quá cao, khi pha các loại thuốc cùng lúc để khí dung phải tránh dùng các loại có tác dụng tương kỵ với nhau, không nên dùng lượng thuốc quá nhiều cho một lần khí dung, mỗi lần chỉ khoảng 2 – 3ml.

Do yêu cầu của khí dung như trên nên trong quá trình cho trẻ khí dung tại nhà, cần lưu ý một số điểm sau:

Với khí dung họng – thanh quản: cho ngậm đầu ống khí dung, mím miệng và thở hít bằng mũi. Nên hít thở sâu, có thời gian ngừng sau mỗi lần thở để cho thuốc ngấm tốt hơn.

Không ngậm quá lâu, tránh để nước bọt chảy vào ống khí dung. Khi có ho, sặc hay ứ đọng nước bọt, cần bỏ ống khí dung, nhổ hết nước bọt, nghỉ một lúc rồi mới cho trẻ tiếp tục thực hiện khí dung. Có thể thay ống khí dung bằng một mặt nạ úp trên họng mũi.

Với khí dung mũi – xoang: trước khi thực hiện, cố gắng hút hết dịch hoặc mủ trong mũi xoang, có thể sử dụng một ít thuốc co mạch để tạo đường thở thông thoáng tạo điều kiện cho thuốc có tác dụng. Đưa hai đầu ống khí dung vào hai lỗ mũi, hít thở đủ mạnh.

Trường hợp của con bạn, nếu cháu hay bị viêm mũi họng thì khí dung là một biện pháp tốt, tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng biện pháp này, nhất là dùng gentamycin kéo dài sẽ gây ra những tác dụng phụ không tốt. Do đó, chỉ dùng khí dung theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh tái diễn, bạn cần hướng dẫn cháu các biện pháp vệ sinh mũi họng hàng ngày như đeo khẩu trang sạch khi đi ra ngoài, mặc ấm, súc miệng nước muối nhạt sáng và tối mỗi ngày…

Theo Sức khỏe & Đời sống

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/luu-y-khi-dung-khi-dung-1644918-l.html