Lình xình mua bán cổ phần tại Đại học Chu Văn An

(ĐTCK-online) Từ chỗ đồng cam, cộng khổ xây dựng nhà trường đến khi bắt đầu có doanh thu và lợi nhuận, quan hệ giữa các cổ đông của Trường đại học Chu Văn An (Hưng Yên) lại bị rạn nứt nghiêm trọng. Việc mua bán cổ phần tràn lan vi phạm chính quy chế tổ chức và hoạt động do Trường ban hành đã kéo theo nhiều hệ lụy.

Mua bán sai quy chế Trường đại học Chu Văn An được thành lập năm 2006 với số vốn ban đầu là 15 tỷ đồng do 10 thành viên góp vốn. Theo đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo của ông Ngô Thế Trường, Trưởng ban kiểm soát, người nắm giữ 11,3% vốn điều lệ, năm 2009 nhà trường quyết toán lãi 10,7 tỷ đồng. Nhìn thấy lợi nhuận đặc biệt, các NĐT thông qua một số cổ đông sáng lập đã dùng nhiều thủ đoạn, kể cả việc bỏ qua quy chế của Trường đại học Chu Văn An để thực hiện mua bán cổ phiếu, đẩy cổ đông sáng lập ra ngoài. Theo phản ánh của các cổ đông, bắt đầu từ việc ngày 22/6/2009, ông Dương Phan Cường, Phó chủ tịch HĐQT Trường đại học Chu Văn An xin chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình (26,05%) với giá 350 triệu đồng/1%. Khi các cổ đông khác có ý muốn mua lại, ông Cường lại nâng giá bán lên 1 tỷ đồng/1% vốn góp; sau đó lần lượt hạ xuống mức 750 triệu, 550 triệu… Và cuối cùng ông Cường không những không bán vốn góp của mình đi mà còn mua lại 10% vốn góp của cổ đông Hoàng Anh. Tiếp đó, ngày 14/12/2009, ông Dương Phan Cường mua lại 1% cổ phần vốn góp của cổ đông Chu Văn Khanh. Ngày 15/9/2009, ông Cường bán lại cho ông Trần Anh Tuấn (là cổ đông mới) 11% vốn góp. Một cổ đông khác là ông Tạ Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Chu Văn An chỉ trong một thời gian ngắn đã mua vào 1 lần, bán ra 2 lần (riêng lần bán thứ 2 vào tháng 12/2009, ông Hùng đã bán toàn bộ vốn góp của mình là 13,987% với giá 10,5 tỷ đồng cho ông Trần Anh Tuấn (cổ đông mới)… Theo phản ánh của các cổ đông, sau khi mua đi bán lại, hai cổ đông Dương Phan Cường và Trần Anh Tuấn đã nắm trong tay 51,037% vốn góp. Sau đó, hai cổ đông này đã nhượng lại cho các cổ đông là người thân trong gia đình là Dương Trọng Trung, Đặng Thị Thu Thủy. Việc mua bán cổ phần của các cổ đông kể trên sẽ không có gì đáng nói nếu tuân thủ quy định Quy chế hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên theo Điều 37, Quy chế của Trường đại học Chu Văn An quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu, "việc chuyển quyền sở hữu và rút vốn phải đảm bảo sự phát triển và ổn định của nhà trường… Cổ đông muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp trước hết phải chuyển nhượng phần vốn đó cho các cổ đông còn lại theo giá thỏa thuận tại thời điểm chuyển nhượng; khi chuyển nhượng phải có đơn xin chuyển nhượng công khai giá chuyển nhượng, sau thời hạn 45 ngày, nếu các cổ đông của trường không mua hoặc mua không hết, người chuyển nhượng có quyền bán ra ngoài…". Theo ông Ngô Thế Trường, dù quy chế nhà trường đã quy định rõ trình tự việc chuyển nhượng vốn góp, thế nhưng hầu hết những mua bán ở trên chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, đồng thời ép lãnh đạo HĐQT phải phê duyệt việc mua bán. Căn cứ vào Quy chế của nhà trường và Luật Doanh nghiệp thì toàn bộ việc mua bán trên đều trái phép và không có giá trị. Trao đổi với ĐTCK, TS. Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT cho biết, sau khi nhận được kiến nghị hủy kết quả mua bán cổ phần của Ban kiểm soát, ông đã xem xét lại các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc mua bán và các quy định của pháp luật. Nhận thấy việc mua bán cổ phần nói trên và việc ký xác nhận mua bán của mình là chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật (do chịu sức ép từ bên mua và bên bán), ngay sau đó, ông Định đã có văn bản hủy kết quả mua bán, chuyển nhượng cổ phần nói trên (Quyết định số 48/2010 ngày 19/4/2010 hủy bỏ xác nhận mua bán cổ phần sai quy định giữa cổ đông Tạ Tiến Hùng và ông Trần Anh Tuấn), đồng thời yêu cầu các cổ đông đã thực hiện mua bán cổ phần thực hiện lại việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định của pháp luật. Tự ý tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) riêng Mặc dù có quyết định hủy việc mua bán cổ phần của HĐQT nhà trường nhưng các cổ đông đã không thực hiện lại việc mua bán cổ phần. Ngày 30/3/2010, Trường đại học Chu Văn An tổ chức họp ĐHCĐ. 4 cổ đông là: Dương Phan Cường, Trần Anh Tuấn, Dương Trọng Trung, Đặng Thị Thu Thủy (với tỷ lệ vốn góp chiếm giữ 51,037%) đã tự ý bỏ họp cổ đông do nhà trường tổ chức và tổ chức một cuộc họp riêng có tên gọi là: "Họp đại hội cổ đông" và thống nhất sửa đổi một phần quy chế tổ chức và hoạt động của Trường đại học Chu Văn An; sửa đổi tiêu chí chọn thành viên Ban kiểm soát; bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT là: Trần Anh Tuấn, Dương Trọng Trung và Đặng Thị Thu Thủy; đồng thời quyết định nâng vốn điều lệ... Theo Công văn số 45/CV-HĐCĐ-CVA về việc công nhận kết quả họp ĐHCĐ gửi Bộ giáo dục và Đào tạo, đại diện trên 51% vốn góp kể trên đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của nhà trường. Công văn này do ông Dương Phan Cường, Phó chủ tịch HĐQT thay mặt hơn 51% vốn điều lệ ký. Tuy nhiên, theo ông Định, công văn trên không có giá trị pháp lý vì cuộc họp cổ đông tổ chức ngày 30/3 của nhóm cổ đông trên vi phạm quy định của pháp luật. Hiện đại diện hơn 49% vốn còn lại tại Trường đại học Chu Văn An đang có công văn, đơn kiến nghị nhiều cấp nhằm xem xét, hủy bỏ việc giao dịch cổ phiếu của một số cổ đông tại trường này.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFDHFB/linh-xinh-mua-ban-co-phan-tai-dai-hoc-chu-van-an.html