Lễ nhập khẩu và đặt tên độc đáo trong đám cưới người Dao đỏ

Nhập khẩu cho cô dâu và đặt tên cho chú rể - “Thim tinh - sất giềm bủa” - là một trong gần 30 nghi lễ độc đáo của lễ cưới truyền thống dân tộc Dao đỏ - Lào Cai, hiện được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Vào ngày chính của lễ cưới, khi đoàn đón dâu của nhà trai và đoàn đưa dâu của nhà gái về đến bên nhà trai và đang ở trong lều tạm thì gia đình chú rể tổ chức lễ nhập khẩu cho cô dâu và lễ đặt tên cho chú rể. Đây là nghi lễ quan trọng và bắt buộc bởi chỉ khi hoàn thành nghi lễ này cô dâu và chú rể mới được chính thức vào nhà và cô gái mới chính thức trở thành thành viên của nhà chồng cũng như được ma nhà chồng che chở, bảo vệ.

Nghi lễ này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2h hôm trước tới 11h hôm sau, do thầy cúng thực hiện. Ông Lý Văn Sang, thầy cúng bản Tả Phìn (huyện Sa Pa - Lào Cai) cho biết: “Đặt tên cho chú rể và cô dâu là nghi lễ quan trọng do đó cần chọn giờ cẩn thận, trong đó tốt nhất là những giờ Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ. Thầy cúng sẽ chọn một trong 4 giờ này để làm lễ nhập khẩu cho cô dâu và lễ đặt tên cho chú rể rồi mời được phép đón dâu vào nhà”.

Để thực hiện nghi lễ này, gia đình sẽ chuẩn bị một mâm lễ đặt trước bàn thờ tổ tiên gồm 1 con lợn, 1 con gà trống, 6 chén rượu, 1 ấm rượu và một gói gạo bọc trong tấm vải trắng, bên trong có hai hào bạc trắng và một tập tiền âm để thầy cúng dùng làm lễ. Ngoài ra, chủ nhà treo một vuông vải đỏ ở giữa tấm vải có gài một tấm bạc trắng có chữ "kết hôn" lên trên bàn thờ tổ tiên và treo một vuông lên trên cửa chính.

Chuẩn bị xong, thầy cúng sẽ bắt tay vào làm lễ và cúng. Nội dung bài cúng trình bày về quá trình vất vả đi tìm con dâu của gia đình chú rể. Gia đình đã phải đi các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, đến lắm nơi, nhiều chốn và cuối cùng đã tìm được cô con dâu ưng ý nhất về. Sau khi xin tuổi cô gái về đối chiếu cùng con trai không có gì vướng mắc, gia đình đã làm lễ ăn hỏi từ đầu năm.

Bên gái cũng chuẩn bị trang phục từ đầu năm. Bên trai đã chuẩn bị đón dâu đầy đủ. Chủ gia đình đã nhờ được thầy tìm ngày tháng kết hôn tốt. Vậy mong tổ tiên chấp nhận và giúp thầy cúng nhập thêm khẩu vào gia đình, giúp hai người kết hôn và bảo vệ đám cưới, hai bên khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, phù hộ cho đám cưới bình yên không gây mất đoàn kết, phù hộ cho hai vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, sinh được nhiều con cái thông minh, tài giỏi, làm ăn giàu sang phú quý….

Sau khi đọc bài cúng, ông thầy đưa tập tiền âm phủ trao cho tổ tiên, rồi lấy một tờ giấy đỏ ra ghi tên tuổi cô dâu vào, từ nay cô dâu đã thành người trong nhà và được các ma nhà chú rể bảo vệ.

Tiếp sau lễ nhập khẩu cho cô dâu là lễ đặt tên (sất giềm bủa) cho chú rể. Sở dĩ chú rể cũng phải làm lễ dặt tên bởi trong quan niệm cổ truyền của đồng bào, một người đàn ông từ khi sinh ra cho đến khi lấy vợ phải có đủ 3 tên gọi gồm: tên khi còn trẻ con, tên khi lấy vợ và tên khi làm lễ cấp sắc. Để đặt được tên, thầy cúng sẽ thống nhất với bố mẹ chú rể về tên gọi. Tên được đặt trong lễ cưới chỉ dùng khi cúng và chết mà không được dùng gọi hằng ngày.

Khi các thành viên tham gia đã thống nhất được tên gọi, người chủ hôn dẫn chú rể ra quỳ trước bàn thờ tổ tiên. Thầy mo làm lễ cúng và thông báo tên mới của chú rể cho tổ tiên biết và tiếp nhận. Nội dung bài cúng trong lễ đặt tên cho chú rể là thông báo cho tổ tiên biết gia đình có con trai đã lớn khôn, đã xác định được tên gọi, từ nay đã xây dựng gia đình, xin thông báo cho tổ tiên biết và phù hộ cho vợ chồng hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sinh nhiều con cái thông minh...

Khi thầy cúng làm lễ xong, chú rể quỳ lễ 12 lễ và đứng lạy 12 lạy trước bàn thờ tổ tiên. Nghi lễ nhập khẩu cho cô dâu và đặt tên cho chú rể kết thúc cũng là lúc đội kèn chuẩn bị đi đón dâu vào nhà./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2505&itemid=18943