Lương công chức cao hay thấp?

(HQ Online)- Sau 3 năm liên tục duy trì ở mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng, từ ngày 1-5-2016 mức lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được điều chỉnh tăng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%).

Câu chuyện lương cán bộ công chức cao hay thấp lại được đặt ra trong bối cảnh nước ta đang quyết tâm thực hiện đổi mới, hoàn thiện bộ máy công quyền. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Ủy viên Hội đồng khoa học của Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) xung quanh vấn đề này.

Theo đánh giá của ông, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, lương của đại bộ phận công chức đang ở mức cao hay thấp?

Đánh giá về lương của cán bộ công chức cần đặt trong mối quan hệ giữa thu nhập với thị trường và mọi chi phí sinh hoạt của họ. Thứ nhất, so với thu nhập chung của người lao động thì công chức ngoài lương còn có thêm từ 25- 35% phụ cấp được coi như hỗ trợ. Như vậy về cơ bản tôi không cho là thấp. Thứ hai, công chức ở đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM mức chi tiêu cho tất cả các khoản đều cao hơn do nhu cầu và sự đắt đỏ của đô thị so với nông thôn (đồ ăn, điện nước, đi lại, học phí…). Như vậy, thấp hay cao còn phụ thuộc vào nhu cầu của họ. Thứ ba, mọi số liệu từ Bộ Nội vụ đều cho thấy một thực tế, rõ ràng biên chế đang bị phình ra, trong khi ngân sách Nhà nước để chi trả cho lương cán bộ lại có hạn nên việc chi quản lí sẽ bị dàn trải. Ai cũng biết rõ điều đó. Phải chăng công chức cũng phải tự chấp nhận hoàn cảnh đó.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lương công chức thấp là so với nhu cầu chi tiêu cho tái sản xuất sức lao động và cũng là thấp hơn so với mức lương của những người cùng trình độ nhưng làm việc ở khu vực tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài?

Theo tôi thì không nên đưa vấn đề lương bổng trong khu vực Nhà nước so sánh khu vực DN tư nhân. Bởi ở khu vực đó có thỏa thuận theo hợp đồng lao động. Hơn nữa, thực tế ai cũng thấy rất ít công chức bỏ cơ quan ra làm ngoài để tăng thu nhập. Phải chăng công chức - họ là những người không quen sức ép công việc, thích ổn định, thư nhàn. Mức lương như vậy là phù hợp với họ. Nếu như vậy mà vẫn kêu thấp thì rất khó chiều theo họ được.

Hơn nữa tôi được biết một số cơ quan có kế hoạch giảm biên chế, đa phần họ chỉ sợ nằm trong diện bị tinh giản chứ không sợ lương thấp. Nghĩa là lương thấp hay cao đều không hề ảnh hưởng bởi họ muốn, cần có công việc đó.

Lương không cao nhưng có một thực tế, nhiều người có mong muốn, nguyện vọng vào làm trong khu vực Nhà nước. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ở nước ta như thế là điều bất thường. Bộ máy công quyền không có gì chứng tỏ là nơi hấp dẫn khi thu nhập thấp, làm việc trì trệ, theo lề lối hành chính… Người có năng lực sẽ muốn làm việc trong môi trường cạnh tranh, hiệu quả cao và thu nhập tương xứng. Vì thế có thể nói họ không kiếm được việc tốt hơn thì buộc phải vào khu vực Nhà nước chứ không phải thích.

Nhưng cũng cần thẳng thắn rằng việc nhiều người đổ xô vào làm trong Nhà nước vì còn tồn tại tiêu cực trong khu vực này: Nhũng nhiễu khi là nhân viên, tham nhũng khi là lãnh đạo. Điều này Đảng và Chính phủ đánh giá chứ không phải tôi lộng ngôn. Nhiều vị trí, công việc, mối quan hệ rất dễ tha hóa những công chức không biết giữ mình. Nhưng đó cũng chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ công chức mà thôi. Còn đa phần cán bộ chỉ có thu nhập chính từ lương.

Hơn nữa, trong môi trường dân chủ, quy chế hiện nay nếu muốn ra khỏi khu vực công cũng không khó, trừ những đảng viên, công chức làm nhiều năm. Thế nên vẫn có chuyện công chức giỏi chỉ "tá túc" trong cơ quan Nhà nước. Khi có việc làm, môi trường và thu nhập phù hợp họ sẽ ra khỏi công vụ. Cũng nên coi đây là bình thường. Tuyển được người giỏi nhưng sử dụng họ mới là câu chuyện hiện nay. Thực trạng đó sẽ dẫn đến “chảy máu chất xám”.

Vậy làm sao cho mức lương của công chức Nhà nước xứng đáng với sức lao động của họ đã bỏ ra và làm sao cho bộ máy nhà nước có thể thu hút được những người thực sự có năng lực?

Thật ra tình hình nhân lực đã trì trệ từ nhiều năm. Về hình thức, trước hết là nền công vụ đã sử dụng một nguồn lực thể hiện sự cồng kềnh và kém hiệu quả. Cồng kềnh là do dung nạp một lực lượng lao động vượt quá nhu cầu của thực thi công vụ, kém hiệu quả thể hiện ở dịch vụ hành chính yếu kém tương phản với số đông biên chế.

Xem xét một cách thấu đáo thì thấy có sự chệch choạc hệ thống. Tôi dùng khái niệm “hệ thống” chỉ để chứng minh: Nhìn chỗ nào cũng thấy cồng kềnh, dư thừa. Không thể nói một tổ chức nào đó “giảm biên” là được. Chẳng hạn có thể đổ cho một Bộ, một Sở, một Vụ, một trường học, bệnh viện… để nói rằng, nếu chỗ đó cải cách thì nền công vụ sẽ gọn nhẹ. Hoàn toàn không phải. Tính hệ thống của sự cồng kềnh, kém hiệu quả là như vậy.

Cùng với đó là do quan niệm về bằng cấp, cộng với quy định hành chính và nhiều lý do khác khiến người học không đến nơi đến chốn và người học nghiêm túc cũng được đánh giá ngang nhau. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động (người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị) không bị ảnh hưởng gì khi biên chế tăng lên.

Nay chỉ một giải pháp "cắt khúc" (tinh giản biên chế) nhưng khó khả thi. Muốn thành công phải thực hiện đồng bộ. Phải có quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Đồng thời việc tuyển chọn cán bộ phải giao cho người đứng đầu ngay từ khi tuyển dụng. Chỉ tiêu công chức cần dựa theo nhu cầu của vị trí việc làm thực tế ở mỗi bộ phận, đơn vị. Đây chính là khoa học về tổ chức lao động. Các cơ quan hành chính cần phải học tập khối doanh nghiệp tư nhân về điều này, vì họ rất chi li, chi tiết khi trả đồng lương tương xứng với công việc.

Tinh giản bộ máy nhưng gắn liền với đó là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ. Bởi có cải cách hành chính thì mới bỏ được nhiều khâu không cần thiết, giảm bớt quy trình công việc, thu gọn đầu mối, tránh tình trạng lãng phí. Và muốn thay đổi thì phải có lộ trình.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/luong-cong-chuc-cao-hay-thap.aspx