Lênh đênh những phận đời trên dòng sông Lam

Cuộc sống lênh đênh, nay đây mai đó, những người dân sống bằng nghề chài lưới trên sông Lam, thuộc huyện Tương Dương (Nghệ An) luôn trong cảnh ăn chưa hết bữa trưa đã phải lo bữa tối.

Cái nghèo đeo bám họ hết đời này lại qua đời khác. Tài sản quý giá duy nhất mà người dân chài lưới nơi đây có được có lẽ chỉ là những “ngôi nhà nổi” bập bênh trước đầu sóng ngọn gió.

Tự hào khi có “nhà” trên nước

Ngôi nhà được xem như là căn cơ, gốc rễ để có một cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc. Thế nhưng, thay vì xây nhà, lợp ngói trên mặt đất, những người dân chài lưới trên dòng sông Lam thuộc xóm Mỏ Than, xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) lại dựng nhà bằng những thanh tre, ống nứa, tấm cói, bằng rơm, bằng rạ và... ở trên mặt nước.

Anh Nguyễn Văn Đức (SN 1983), trú xã Tam Quang, huyện Tương Dương, chủ một "ngôi nhà nổi" ở đây trải lòng khi nhắc tới ngôi nhà của mình với vẻ đầy tự hào rằng: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở trên dòng sông Lam, từ đời ông cha đã sống bằng nghề chài lưới, theo những con thuyền lênh đênh ăn, ngủ trên sông nước. Cuộc sống lam lũ đã trở thành thói quen khó bỏ của mỗi người dân nơi đây. Người ta vẫn bảo “an cư thì mới lạc nghiệp” được. Họ ở trên bờ có nhà thì dân chài chúng tôi ở dưới mặt nước cũng có thể có nhà chứ? Cũng trải qua mưa to, gió lớn, có chỗ che mưa, che nắng anh ạ”.

Đánh bắt tôm cá trên dòng sông Lam (thuộc địa bàn huyện Tương Dương) dường như đã là nghề cha truyền con nối của người dân nơi đây.

Niềm tự hào khi có một ngôi nhà của mình có lẽ không chỉ có trong suy nghĩ anh Đức mà nó còn là của tất cả những người theo nghề chài lưới ở xóm Mỏ Than. Theo tìm hiểu, tại xã Tam Quang có khoảng 15 hộ sống chuyên bằng nghề chài lưới trên sông. Trong đó, một nửa số hộ trên đã "gây dựng" ngay những "ngôi nhà nổi" trên dòng sông Lam này.

Những ngôi nhà nổi bấp bênh nhưng là nơi trú ngụ của 2 - 3 thế hệ.

Được dựng trên những phao nổi và ống tre, nứa làm sàn để giữ cân bằng, cả ngôi nhà cố định bởi những chiếc cọc, tường nhà được đóng bằng cột và những tấm gỗ ghép lại, mái lợp bằng phót, lá và rơm, rạ đan với nhau thành từng tấm. Tuy mỗi ngôi nhà tranh tre, mái nứa ở đây chỉ vẻn vẹn khoảng 5m 2 nhưng cuộc sống sinh hoạt của mọi người vẫn không khác một gia đình ba gian mái ngói, vẫn có chỗ ăn, chỗ ngủ, có chỗ nấu cơm, tắm giặt.

Những người dân chài ở đâu cũng thế, luôn sống trên những chiếc thuyền chài lưới đánh cá, bắt tôm bán đổi lấy gạo, lấy muối và những vật dụng sinh hoạt cần thiết sống ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chính vì vậy mà khi tôm cá ở đoạn này ít đi, họ lại sẽ dẫn thuyền lênh đênh đến đoạn sông khác để đánh bắt nên cuộc sống thường không ổn định, cứ nay đây, mai đó. Không mấy ai ở xóm Mỏ Than, xã Tam Quang, huyện Tương Dương này nghĩ đến chuyện có căn nhà riêng để gia đình mình sinh sống ổn định, cho dù mỗi "ngôi nhà nổi" như thế được dựng lên với kinh phí trong khoảng từ 5 - 7 triệu đồng.

Nhà trên đất không ở?!

Nhà nước đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho người nghèo, cho những người dân chài lưới trên sông nước; cũng có rất nhiều khu tái định cư cho họ, thế nhưng, dường như không si mặn mà với những ngôi nhà bằng xi măng, gạch, ngói... Họ chỉ muốn “tiện làm ăn” bởi vốn chỉ quen với việc kiếm sống bằng những cái nơm, cái lưới, con cá, con tôm, ăn cơm trên thuyền, tắm giặt dưới sông... Phải chăng những điều đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức, cắm rễ trong tư tưởng của dân chài?

Anh Nguyễn Văn Thành (SN 1994), chủ một ngôi nhà nổi ở xóm Mỏ Than cười tâm sự: “Thực ra gia đình tôi cũng thuộc một trong những gia đình khá giả nhất ở cái xóm chài này. Khá hơn những nhà khác ở chỗ là sau nhiều năm cố gắng tích góp, tôi cũng mua được một ngôi nhà nhỏ trên đất liền để mong ổn định cuộc sống, cũng từng hy vọng để các cháu được đi học đến nơi đến chốn. Nhưng mua nhà được một thời gian dài chúng tôi vẫn không sống ở trên đó được. Thật lòng mà nói thì lên đó rồi mình không biết làm gì để kiếm sống, chài lưới quen rồi, có lẽ ăn cơm cá mãi thành nghiện nên không ăn được cơm thịt”.

Là một trong số ít dân chài lưới trên sông Lam có nhà ở trên đất liền nhưng gia đình Nguyễn Văn Thành vẫn xây dựng một ngôi nhà nổi trên sông.

Trước đây, cứ vào mỗi dịp giáp Tết, gia đình anh Thành mới sắm sửa chuẩn bị trở lại ngôi nhà trên đất liền để ở lại đây đón một cái tết thật ấm cúng. Nhưng vài năm trở lại đây, khi Nhà máy thủy điện Khe Bố chặn dòng chảy sông Lam, tôm cá cũng ít dần, cuộc sống của những dân chài cũng có phần khó khăn hơn khi sống bằng cái nghề của mình thì anh vẫn bám trụ lại, bởi đã cận tết mà anh vẫn chưa biết mình có thể có một cái tết vui vầy như những năm trước đây không?

Ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho biết: “Toàn xã có khoảng hơn 10 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên dòng sông Lam thì gần như đã có đất và nhà ở trên bờ. Tuy nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, lại mù chữ nên dù có nhà trên bờ, họ cũng quay lại sống trên sông để tiếp tục với nghề chài lưới. Cuộc sống của họ vô cùng bấp bênh. Cứ mỗi dịp lễ, tết, chính quyền và các đoàn thể luôn phải vận động và hỗ trợ người dân chài để họ lên bờ sống và không bị đói ăn, thiếu thốn trong những ngày này”.

Kỳ 2: Những cái Tết "không ấm" nơi xóm nổi trên sông Lam

NGỌC TUẤN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ky-1-lenh-denh-nhung-phan-doi-tren-dong-song-lam-a131902.html