Lời Bác dặn soi đường Xuân đổi mới

GD&TĐ - Vốn là một thầy giáo tâm huyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu không chỉ có giá trị trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục của đất nước thời đó, mà vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nước ta hiện nay.

Nhất niên chi kế thủy ư xuân

Năm Giáp Thân (1944): Đầu năm, Bác vừa ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Người tích cực thực hiện tập hợp các nhà cách mạng hoạt động ở Hoa Nam vào mục đích cứu quốc do Đồng minh hội chủ trương.

Xuân Giáp Thân, Bác viết bài báo Chào xuân đăng trên báo Đồng minh, có nội dung: “Sau mùa đông lạnh lẽo, muôn vật tiêu điều và tạo hóa lại cho mùa xuân mang đến cho thế gian những vẻ tốt tươi ấm áp, muôn hoa tươi thắm, ngàn lá đua xanh. Loài động vật cũng nhờ xuân mà khôi phục lại sinh khí.

Vậy nên gọi là Xuân sinh. Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa xuân và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày xuân để sắp đặt các kế hoạch hoạt động và sống còn cho cả năm, nên tục ngữ có câu: “Nhất niên chi kế thủy ư xuân” (nghĩa là suốt năm kế hoạch định từ mùa xuân).

Trong bài báo, Người tổng kết các thắng lợi của phe Đồng minh chống phát xít và có lời kêu gọi: “Đoán trước để xét sau, xem sự chuyển biến nói trên thì chúng ta có thể nói rằng xuân này sẽ là một xuân thắng lợi cho mặt trận phản xâm lược. Xuân là xuân chung, vậy chúng ta phải gắng hết sức công tác thế nào cho Đồng minh hội chúng ta cũng có phần thắng lợi chung ở đồng minh lớn kia. Vậy xin kết luận vài lời nôm na rằng: “Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng/Viết bài chào Tết, chúc thành công”. (Tuyển tập 2011, Tập 3, trang 472 – 477)

Phải ra sức làm nhưng làm vội không được

Năm Bính Thân (1956): Lúc này miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, nhân dân thi đua kiến thiết cuộc sống mới, miền Nam tiến hành đấu tranh theo mục tiêu thực hiện Hiệp định Genève để hòa bình thống nhất đất nước.

Bác có bài chúc mừng năm mới: “Các cụ phụ lão mạnh khỏe và sống lâu. Đồng bào các giới đoàn kết một lòng, ra sức thi đua yêu nước và tiến bộ. Các cháu thanh niên hăng hái xung phong, các cháu thiếu nhi chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn. Quân đội ta học tập có kết quả tốt. Cán bộ quyết tâm làm tròn nhiệm vụ và thu nhiều thành tích tốt...”. (Tuyển tập 2011, tập 10, trang 235)

Trong năm 1956, Bác có nhiều bài nói chuyện với ngành Giáo dục. Xin thuật lại một số nội dung sâu sắc như sau:

Bài nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc ngày 23/3/1956 có lời dặn đọc lên còn thấy giữ nguyên tính thời sự cho cuộc đổi mới: “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. (Toàn tập 2011, tập 10, trang 291)

Bác nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp 1, ngày 12/6/1956, mà nội dung cho đến hôm nay có ý phương pháp luận đặc biệt cho người quản lý giáo dục: “Kháng chiến phải mấy nǎm. Vội không được. Giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh, điều kiện. Phải ra sức làm nhưng làm vội không được. Từ đây ra cửa thì thứ nhất là bước thứ nhất, thứ hai mới đến bước thứ hai rồi thứ ba mới là bước thứ ba. Vội thì ngã. Làm phải có kế hoạch, có từng bước”. (Toàn tập 2011, tập 10, trang 345)

Bác nói chuyện tại lớp hướng dẫn các giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị Sư phạm (vào trung tuần tháng 7/1956), Người lại nhấn mạnh đến mục tiêu dạy học. Bác ân cần khuyên giáo viên: “Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi đôi với thực hành… Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có mối quan hệ với nhau. Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm…”. (Toàn tập 2011, tập 10, trang 389)

Bức thư vô giá cho động thái phát triển đất nước

Năm Mậu Thân (1968): Bác có thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp vào năm học mới. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, có ý nghĩa vô giá cho động thái phát triển đất nước - vô luận ở hoàn cảnh nào.

1. Bác nói đến nhiệm vụ của thầy – trò: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho…”.

2. Bác nói đến thi đua Hai tốt phục vụ cho các mục tiêu cao cả: “Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.

3. Bác đề cập vấn đề tổ chức và quản lý nhà trường: “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và giải quyết đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường đảm bảo sức khỏe và an toàn”. Đáng lưu ý ở lời khuyên này, Bác nhấn mạnh đến vai trò của người học phải được huy động vào tiến trình quản lý.

4. Bác nói về dân chủ trong đời sống giáo dục: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.

Kết luận bức thư, Bác nói về sứ mệnh cao cả của giáo dục và trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước và thiết chế xã hội: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó, các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”. (Toàn tập 2011, tập 15, trang 507 - 508).

Lời dạy của Bác Hồ trong các năm Thân nói riêng và di sản giáo dục chung của Bác mãi mãi là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo đang diễn ra. Quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn các lời dạy của Bác về tư duy, hành động, đó là lời kêu gọi thiêng liêng đối với mọi người có trách nhiệm phát triển sự nghiệp giáo dục hiện nay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/loi-bac-dan-soi-duong-xuan-doi-moi-1621175-bt.html