Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Trễ hẹn đến bao giờ?

Có hiệu lực 1/1/2010, nhưng đến tháng 4, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn chưa thể đi vào cuộc sống còn thiếu đến 6 thông tu hướng dẫn.

Luật TNBTCNN được nhìn nhận như một tiến bộ, bởi lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, Việt Nam đã luật hóa quyền của tổ chức, cá nhân được Nhà nước bồi thường vốn có trong Hiến pháp thành một đạo luật cụ thể. Tổ chức, cá nhân = cơ quan quản lý nhà nước Được hỏi điều có ý nghĩa nhất trong Luật TNBTCNN là gì, luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI) ví von, Luật đã đặt dấu (=) giữa một bên là tổ chức, cá nhân với một bên là cơ quan quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực quan trọng bao gồm một số hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, hình sự và thi hành án. Trước hết, Luật này đã xác định được cơ quan có thẩm quyền chỉ ra tổ chức nào sẽ phải bồi thường, do đó đã đặt dấu chấm hết cho một quá khứ đùn đẩy trách nhiệm bồi thường. Luật cũng đã hiện thực hóa những thiệt hại được bồi thường bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần. Điều đáng nói, Luật đã thiết lập được cầu nối giữa Luật này với Luật khiếu nại và tố cáo, qua đó, làm rõ hơn nguyên tắc phải có một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật do công chức gây ra là căn cứ để yêu cầu bồi thường. Nhìn lại trước đó, cũng đã có những quy định về giải quyết bồi thường dân sự và oan trong hình sự. Gạt ra Nghị định 47/CP qui định về bồi thường trong lĩnh vực dân sự , một Nghị định chỉ nằm “trên giấy” thì điều đáng kể là Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại những vụ bị oan trong tố tụng hình sự là một bước tiến khi đã đưa ra được qui trình, thủ tục tiến hành đòi bồi thường. Nhờ đó, đã có một số cơ quan tham gia tố tụng hình sự xin lỗi công khai người dân và bước đầu, trong một số vụ đã có bồi thường thiệt hại về vật chất cho công dân. Tuy nhiên, Nghị quyết 388 mới chỉ giải quyết được một số vấn đề trong tố tụng hình sự. Vậy nên, vẫn có những thiệt hại mà không có cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường, có những tranh chấp về trị giá bồi thường mà không có cơ quan nào đứng ra phân giải. Ông Hoàng Minh Tiến, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Xuất nhập khẩu, Giám đốc điều hành Liên hiệp Khoa học Sản xuất Việt Nam, kiêm Giám đốc cửa hàng Xuất nhập khẩu Đồng Tiến từng mất 403 ngày tự do vì hai tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” liên quan đến một tranh chấp kinh tế, rất thấm thía với cái sự “không rõ ràng” kể trên. Tuy đã được chứng minh oan sai, mức thiệt hại ông kiến nghị đền bù từ 44 tỷ đồng đến khi được nhận chỉ còn là 40 triệu đồng!? Điều đáng nói lúc này, chính là tiến độ thực thi luật đã không như mong mỏi của cộng đồng và cũng không đảm bảo được như yêu cầu. Những quan ngại Cho dù có hiệu lực từ 1/1/2010, nhưng đến tháng 3 vừa rồi, nghị định hướng dẫn Luật TNBTCNN mới được xây dựng xong. Và để luật có thể vào được đời sống, còn cần tới 6 thông tư hướng dẫn. Luật gia Trần Hữu Huỳnh không phải không có lý khi quan ngại về tính khả thi của Luật. Bởi ông phân tích, luật muốn vào cuộc sống phải tùy vào độ quyết tâm của Nhà nước. Quan hệ giữa nhà nước và người dân rất rộng và phong phú chứ không chỉ khuôn trong 4 lĩnh vực mà Luật quy định. Chẳng hạn như, Luật chưa xét đến trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai thì ai phải chịu trách nhiệm, đền bù thế nào? Bởi một văn bản sai lầm có thể khiến cả một ngành sản xuất điêu đứng. Một lo ngại nữa cũng rất thực tế, nếu xem xét, cả luật, nghị định rồi đến thông tư hướng dẫn, có thể thấy có đến hàng trăm điều khoản. Chính “rừng” quy định này cũng đủ để khiến luật khó thực thi, ông Huỳnh chỉ ra. Trong khi đó, cũng điều luật tương tự, tại Nhật Bản chỉ gói gọn trong 6 điều. Tuy cũng có ý kiến cho rằng, luật được triển khai chậm không quan trọng bằng việc được triển khai thế nào, nhưng ông Huỳnh thì lại đặt vấn đề: “Nghị định chậm, rồi thông tư chưa biết bao giờ mới có, cũng có thể cho thấy độ chưa sẵn sàng của Nhà nước.” Thực thi thế nào cũng là câu hỏi khiến luật gia này trăn trở. Bởi để thực thi được luật đòi hỏi bước chuẩn bị và những đầu tư đồng bộ về con người, bộ máy cũng như khả năng tài chính. Trong khi sức chịu đựng về tài chính cho đền bù oan sai của Nhà nước có hạn, thì cần phải xây dựng, phát triển đội ngũ và cơ quan quản lý vận hành cho tốt, hạn chế tối đa những oan sai. Bản thân Nhà nước, cơ quan quản lý phải có bước chuẩn bị, nhưng dường như điều này chưa được chú trọng đúng mức. Ông Huỳnh cho rằng, đây mới là chìa khóa quyết định thành công của Luật. Thêm nữa, khi đã có Luật TNBTCNN thì cũng cần sớm hoàn thiện Luật Khiếu nại tố cáo. Không sửa đổi cơ bản luật này, thì luật mới ra cũng không khả thi, ông Huỳnh “chốt” lại. Lưu Hương

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2010040709466377cat103/luat-trach-nhiem-boi-thuong-cua-nha-nuoc-tre-hen-den-bao-gio.htm