Lo âu trên những tuyến xe buýt đến trường

TT - Nạn móc túi, quấy rối trên xe buýt đang là nỗi ám ảnh sinh viên TP.HCM trên đường đến trường, tuyến Đại học Quốc gia ở làng Đại học Thủ Đức. Ngày nào cũng có sinh viên bị mất điện thoại, ví tiền. Cứ xe đông là chắc chắn thế nào cũng có móc túi, quấy rối tình dục...

Hơn một tuần rong ruổi trên các tuyến xe buýt có nhiều sinh viên đi lại như số 8 (bến xe Q.8 - Thủ Đức), số 6 (bến xe Chợ Lớn - ĐH Nông lâm), số 19 (Sài Gòn - Khu chế xuất Linh Trung - khu du lịch Suối Tiên), số 53 (Lê Hồng Phong - ĐH Quốc gia), số 56 (bến xe Chợ Lớn - ĐH Giao thông vận tải), số 24 (bến xe miền Đông - An Sương), số 18 (chợ Bến Thành - chợ Hiệp Thành)... chúng tôi nhận thấy hầu hết các vụ móc túi, quấy rối sinh viên thường xảy ra vào giờ cao điểm cả ba buổi sáng, chiều, tối khi hành khách nín thở ép vào nhau tìm chỗ đứng. Khó phát hiện, sợ trả thù Quấy rối tình dục nữ sinh viên Không chỉ ám ảnh nạn móc túi, nhiều nữ sinh ngượng ngùng thừa nhận các bạn từng bị những “đụng chạm vô tình” vào mông, eo, ngực khi chen lấn trên xe. Các nữ sinh viên khi gặp những trường hợp “nhạy cảm” như vậy thường im lặng tránh xa chỗ khác hoặc xuống xe đón xe khác chứ không phản ảnh với nhà xe. Một nữ tiếp viên xe buýt số 8 lâu năm trong nghề cho biết chị cảm thấy khó xử khi có lần một nữ sinh viên nói nhỏ “ông kia làm gì kỳ lắm”. Khi chị xuống thì phát hiện người này đang... cởi quần khoe “của nợ” phía sau xe. Cuối giờ chiều, chúng tôi đón xe buýt số 8 tại trạm Lăng Ông (gần chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh). Trạm này được một nữ sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho hay có một nhóm đạo chích thường “canh me” những giờ cao điểm để lên xe hành nghề. Nhóm này lộng hành đến mức có hôm tài xế phải bỏ qua trạm khi thấy “khách quen” chờ sẵn. Vừa leo được lên chiếc xe chật cứng, khi đang cố nhích chân tìm chỗ đứng đã nghe tiếng nữ nhân viên bán vé nhắc nhở cảnh giác: “Mọi người cẩn thận, coi chừng móc túi”. Đến trạm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (Q.Thủ Đức), khi một thanh niên khoảng 30 tuổi bước xuống, nhân viên bán vé nói: “Cái thằng đeo khẩu trang, mặc áo carô, áo khoác vắt trên tay phải là dân móc túi chuyên nghiệp đó. Mấy đứa không cẩn thận là nó ra tay liền”. Một sinh viên hỏi: “Sao cô không chỉ thẳng mặt để tụi con né ra?”, nhân viên này ấm ức: “Chỉ mặt nó là nát bét kiếng xe liền. Tui từng bị nó kề dao vào cổ vì tội nhắc nhở các em cảnh giác coi chừng móc túi đó”. Nhiều băng nhóm Nhiều tài xế, tiếp viên các tuyến xe buýt cho biết hiện có khoảng 20 băng nhóm móc túi chuyên nghiệp hoạt động và đối tượng chúng nhắm đến thường là sinh viên. Cụ thể, ở tuyến số 8, 19 nhiều nhóm hoạt động tại các trạm Suối Tiên, ngã ba Nhà Thờ, cá sấu Hoa Cà (Q.Thủ Đức), ngã tư Thủ Đức, bến xe miền Đông, lăng Ông (sát chợ Bà Chiểu), công viên Hoàng Văn Thụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)... Một số tuyến như số 6, 10, 56 kẻ gian thường tụ tập lên xuống dọc các trạm trên xa lộ Hà Nội, đặc biệt là khu vực ngã tư Bình Thái, ngã tư MK. Chiêu thức của những băng nhóm này (mỗi nhóm 2-5 người) như sau: 2-3 người đứng đợi ở trạm. Khi lên xe, nhóm này cố tình tạo ra xô đẩy bằng cách di chuyển và tranh thủ sự mất cảnh giác của sinh viên để móc túi, tất nhiên chúng chỉ lên những chuyến xe đông người. Một nhân viên tuyến 19 cho biết có một nhóm hai thanh niên và một bà lão hoạt động ở khu vực từ bến xe miền Đông đến cá sấu Hoa Cà. Sau khi hai thanh niên móc được điện thoại, ví tiền thì xuống xe, “bà lão tốt bụng” sốt sắng hối thúc khổ chủ “cứ để cặp đây bà coi cho” và hướng dẫn sinh viên chạy theo chuộc tài sản. Đã có sinh viên bị dính chiêu này. Một số nhóm khác được đồng bọn chở xe gắn máy chạy theo xe buýt thăm dò, nếu xe nhiều khách đứng sẽ “đón đầu” và lên xe như bao hành khách khác. Sau khi thực hiện trót lọt hay bị phát hiện, kẻ gian lập tức xuống xe và được đồng bọn đợi sẵn chở đi. Một số kẻ móc túi thường có đặc điểm nhận dạng như luôn đeo khẩu trang, tay lúc nào cũng kè kè áo khoác và lên xe không khi nào đứng yên một chỗ. Ngoài ra, theo một số nhân viên, cũng có trường hợp những con nghiện ma túy chích ngay băng sau của xe và dùng ống chích này đe dọa “xin” tiền sinh viên. Người quét dọn xe buýt cuối ngày tại bãi đậu xe buýt ĐH Quốc gia TP.HCM thường xuyên gặp những ống chích còn dính máu phía sau xe. Lo âu và tự bảo vệ Trước thực trạng đáng lo ngại ấy, sinh viên mất của chỉ biết cắn răng và truyền tai nhau tự bảo vệ mình. Ngọc Ni - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho biết bạn và năm người bạn khác của mình từng bị móc mất điện thoại, ví tiền trên tuyến xe số 8,19. “Lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ - Ni nói - Tôi và nhiều bạn không dám đeo dây phụ kiện cho điện thoại nữa. Trước khi lên xe buýt phải bỏ điện thoại, ví tiền và những vật giá trị vào balô đeo trước ngực”. Mất hai điện thoại trong vòng một tháng trên tuyến xe số 18, Trần Thị Thu Thanh - sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết: “Lần đầu tôi không để ý nên bị móc điện thoại trong túi quần jean. Lần thứ hai cẩn thận hơn, tôi bỏ trong balô đeo phía sau thì bị mở kéo khóa lấy điện thoại và ví tiền. Tôi chỉ biết dặn mình lần sau cẩn thận hơn chứ chẳng biết phải làm sao. Nhiều khi ngồi trên xe muốn chợp mắt một tí cũng không dám”. Một nữ sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM đang trọ tại làng ĐH Thủ Đức cho hay từng chứng kiến một vụ móc túi “không ngờ tới” bởi kẻ gian đeo balô, kính cận khiến nhiều người lầm tưởng là sinh viên. Nhiều người đi xe tận mắt chứng kiến nhưng chỉ im lặng mà không dám nói gì. Trước tình cảnh ấy, một số giải pháp của sinh viên là đi sớm - về trễ và truyền tai nhau kinh nghiệm tốt nhất khi đi xe buýt không để điện thoại, ví trong túi quần và không được ngủ vì “không biết chuyện gì sẽ đến với mình”. Bắt hôm trước, hôm sau đã thấy hoạt động lại! Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-12 tại bến xe buýt ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Phạm Quang Thái - điều hành viên - thừa nhận có nhiều sinh viên bị mất tiền, điện thoại trên các tuyến số 6, 8, 19. Ông Thái cho rằng việc bắt và xử lý kẻ móc túi vượt quá khả năng của tài xế, tiếp viên. “Tâm lý của nhà xe là họ phải bảo vệ xe mình chứ không bao giờ muốn động đến bọn móc túi. Đã có trường hợp bị ném đá vỡ kính xe khi tài xế, tiếp viên mạnh tay với kẻ móc túi” - ông Thái nói. Theo ông Thái, để giải quyết nạn móc túi trên xe buýt, cần có sự vào cuộc và mạnh tay hơn nữa của các cơ quan công an bởi nhiều tài xế, nhân viên xe buýt cho hay có trường hợp thấy kẻ cắp bị công an bắt hôm trước thì hôm sau chúng đã hoạt động trở lại. Về giải pháp trước mắt, ông Thái cho biết vẫn sẽ tuyên truyền sinh viên nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ tài sản và hô hoán khi phát hiện bị móc túi trên xe để tài xế đóng cửa chạy đến cơ quan công an gần nhất. HÀ BÌNH

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/nhip-song-tre/414935/lo-au-tren-nhung-tuyen-xe-buyt-den-truong.html