Lo ngại “thả” giá xăng dầu

Với việc được tự quyết giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa phương án tăng nhỏ - dần - đều nằm trong quy định.

Sau công văn hỏa tốc của Bộ Tài chính mở cửa cho các doanh nghiệp tăng giá theo các phương án đã đăng ký vào sáng hôm nay (1/8), thì ngay đầu giờ chiều giá xăng dầu đã chính thức điều chỉnh tăng.

Bộ Tài chính đã phê duyệt mức tăng giá mà Petrolimex đã đăng ký, từ 14 giờ chiều hôm nay, giá xăng bán lẻ A92 sẽ có mức giá mới là 21.900 đồng/lít, tăng thêm 4,2%. Giá dầu diezen 0,5S có mức giá mới là 20.800 đồng/lít, giá dầu hỏa sẽ là 20.650 đồng/lít với tỷ lệ tăng thêm của 2 mặt hàng là 2,4%. Giá dầu madut là 18.150 đồng/kg, tăng thêm 2,8% so với giá cũ.

SaigonPetro tăng giá xăng dầu sớm hơn 1 tiếng so với thời điểm áp dụng của Petrolimex. Giá xăng tăng 900 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng 500 đồng/lít.

Doanh nghiệp quyết định giá

Đợt tăng giá xăng dầu lần trước hôm 20/7 diễn ra vào… ban đêm, khiến nhiều người bất bình vì quá bất ngờ. Trước đây mỗi đợt tăng giá xăng dầu đề được liên bộ Tài chính – Công thương tổ chức họp lên họp xuống, tính tới tính lui rồi mới quyết, còn giờ đây các đợt tăng giá dồn dập đem lại cảm giác việc tăng giá xăng là… chuyện thường ngày ở huyện.

Thị trường xăng dầu đang được quyết định bởi 11 DN đầu mối (Ảnh: Hồng Phú)

Chuyện giá xăng dầu nóng từ tuần trước, khi một số doanh nghiệp đầu mối đệ trình lên Bộ Tài chính phương án tăng giá. Cùng với đó là câu chuyện Bộ cho doanh nghiệp được quyền tăng giá xăng trong một biên độ nhất định. Điệp khúc “lỗ nặng” được các doanh nghiệp đưa ra thường xuyên hơn trong khi tính giá bán lẻ xăng dầu. Cơ quan quản lý cũng khó có cớ can thiệp khi doanh nghiệp đầu mối than lỗ.

Bộ Tài chính đã có nhiều năm nắm giá xăng dầu và loay hoay với các quyết định điều hành giá theo biến động của thị trường thế giới. Giờ đây Bộ này “thả” giá cho doanh nghiệp với điều kiện ràng buộc: Trong trường hợp các doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá do biến động thì phải đăng ký giá với Liên bộ (Tài chính và Công thương) để Liên bộ xem xét lựa chọn phương án xử lý phù hợp. Doanh nghiệp chỉ được định giá trong biên độ Nhà nước cho phép khi các yếu tố hình thành giá có biến động 7%.

Thị trường xăng dầu đang được quyết định bởi 11 DN đầu mối, nhưng có 3 “đại gia” gồm Petrolimex, Saigon Petro và PVOil nắm thị phần lớn mang tính quyết định. Trong đó 63% thị phần Petrolimex nhập khẩu và phân phối. Có nghĩa là giá bán đều nhìn vào Petrolimex. Câu chuyện độc quyền còn nặng nề thì thị trường không thể vận hành lành mạnh được.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường, khẳng định: Không thể có giá cạnh tranh khi vẫn còn độc quyền. Từ độc quyền nhà nước đang chuyển thành độc quyền doanh nghiệp.

Hai đợt tăng giá xăng dầu đi liền nhau chỉ sau 12 ngày cũng hé lộ chiến lược mới của các doanh nghiệp xăng dầu: Để tận dụng tối đa việc tự định đoạt giá xăng, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá xăng dầu theo thủ thuật nhỏ - dần - đều nằm trong quy định.

Bất ổn tâm lý

Mỗi đợt giá xăng dầu tăng đều gây tác động lớn tới tâm lý xã hội. Ngay trước thông tin tăng giá xăng, tại các cây xăng, dòng người người xếp hàng đổ xăng vào xe máy dài dằng dặc, mặc dù giá trị tuyệt đối của chênh lệch giá xăng mới và cũ trên mỗi bình xăng xe máy không lớn. Với bình xăng 4 lít, thì mức chênh này chỉ 3.600 đồng.

Mỗi đợt giá xăng dầu tăng đều gây tác động lớn tới tâm lý xã hội (Ảnh: Hồng Phú)

Chị Nguyễn Thu Hà ở quận Cầu Giấy cũng chen chân mua xăng đầu giờ chiều hôm nay tại cây xăng Nam Đồng, 185 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) lo ngại chi phí xăng dầu cả tháng của gia đình chị sẽ đội lên nhiều. “Lo quá nên người ta mới chen chân đổ xăng vì thông tin giá tăng” – chị nói.

Anh Phạm Văn Nam công tác tại Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị cho biết, Hiện tại gia đình anh có 3 xe máy, tiền đổ xăng mỗi tháng khoảng 1,5 triệu, giá xăng tăng khoản tiền này chắc chắn tăng thêm. Mặc dù gia đình anh thuộc loại có thu nhập cao, khoảng 16,5 triệu/tháng, nhưng chi phí cho xăng dầu vẫn là một khoản cố định không nhỏ với gia đình. Đó là chưa kể nỗi lo xăng dầu còn tiếp tục tăng giá nữa.

Sau hai đợt tăng giá dồn dập, người dân cảm thấy bất an với giá xăng dầu. “Tính toán của Nhà nước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng giảm, nhưng với gia đình tôi có thấy cái gì giảm đâu? Từ tiền ăn, tiền học, tiền điện, tiền nước đều tăng, nay lại thêm giá xăng dầu” – chị Thu Hà bức xúc.

Giá xăng một lần nữa lại tăng chỉ sau 12 ngày gây sốc với người dân. Tăng giá xăng dầu trong lúc chỉ số tiêu dung âm sẽ không làm biến động các chỉ số trên giấy, nhưng thêm gánh nặng với người dân và doanh nghiệp, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Theo công văn số 10235 do Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa ký ngày 1/8, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới tác động tới giá cơ sở theo quy định ở Thông tư 234 có biến động cao hơn so với giá bán lẻ hiện hành, việc các DN đăng ký giá để điều chỉnh theo biên độ cho phép theo thẩm quyền là đúng với quy định hiện hành.

Các doanh nghiệp xăng dầu sẽ tự chịu trách nhiệm về quyết định giá và kết quả kinh doanh của mình. Thời điểm tăng giá vào lúc nào cũng sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định.

Bộ Tài chính cũng cho biết, các mức thuế nhập khẩu xăng dầu, chi phí và mức trích Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn giữ nguyên.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/lo-ngai-tha-gia-xang-dau-c4a19265.html