Lì xì đầu năm: Không phải vì Tiền mà vì chữ... Tình

Phong bao đỏ mừng tuổi đầu năm giống như tấm bùa hộ mệnh, giúp trẻ em được an toàn, mạnh khỏe trong năm mới, học hành tốt.

Phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao. Vì vậy các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.

Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó sợ hãi bỏ chạy.

Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục mừng tuổi đầu năm.

Tục này giữ và lưu truyền mãi cho đến ngày nay, dần dần những đồng tiền được cho vào phong bì màu đỏ được người lớn tuổi đưa cho trẻ em trong những ngày đầu năm gọi là tiền mừng tuổi, lì xì.

Theo quan niệm của người xưa, mừng tuổi cho trẻ em, người lớn tuổi có thể giúp họ xua đuổi tai họa. Phong bao đỏ mừng tuổi đầu năm giống như tấm bùa hộ mệnh, giúp trẻ em được an toàn, mạnh khỏe trong năm mới, học hành tốt. Còn với người lớn tuổi, như lời chúc sống lâu, khỏe mạnh.

Ảnh minh họa

Tục lì xì là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới.

Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết.

Màu đỏ của bao lì xì trong quan niệm của người châu Á cũng là một trong những màu cát tường.

Phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc - người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.

Người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình.

Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ 'lì xì' lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà theo cổ truyền, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước.

Ý nghĩa chính không nằm ở tiền mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nét văn hóa này đang ngày càng mai một khi tiền mừng tuổi không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm mà nó còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân.

Có không ít người biến lì xì thành cái 'cớ' để nhân viên tặng quà sếp với hy vọng sang năm mới được thăng quan, tiến chức, hay đơn giản là để gây dựng mối quan hệ làm ăn…

Thói thực dụng của người lớn đã vô tình 'lây' sang con trẻ khiến trẻ biết tị nạnh, so bì giá trị đồng tiền.

Theo các nhà văn hóa, việc mừng tuổi, lì xì trong ngày Tết phải xuất phát từ cái tâm con người. Nếu đem vụ lợi vào trong những phong bao lì xì, vô tình đã làm mất ý nghĩa tốt đẹp của một phong tục đẹp và bản thân người nhận cũng không cảm thấy thực sự vui vẻ, hồ hởi.

Ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục văn hóa cơ sở (Bộ VH - TT - DL) từng đánh giá rằng: 'Cơ chế thị trường là ganh đua, là chèn ép. Ngày xưa, mỗi phong bao lì xì là một tấm lòng nhưng bây giờ nó đã nhiễm nặng cơ chế thị trường'.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa - TS Trần Hữu Sơn, để tránh sự biến đổi tiêu cực của tục lì xì chỉ có cách tuyên truyền, vận động. Đến thời điểm nào đó, con người sẽ nhận thức được rằng đó là tiêu cực và trở lại đúng ý nghĩa ban đầu của tục mừng tuổi đầu năm.

Ông nhấn mạnh, phong tục lì xì ngày Tết mang ý nghĩa chúc phúc nên không quan trọng ở mệnh giá tiền trong phong bao, quan trọng là thái độ ân cần, vui vẻ, niềm nở của người mừng tuổi và trẻ em có thái độ trân trọng, mừng rỡ, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết.

'Cũng chính bởi thế mà hành động này không gọi là trao quà mà là mừng tuổi', ông Sơn nói.

Theo Nguyễn Tâm (tổng hợp)/Báo Đất Việt

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/tien/li-xi-dau-nam-khong-phai-vi-tien-ma-vi-chu-tinh-1.html