Lúng túng phân biệt xe tải và xe chở người

(baodautu.vn) Việc phân định xe tải Van hay xe chở người ở một số nhãn hiệu ô tô đang trở nên phức tạp hơn, khi ngay cả cơ quan thuế và hải quan cũng lúng túng với các quy định hiện hành.

Để có thể phân loại chính xác xe tải Van (có hình dáng bên ngoài giống xe du lịch nhưng bỏ các hàng ghế chở người để có khoang rộng chở hàng) với xe chở người, cơ quan thuế và Hải quan mới đây đã tiến hành kiểm tra việc lắp ráp xe tải Van tại Công ty Ô tô GM Daewoo Việt Nam (Vidamco) từ năm 2008 đến hết tháng 6/2010. Theo kết luận được đưa ra mới đây của cuộc kiểm tra này, về cơ bản các linh kiện lắp ráp xe chở người (cùng chủng loại với xe tải Van) và xe tải Van là giống nhau. Việc nhập khẩu 1.441 bộ linh kiện CKD về lắp ráp xe tải Van của Vidamco dù đều ghi trong hồ sơ là xe 5 chỗ, nhưng theo Công ty, là do quy định phân biệt bộ linh kiện theo từng nhãn hiệu và phân khối xe. Các lô linh kiện phục vụ lắp xe tải Van cũng không có một số chi tiết như tay nắm cửa sau, dây bảo hiểm phía sau, mà có thêm các chi tiết như thanh giằng cửa hông phía sau xe, vách ngăn giữa người lái với khoang chở hàng, khung sắt chở hàng. Bên cạnh đó, giá bộ linh kiện để lắp xe tải Van thấp hơn 500 - 1.000 USD/bộ so với xe chở người. Tuy nhiên, theo cơ quan thuế, các khác biệt này, có thể khắc phục để chuyển đổi xe tải Van thành xe chở người và ngược lại. Tiêu thụ xe tải Van của Vidamco trên thực tế cũng không cao so với tổng số xe do DN lắp ráp, nhưng lại có chiều hướng tăng về tỷ lệ (từ 3% năm 2008, lên 8,63% trong 6 tháng đầu năm 2010). Kết luận của đoàn kiểm tra cũng cho thấy, có những khách hàng vẫn giữ nguyên hiện trạng của xe tải Van và đăng ký dưới biển số dành cho xe tải như Công ty Vũ Hoàng Hải (TP.HCM), nhưng cũng có những doanh nghiệp đăng ký là xe bán tải và dùng để vận chuyển taxi như Công ty cổ phần Việt Vịnh (Thái Nguyên). Cơ quan thuế cũng nhận thấy rằng, với địa phương có biển dành riêng cho xe tải (TP.HCM), thì dòng xe tải Van được tiêu thụ không nhiều, nhưng với các địa phương không có biển số dành riêng (Bình Dương, Bình Phước, Thái Nguyên), thì dòng xe tải Van lại được tiêu thụ vượt trội. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam, xe tải Van chỉ bao gồm các tiêu chí: có khoang chở hàng dạng kín và liền với cabin, có bố trí cửa để xếp, dỡ hàng, có vách ngăn cố định giữa khoang chở hàng và cabin, có diện tích hữu ích của khoang chở hàng không nhỏ hơn 1 m2 và lớn hơn diện tích hữu ích của sàn khoang chở người; có tỷ lệ giữa khối lượng hàng hóa cho phép chở với tổng khối lượng của số người cho phép chở không kể người lái lớn hơn 2. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc phân loại ô tô theo mục đích sử dụng tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271-2003 hiện khá sơ sài, khiến bất cứ xe chở người nào nếu gia cố thêm vài chi tiết và bỏ hàng ghế sau đều có thể trở thành xe tải Van. Điều này khiến người tiêu dùng lợi dụng để mua xe giá rẻ, sau đó hoán cải thành xe chở người, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Cũng để tránh việc lợi dụng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, một số ý kiến từ các cơ quan chức năng cho rằng, ít nhất xe tải Van phải có vách ngăn kín được hàn cố định vào thân xe và cửa sau không được lắp kính. Trong trường hợp cụ thể như với Vidamco, xe Spark Van do công ty này lắp ráp phù hợp với TCVN 7271-2003, nhưng bởi xe tải Van có các thông số kỹ thuật tương tự xe Spark LS và chỉ khác một số chi tiết mà lại rất dễ hoán cải. Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng chưa thống nhất về các nguyên tắc để phân loại xe tải Van lắp ráp trong nước. Theo Thông tư 85/2003/TT-BTC, các mặt hàng linh kiện ô tô được phân loại theo Thông tư 19/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính, chứ không phải phân theo nguyên tắc 2a ở chú giải HS của thông tư này. Ngoài ra, nếu áp dụng nguyên tắc 2a, thì phải từ khâu nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Trong khi đó, nếu phân theo chú giải bổ sung danh mục thuế quan hài hòa ASEAN của Thông tư 85/2003/TT-BTC, thì xe tải Van có thể được xếp vào mã 8703 hoặc 8704. Nhưng ngay cả khi áp dụng các mã này vào xem xét xe tải Van, trong trường hợp cụ thể của Vidamco, cũng không phù hợp với các chú giải HS hiện hành về nhận dạng xe chở người, nên kết luận cuối cùng là thuộc loại xe chở người hay xe tải Van ngay từ khi nhập khẩu linh kiện để đánh thuế tương ứng là không đơn giản. Thực tế lúng túng của các cơ quan chức năng trong phân định xe tải Van này và từ đó dẫn tới các quyết định áp thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt như với xe du lịch chở người khiến cho việc kêu cứu của 36 doanh nghiệp nhập khẩu xe tải Van nhãn hiệu Kia Morning và Daewoo Matiz cách đây ít tháng là có cơ sở. Theo khẩn cầu của các doanh nghiệp này, Bộ Tài chính đã “đơn phương ban hành các quyết định trái luật”, ấn định thuế theo xe chở người đối với số xe Kia Morning Van và Daewoo Matiz Van do 36 doanh nghiệp nhập khẩu và “bỏ qua kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn” đã được Chính phủ phân công là Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), cũng như kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettieudung/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/tieudung/otoxemay/e2a80fd87f000001013d4ec7e95c71d1