Long thành cầm giả ca - Một thời tao loạn, một đời tương tư

(TGĐA) - Bài thơ nổi tiếng về cô nương gảy đàn ở đất Long Thành xưa của đại thi hào Nguyễn Du đã được Văn Lê (biên kịch) và Đào Bá Sơn (đạo diễn) chế tác thành phim cùng tên Long Thành cầm giả ca. Sau gần 200 năm xa biệt, mối tình đắm chìm bi thương của đôi trai tài gái sắc cùng với khuôn mặt hớt hải của xã hội một thời loạn lạc được phục hiện khá da diết, đằm thắm, thấm đẫm dấu ấn Việt truyền thống.

Câu chuyện phim trải dài theo cuộc đời của ca nương từ thuở thơ trẻ cùng mẹ, kinh qua bao chặng đường nổi chìm cùng nghề đàn hát, ôm ấp mối tình thiết tha tuyệt vọng cho đến lúc tấp về lại chốn quê, khi sức tàn lực kiệt. Chìm nổi của cuộc đời Cầm gắn với phong ba đất nước một thời triều chính biến động, kiêu binh càn rỡ bắt nạt dân lành. Chìm nổi cuộc đời Cầm còn gắn với thân phận long đong của Tố Như, một hồn thơ trắc ẩn chốn quan trường, từ khi thi đỗ tam trường, được sắc phong Chánh Phủ Thái Nguyên, trải sau biến cố được cử làm quan Chánh thư rồi quan Chánh sử. Băng qua quãng thời gian dài từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, lịch sử đất nước chứng kiến những đổi thay sâu sắc từ thời Lê - Trịnh, đến Tây Sơn rồi sang Nguyên sở. Thời cuộc trong phim trở thành chứng nhân đặc biệt luôn bám sát, chứng kiến, chi phối khúc tình sử lâm ly đầy ẩn ức giữa Tố Như với nàng Cầm. Đó là hệ quả hiển nhiên của sự phân cách giai tầng giữa một vị quan cao quý với một ca nương vô loài. Mối tình ẩn ức ấy còn là sự cách biệt xa vời giữa người đàn ông đã yên bề gia thất với cô gái thuộc hạng giang hồ trong khung lồng của chế độ phong kiến. Tấn bi kịch tình trường nối dài lê thê theo mỗi bước chân trầm luân của người con gái, như minh chứng cho những điềm báo khắc nghiệt được các tác giả khéo léo cài chốt bằng hàng loạt chi tiết ẩn dụ ở khắp bộ phim. Những điềm báo ấy mang hình bóng tâm linh vừa huyền bí vừa thực đổi mềm thương, gây xót xa sâu thẳm. Đó là Gái thuở bé cũng như Cầm sau này bên con giếng đơn độc nơi bìa làng, là cái tài oái oăm của Cầm biết khóc một mắt (để mắt kia còn tỉnh táo nhìn đời). Đó còn là tấm biển mang chữ “vận may” đầy hàm ý tương phản được treo lộ trước hiên nhà, xuất hiện lặp lại cả trước lẫn sau cơn tao loạn đầy biến động. Đó cũng là lời hát của lũ trẻ làng, tiên báo những bất trắc tương lai cho thân phận ca nương … và còn là nổi hãi sợ ngây thơ của cô gái khi chạm vấp đến hai chữ “tương tư”, là cảnh đàn bị đứt dây khi Cầm so phím cũng như khi nghe lời thầy dạy: “Con muốn nên người thì phải chịu khó hơn người” và “tiếng hát là tiếng khóc, tiếng đàn là tiếng than” … Thân phận Cầm - một ca nương, là thân phận nữ nhi thời quốc loạn, đại diện cho người mẹ, người dì và bao phận gái truân chuyên khác thời bấy giờ. Sau ba chìm bảy nổi, khi đã luống tuổi, khi thân phận của mỗi người đã được an bài, Cầm lại tái ngộ Tố Như trong bâng khuâng buồn tủi. Giọng đàn lảnh lót u huyền của nàng lúc này đã đằm lắng bao nổi đoạn trường. Khi Tố Như nhắc lại hai chữ “ngày xưa”, lập tức giọng nàng đầy giông gió: “Ngày xưa đã chết rồi! Lúc còn xuân sắc thiếp đã muốn hiến dâng cho quan lớn, nhưng quan lớn đã khước từ!” Chính đấy là lời than khóc cuối cùng tiễn biệt mối tình tuyệt vọng của một kiếp cầm ca! Ở cuối phim, trong cảnh sức cạn tình kiệt, Cầm thất thểu kéo lê cây đàn cố tri lần về góc giếng tương tư ngày nào, cùng lúc hiện lên mảnh giấy bài thơ đang dập dềnh trôi dạt trên mặt nước … Hoạt cảnh này hàm chứa những ý nghĩa ẩn dụ sâu xa, tuồng như bài thơ kia chẳng khác một kiếp người trôi dạt, và kiếp người trôi dạt này đã vận vào bài thơ như một định mệnh…. Tố Như, nhân vật đại diện lớp trí thức trẻ thức thời, đồng cảm với vận nước nhưng bất lực trước thời cuộc. Phút giao nhãn giữa chàng thư sinh với cô gái mới chớm nghề đàn hát ở chốn chợ quê đã trở thành biến cố bất ngờ, gắn kết số phận hai người, mở ra cuộc trường chinh tình cảm đầy truân chuyên. Với nàng, chàng là tình yêu duy nhất và là điềm tựa vô vọng. Với chàng, nàng là niềm an ủi cháy lòng, cũng là nỗi đau triền miên một kiếp. Duyên tình giữa họ được các tác giả đặt vào trung tâm câu chuyện phim, nối mạch khăng khít với bối cảnh lịch sử đất nước. Xem phim, người xem dễ dàng nhận ra nỗi bất hạnh mà hai nhân vật phải mếm trải luôn gắn với những biến động xã tắc. Văn Lê đã dựng lên tấn bi kịch hoàn hảo với đường dây cốt truyện phức hợp, số phận nhân vật đầy đặn và bộ mặt xã hội đa màu, tất cả toát lên sắc thái mê hoặc, đặc sánh tính chất Việt Cổ. Hàng loạt chi tiết đậm ẩn ý (giếng tương tư, cây đàn đứt dây, nghề đàn hát mẹ truyền con nối …) được tác giả cài đặt khéo léo và khớp chặt vào nhau, tạo nên niềm mê tín dân gian rất mực thuần phác. Chính sắc thái này đã góp phần quan trọng làm nên giá trị tác phẩm. Như các loại kịch bản khác, kịch bản phim lịch sử cũng là tác phẩm hư cấu, cũng được dựng nên trên đôi cánh tưởng tượng sinh động cùng ý thức tôn trọng bản chất lịch sử của tác giả. Kịch bản Long Thành cầm giả ca đã đem lại một khai mở bổ ích cho quá trình đẩy mạnh làm phim lịch sử trong giai đoạn hiện nay. Đó là thái độ cẩn trọng, trung thành với các sự kiện chính yếu, nhân vật chính yếu, tính chất chính yếu mang sắc thái hồn cốt của lịch sử. Bên cạnh đó hoàn toàn có thể và cần sáng tạo hàng loạt yếu tố phụ nhằm gây hấp dẫn qua hệ thống sự kiện, tình huống, tính cách, phẩm hạnh nhân vật. Để làm được, nhà biên kịch cần phải nghiên cứu rộng rãi nhiều tư liệu lịch sử có liên quan, chẳng những về chính trị, xã hội, mà còn cả về văn hóa, phong tục, thói quen đặc trưng của thời kỳ lịch sử. Chi tiết lịch sử có chỗ đứng quan trọng trong câu chuyện lịch sử, đặc biệt là chi tiết hạt nhân. Các chi tiết hạt nhân có khả năng xác lập giá trị lịch sử của câu chuyện luôn cần được miêu thuật sát hợp với bản chất sự thật lịch sử. Trong lúc đó, hệ thống chi tiết phục vụ ý đồ sáng tạo của tác giả lại có thể được hư cấu hợp lý để xây đắp hoàn chỉnh hình tượng nhân vật cũng như hình tượng tác phẩm. Chính đấy là thư pháp cần thiết để biến câu chuyện lịch sử trở nên có hồn cốt xương thịt của đời sống thường nhật, đồng thời có thể tô đậm hàm lượng tiểu thuyết cho hình ảnh. Một khi xây dựng hình tượng đạt tới mức có thể gắn nhân vật với lịch sử, hay nói cách khác là biến nhân vật thành con đẻ của lịch sử, thì lúc đó, tác phẩm sẽ có cơ hội đồng thời giành được giá trị chân thực lịch sử lẫn giá trị sáng tạo nghệ thuật. Như vậy, với đề tài lịch sử, yếu tố sáng tạo (có căn cứ) luôn giữ vai trò hết sức quan trọng. Nó giúp tránh khô khan, tản mạn, xa rời cuộc sống đời thường - nguyên nhân tạo cách biệt giữa người xem đương thời với lịch sử. Kịch bản Long Thành cầm giả ca đã tích tụ hàng loạt chi tiết sáng tạo có giá trị văn học, vừa bay bổng lãng mạn vừa sát thực cuộc sống. Lời thoại ở nhiều chỗ không chỉ dùng giao tiếp mà còn bao hàm ý nghĩa xã hội, vẽ lên chẳng những bộ mặt mà cả bầu không khí sống động của làng quê Việt một thời, qua các mối quan hệ gia đình, thầy trò, làng nước … Cầm là nhân vật từ khởi nguồn đã được đặt trong trạng thái phát triển sâu về văn học. Tuy nhiên, từ sau khi xuất hiện nhân vật Tố Như, Cầm đã phần nào bị che khuất. Hiện tượng này có phần làm uổng phí quá trình chuẩn bị khá công phu trước đó đối với sự xuất diện của nhân vật Cầm. Trong trường hợp này, để hình tượng tố Như được chạm khắc đậm nét như mong muốn đồng thời giữ được mối tương quan hợp lý với vai trò của nhân vật Cầm, biện pháp tối ưu là càng phải tập trung mổ xẻ khắc họa sâu hơn thân phận nhân vật Cầm nhằm làm cho nhân vật này nổi bật hơn nữa. Phim có hai tuyến chính phát triển song hành - cuộc đời của hai nhân vật trung tâm và thời cuộc đất nước. Hai tuyến này hình thành, phát triển bên nhau và trong nhau. Sự nương tựa của tuyến này đối với tuyến kia giúp câu chuyện phim phát triển vững chắc và có căn cứ. Tuy nhiên, khi tạo tác hai tuyến song hành mà cùng quan trọng như nhau, tác giả đã tự đẩy mình vào thế nan giải khi phải vất vả xử lý mối quan hệ quân bình hỗ tương giữa hai tuyến đó. Rõ ràng là, khi gia tăng cường độ mô tả tuyến lịch sử thì câu chuyện phim sẽ bị sự kiện hóa; ngược lại, khi tăng cường miêu thuật tuyến nhân vật thì câu chuyện phim sẽ nghiêng theo chiều tiểu thuyết hóa. Trong trường hợp này, nhấn mạnh tuyến nhân vật sẽ đem lại cho tác giả nhiều lợi ích hơn. Nó giúp dễ dàng hơn trong việc làm sâu sắc ý nghĩa nhân văn của câu chuyện, đồng thời có khả năng gây ấn tượng sâu đậm hơn đối với người xem. Đồng nghĩa với việc này là cần cắt ngắn các cảnh đám đông binh mã đâm chém lẫn nhau, cũng như giản lượt các cuộc chạy loạn của cư dân. Chính do nguyên nhân trên, cả hai nhân vật Cầm và Tố Như đều chưa được khai thác tận cùng để có thể bộc lộ đầy đủ thân phận và tính cách, nhất là Tố Như, chưa bộc lộ rõ là một tâm hồn thơ thâm trầm, sâu sắc, lãng mạn và quyết liệt như thế nào. Bộ phim đã được Đào Bá Sơn chế tác hết sức nghiêm túc và say đắm. Thái độ tôn trọng lịch sử được biểu lộ rất rõ qua các khâu thiết kế mỹ thuật, dàn dựng bối cảnh, chọn lựa trang phục, huy động đạo cụ … Các tác giả đã ý thức sâu sắc hiệu quả tạo hình có thể mang lại giá trị thẩm mỹ độc đáo ra sao khi sử dụng màu nâu làm tông màu chủ đạo cho toàn bộ tác phẩm. Đó là sắc màu đặc trưng thể hiện đất mẹ, là màu của mái ngói làng quê, của đời sống nông dân Bắc bộ, và của nền văn minh lúa nước… Tông nâu được thể hiện nhất quán, xuyên suốt qua các bối cảnh trong nhà, ngoài trời cũng như qua trang phục, đạo cụ và tuồng như được làm cho nhiễm lắng cả trong ký ức của người xưa. Một số chi tiết, vật dụng đã được các tác giả chọn lựa sử dụng khá sành điệu, bộc lộ đặc biệt rõ nét sắc thái hồn Việt và dấu ấn ngôn ngữ điện ảnh. Trong đó có những cảnh độc đáo luyện tay đàn qua chậu nước thuốc, luyện giọng hát qua miệng lu sành… Còn có con “giếng tương tư” - vật chứng ba lần đón Cầm với ba thời điểm tiêu biểu của cuộc đời nàng: thuở đầu đời rời quê lên kinh, lúc chạy loạn trở về và ngày cuối đời quay lại. Suốt phim, tiếng đàn réo rắc ai oán, giọng hát thống thiết bi thương của Cầm luôn dội từng cơn, từng cơn đau buốt vào lòng Tố Như cũng như vào tâm thức người xem. Bối cảnh nói chung được dàn dựng công phu, nhưng vẫn không tránh khỏi ở vài cảnh dựng lại đã để lộ bàn tay sắp đặt thiếu khéo léo khi đặt khu phố chợ với những túp lều tranh mới nguyên bên cạnh những dãy nhà gạch cũ kỹ. Bộ phim toát lên vẻ đẹp thi ca đằm thắm vương màu cổ xưa. Nhiều hình ảnh mang chiều sâu tâm trạng của con người và phảng phất chất trữ tình thấm đượm niềm háo hức thanh xuân lẫn thân kiếp sầu tủi. Hình ảnh phim, về đại thể, được trau chuốt khá kỹ lưỡng, chỉ tiếc là trong phim có quá nhiều trung cảnh trong lúc hiếm thấy những cận cảnh hoặc đặc tả đắt giá. Câu chuyện phim được kể thư thái trong một nhịp điệu sâu lắng phù hợp với chủ đề phim cùng hoàn cảnh nhân vật, hiện hình một dáng điệu riêng của phong cách tự sự tâm lý. Âm nhạc phim dự phần tích cực vào thành tựu của phim, do Quốc Trung thực hiện. Các bản hòa tấu, các làn điệu dân ca, các bản ca trù được thể hiện hoàn toàn bằng các loại nhạc cụ dân tộc, hỗ trợ hiệu quả hình ảnh cũng như nội dung tác phẩm. Dàn diễn viên được tuyển chọn phù hợp với từng vai, nhất là với các vai trung tâm. Diễn xuất của Nguyễn Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh rất xuất sắc, hòa điệu nhịp nhàng với cuộc sống nhân vật cũng như với bầu không khí trầm lắng và oi nồng riêng có của hoàn cảnh câu chuyện. Cả hai diễn viên đều kết hợp hài hòa kỹ thuật diễn xuất hành động với diễn xuất tâm trạng. Sâu lắng mà không cường điệu, chân thực mà không giản đơn. Đôi diễn viên chính đã khắc họa hình tượng Tố Như và nàng Cầm như những tượng đài nổi bật. Nếu diễn xuất của Ngọc Ngoan làm bật lên một hình ảnh thư sinh nặng lòng trắc ẩn mà lực bất đồng tâm, thì nghệ thuật biểu hiện của Kim Anh làm lộ rõ một đóa sen hồng đậm hương giữa chốn bụi trần. Trong cảnh Tố Như cùng Cầm chuốc rượu nhau tại cuộc tái ngộ cho thấy nét diễn tinh tế của nữ diễn viên: trong men rượu, nàng có cử chỉ muốn trao tình cho Tố Như mà bị chàng lảng tránh, nàng đã ngước nhìn chàng bằng đôi mắt tiếc nuối đầy ngỡ ngàng xao xuyến, và ngay sau đó liền dứt khoát tự cởi áo mình ra với một vẻ bạo liệt đầy nữ tính… Cung cách diễn lắng đọng, mềm mại, gắn cử chỉ ngoại hình với diễn cảm nội tâm đã đưa hai vai diễn này đến gần kề nhân vật, đạt tới đỉnh cao nhất định, không chỉ với riêng điện ảnh trong nước. Long Thành cầm giả ca cùng với Khát vọng Thăng long, Tây Sơn hào kiệt …. ra đời vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng long đã mở ra bước ngoặt cho dòng phim lịch sử tâm lý võ hiệp Việt Nam cuộn chảy trong tương lai. Kinh nghiệm chế tác mà Long Thành cầm giả ca cùng các phim lịch sử khác đem lại là rất lớn và toàn diện. Nó chẳng những giải tỏa các khúc mắc về tâm lý của nhà làm phim trong thời điểm mở đầu khó khăn, mà còn bước đầu giải mã được phương pháp khai thác - thể hiện sử liệu Việt qua ngôn ngữ điện ảnh, tạo ra dòng tác phẩm sử thi thuần Việt, không Tàu cũng không Hàn.

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/newsdetail/muon_mat_dien_anh/20982/news.htm