Luật lao động 2012 sửa đổi: Người lao động lợi, doanh nghiệp thiệt ?

(NDHMoney) Với việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật lao động 2012 như tăng lương thử việc, kéo dài thời gian nghỉ thai sản...nhiều người lo ngại rằng trong khi lợi ích của người lao động được nâng lên thì doanh nghiệp lại chịu thiệt khi chi phí lao động tăng cao

Ảnh minh họa

Với nhiều quy định mới, các luật mới này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ lao động và hoạt động kinh doanh của người sử dụng lao động. Bàn về vấn đề này, công ty Baker & McKenzie đã trình bày một số tác động của các luật mới đến chi phí của các công ty (người sử dụng lao động) trong khuôn khổ của chương trình Diễn đàn Doanh nghiệp 2012. Những chi phí trực tiếp ảnh hưởng đến Doanh nghiệp được Baker & McKenzie đề cập trong báo cáo như việc tăng lương thử việc, tăng lương theo vùng, kéo dài thời gian nghỉ thai sản...

Tăng lương thử việc/tối thiểu theo vùng/làm thêm giờ ảnh hưởng lớn đến quỹ lương của Doanh nghiệp

Theo BLLĐ 1994, lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% lương
chính thức nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước. BLLĐ 2012 tăng mức tối thiểu đối với lương của người lao động trong thời gian thử việc lên ít nhất 85% lương chính thức và mức lương này cũng không được thấp hơn mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước. Mặc dù sự thay đổi sẽ có lợi hơn cho người lao động, nhưng nó có thể dẫn đến việc tăng quỹ lương mà người sử dụng lao động sử dụng để trả cho người lao động.

Lương tối thiểu theo vùng được Nhà nước quy định trong từng thời điểm để đảm bảo thu nhập và đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Lương tối thiểu theo vùng được chia thành 4 nhóm căn cứ khu vực địa lý. Lương tối thiểu theo vùng hiện tại là 2.000.000 VND cho Khu vực 1, 1.780.000 VND cho Khu vực 2, 1.550.000 VND cho Khu vực 3 và 1.400.000 VND cho Khu vực 4. Tăng lương tối thiểu theo vùng dẫn đến tăng tổng số tiền lương cho người lao động nói chung bởi vì nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại thang bảng lương để tuân thủ và phản ánh mức tăng lương tối thiểu theo vùng.

Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu chung/ theo vùng cũng dẫn đến tăng số tiền đóng bảo hiểm xã hội nói chung của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Mức lương làm thêm giờ cho công việc làm vào ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ phép theo BLLĐ 1994 là ít nhất 300% tiền lương thông thường, được hiểu là bao gồm 100% tiền lương thông thường và 200% tiền lương cho làm thêm giờ. Tuy nhiên, theo BLLĐ 2012, lương làm thêm giờ cho công việc làm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương cho người lao động hưởng lương ngày là ít nhất bằng 300% tiền lương thông thường cộng với lương thông thường cho ngày nghỉ lễ / ngày nghỉ có hưởng lương đó.

Đối với lao động làm việc vào ban đêm, ngoài lương làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm theo quy định của BLLĐ 1994, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm cũng được trả thêm 20% tiền lương thông thường cho công việc làm vào ban ngày.

Việc tăng tiền lương làm thêm giờ nêu trên mang lại nhiều lợi ích hơn cho người lao động; tuy nhiên, các quy định này sẽ dẫn đến tăng quỹ lương của doanh nghiệp.

Tăng thời gian nghỉ thai sản gây khó khăn cho việc sắp xếp nhân sự của Doanh nghiệp

Việc tăng số ngày nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ thai sản dẫn đến những thay đổi lớn về chế độ nghỉ dành cho người lao động. Theo BLLĐ 2012, số ngày nghỉ Tết Âm lịch được tăng từ 4 ngày lên 5 ngày (tăng một ngày).

Về chế độ nghỉ thai sản, thời gian nghỉ thai sản hiện tại của Việt Nam (cụ thể là, 4 tháng trong điều kiện lao động bình thường, trừ một số trường hợp nhất định lao động nữ có thể được nghỉ thai sản 5 hoặc 6 tháng) là tương đối dài so với các nước khác trong khu vực Châu Á (ví dụ như, 4 tuần tại Brunei, 6 tuần tại Philippine, 10 tuần tại Hồng Kông, 3 tháng tại Indonesia14,v.v…). BLLĐ 2012 tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, điều này một mặt mang lại rất nhiều lợi ích cho lao động nữ, như có nhiều thời gian dành cho con nhỏ, thời gian nghỉ dài hơn mà vẫn nhận đủ lương do bảo hiểm xã hội chi trả dưới hình thức trợ cấp thai sản. Tuy nhiên quy định này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sắp xếp nhân sự thay thế cho lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản và có thể gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động và công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, điều này có thể làm gia tăng tình trạng phân biệt đối xử khi tuyển dụng, hoặc sử dụng lao động nữ trong khi các quy định và việc thực thi quy định về chống phân biệt đối xử về giới vẫn còn khá nghèo nàn tại Việt Nam hiện nay.

Người lao động được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ 2 lần/ năm và quy định mới về Quỹ công đoàn tăng chi phí cho Doanh nghiệp

Theo BLLĐ 1994, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 1 lần/ năm bao gồm cả người học nghề. Việc khám sức khỏe 2 lần/ năm được áp dụng đối với lao động làm công việc nặng, độc hại. Tuy nhiên, BLLĐ 2012 mở rộng đối tượng người lao động được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ 2 lần/ năm bao gồm lao động nữ (khám chuyên khoa phụ sản), lao động tàn tật, lao động chưa thành niên và người lao động cao tuổi. Quy định mới này có thể làm tăng chi phí của người sử dụng lao động trong việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Theo Luật Công đoàn 1990, quỹ công đoàn hình thành từ phí công đoàn do người sử dụng lao động đóng góp ("Phí Công Đoàn"), phí thành viên ("Đoàn Phí") và các khoản thu khác. Phí Công Đoàn chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở với mức đóng là 2% tổng quỹ lương trả cho người lao động trong nước đối với doanh nghiệp trong nướcvà 1% tổng quỹ lương trả cho người lao động trong nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, Phí Công Đoàn không áp dụng đối với các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) mà không có tổ chức công đoàn cơ sở.

Tuy nhiên, Luật Công đoàn 2012 quy định mức Phí Công Đoàn 2% tính trên quỹ lương người sử dụng lao động dùng để đóng bảo hiểm xã hội, sẽ áp dụng cho tất cả các công ty bất kể công ty đó là công ty trong nước hay công ty có vốn đầu tư nước ngoài; và bất kể công ty đó có tổ chức công đoàn cơ sở hay không. Quy định mới này có thể làm cho các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, phải chi trả nhiều hơn cho Phí Công Đoàn - thứ mà họ không phải chi trả trước đó.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s02/-/journal_content/luat-lao-dong-2012-sua-doi:-nguoi-lao-dong-loi-doanh-nghiep-thiet