Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017

(HQ Online)- Chiều ngày 25-11, Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành.

ĐB Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Phí và lệ phí. Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ quy định các dòng phí

Theo Điều 4 Luật Phí và lệ phí, Danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật. Luật cũng giao Chính phủ quy định cụ thể đến dòng phí để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phí và lệ phí, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu (ĐB) nhất trí với việc cần quy định Danh mục phí, lệ phí kèm theo Dự thảo Luật. Các ĐB cũng đề nghị làm rõ nội hàm của các khoản phí, lệ phí.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do mỗi khoản phí, lệ phí có tính chất, nội dung kinh tế khá rộng, mỗi khoản phí có nhiều dòng, lại thể hiện cách tính và mức thu khác nhau, nếu quy định chi tiết đến từng dòng phí, lệ phí ngay trong Luật sẽ không khả thi.

Vì vậy, Luật đã quy định, giao Chính phủ quy định cụ thể đến dòng phí để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn nhưng phải bảo đảm không phát sinh tăng thêm các khoản phí, lệ phí đã quy định trong Luật.

Về đề nghị làm rõ nội hàm của từng khoản phí, lệ phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Danh mục phí, lệ phí khá lớn, nếu quy định ngay trong Luật để làm rõ nội hàm của từng khoản phí, lệ phí là khó khả thi. Do đó, Ủy ban đề nghị Quốc hội cho phép giữ như Dự thảo Luật. Việc quy định cụ thể và giải thích nội hàm của từng khoản phí, lệ phí được quy định tại các luật chuyên ngành, các nghị định và thông tư hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương được giao thẩm quyền quy định từng khoản phí và lệ phí.

Công khai mức thu phí

Theo Luật Phí và lệ phí, tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí phải được niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí. Đây là một điều khoản mới được bổ sung sau khi tiếp thu ý kiến của ĐB Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định hiện hành, văn bản quy định thu phí, lệ phí phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan phát hành và trang thông tin điện tử của Chính phủ. Do đó, để công khai rộng rãi các khoản thu phí, lệ phí, Luật đã bổ sung quy định công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí vào khoản 1 Điều 14.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, cũng có ý kiến ĐB đề nghị sửa đổi Khoản 5 Điều 22 theo hướng: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc đề xuất bổ sung hoặc bãi bỏ các khoản phí, lệ phí trước khi đề xuất với Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến ĐB, Luật đã bổ sung quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo xin ý kiến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xem xét, cho ý kiến về các khoản phí, lệ phí cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tại khoản 2 Điều 21.

Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy là để Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như các bộ, ngành có liên quan có đủ thời gian ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật, bởi trước đó có ý kiến ĐB đề nghị Luật có hiệu lực ngay từ 1-7-2016.

“Lĩnh vực cung ứng dịch vụ công thực hiện thu phí và lệ phí là khá rộng, đòi hỏi các văn bản hướng dẫn thực hiện luật của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như các bộ, ngành có liên quan là khá lớn, chưa kể số lượng văn bản quy định các khoản phí, lệ phí của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành. Nếu quy định hiệu lực thực hiện từ ngày 1-7-2016 sẽ không đảm bảo thời gian cho việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến để thực hiện Luật.

Mặt khác, việc quy định hiệu lực của Luật cũng đảm bảo phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-1-2017” - báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Một số ý kiến ĐB đề nghị cân nhắc việc quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, những trường hợp cá biệt cho phép việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố phải do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch và công khai sử dụng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đúng như ý kiến ĐB Quốc hội, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu ngân sách khá lớn của nhiều đô thị. Việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của ngân sách.

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến ĐB cũng đề nghị chuyển mạnh phí, lệ phí sang cơ chế giá. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa, cần thiết phải chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tuy nhiên, phí dịch vụ do Nhà nước cung cấp chủ yếu mang tính phục vụ, việc chuyển sang cơ chế giá và do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước thực hiện sẽ tính đủ chi phí và có lợi nhuận, có thể làm tăng giá dịch vụ. Do đó, việc chuyển một số loại phí sang cơ chế giá đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ và có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/luat-phi-va-le-phi-co-hieu-luc-tu-1-1-2017.aspx