Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thu phí là gánh nặng lớn của dân trong thời “bão giá”

Liên quan đến các loại phí mà Bộ Giao thông vận tải vừa liên tiếp trình lên Chính phủ, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất của việc thu phí là nhằm vào hạn chế xe cá nhân để chống ùn tắc giao thông, tuy nhiên đây không phải là vấn đề cốt lõi mà còn là "gánh nặng” với người dân trong thời buổi "bão giá”, và "phí chồng phí”.

Liên quan đến các loại phí mà Bộ Giao thông vận tải vừa liên tiếp trình lên Chính phủ, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất của việc thu phí là nhằm vào hạn chế xe cá nhân để chống ùn tắc giao thông, tuy nhiên đây không phải là vấn đề cốt lõi mà còn là "gánh nặng” với người dân trong thời buổi "bão giá”, và "phí chồng phí”.

Luật gia Lê Hiếu Đằng

- Thứ nhất là việc thu phí với mục đích gì, ở đây cũng không được làm rõ. Để duy tu bảo dưỡng cầu đường hay là để chống kẹt xe thì cần phải nói rõ. Nếu là duy tu bảo dưỡng cầu đường thì đã có trong các loại thu khác rồi. Thứ hai nếu nói là chống kẹt xe thì cũng không phải. Ví dụ nếu xe máy có tăng phí bao nhiêu thì người ta vẫn phải bấm bụng để đi, vì xe gắn máy là phương tiện thiết yếu, miếng cơm manh áo, phương tiện kiếm sống của người dân. Có nhiều lần tôi cũng đã nói, việc dùng biện pháp thu phí sẽ là đẩy khó khăn cho người dân, trong khi đây không phải là biện pháp hữu hiệu, bởi căn bản của việc chống kẹt xe là phải mở rộng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện để người dân đi lại. Từ đó họ sẽ có sự lựa chọn phương tiện công cộng. Hiện nay, có thể nói xe máy là phương tiện đi lại chính và nguồn sống của người dân. Còn đối với xe ô tô cần phải thu một mức hợp lý nhất định, nhưng cũng không thể tăng mức cao quá như vậy được. Do vậy, nếu thu phí xe ô tô thì không nên thu phí xe máy, để cho người thu nhập thấp bớt gánh nặng. Như thế mới cân bằng và phù hợp.

Vậy ông có cho rằng, việc thu phí liên tiếp như vậy sẽ giảm được ùn tắc giao thông?

- Cách đây 10 năm tại HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa 4, tôi đã đưa ra ý kiến rằng cần xây dựng đường trên cao hoặc đường ngầm. Tuy nhiên, việc xây dựng đường ngầm thì nhiều tốn kém, vì vậy chỉ có phương án xây dựng đường trên cao. Nhiều nước trên thế giới cũng đã làm như vậy. Ngay con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối liền sân bay Tân Sơn Nhất vào đến TP.Hồ Chí Minh, nếu ta xây dựng đường trên cao thì sẽ không phải tốn nhiều tiền giải phóng mặt bằng. Đáng ra vấn đề này cách đây 20 năm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, và TP. Hồ Chí Minh, chúng ta phải tính đến phương án này rồi. Chứ nếu mở rộng đường thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và không giải quyết triệt để được vấn đề do quỹ đất dành cho giao thông tại các thành phố hiện nay còn quá hạn hẹp.

Theo ông chúng ta có nên áp dụng các loại phí vào thời điểm hiện tại, và các cơ quan vì quyền lợi nhân dân, đại diện cho nhân dân như Mặt trận, và Quốc hội nên có động thái gì trước các đề xuất này?

- Nếu phải thu thì chúng ta phải có lộ trình chứ năm nay, giá xăng, và gas đều tăng kéo theo các giá tiêu dùng sinh hoạt khác mà giờ lại tăng phí các loại xe thì dân phải gánh một lượng phí rất là lớn. Theo tôi, trong vấn đề này Mặt trận phải có ý kiến và văn bản chính thức đề nghị Chính phủ cân nhắc xem xét kỹ vấn đề này. Chúng ta không nên tăng các phí quá đột ngột. Đặc biệt, nếu đề án phí được Chính phủ trình tại Quốc hội thì Quốc hội cũng phải có ý kiến để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=48232&menu=1479&style=1