Lễ hội nhiều cũng... khổ

GD&TĐ - Từ xưa các cụ đã có câu: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Ý là vào tháng đầu tiên của năm, người Việt dành nhiều thời gian cho lễ hội, đền chùa, các hoạt động mừng đón đầu xuân năm mới.

Tuy nhiên, "ăn chơi", lễ hội, đình đám quá đà, khiến công việc và hoạt động lao động sản xuất bị ảnh hưởng, đó lại là mối lo của cơ quan, công sở, doanh nghiệp và những người dân tối mặt tối mũi kiếm sống quanh năm (bất kể tháng Giêng hay tháng nào trong năm).

Sa đà vào lễ hội

Giáo sư Hoàng Vinh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từng trao đổi với phóng viên GD&TĐ: "Không chỉ cha ông chúng ta mà ở hầu hết các nước xuất phát từ văn minh lúa nước đều có rất nhiều lễ hội mùa xuân, tất cả xuất phát từ tập quán sản xuất nông nghiệp có từ hàng ngàn năm trước.

Đây là giai đoạn nông nhàn, người nông dân tạm thời được nghỉ ngơi, các lễ hội được mở ra, trước hết là để tạ ơn trời đất vụ mùa bội thu, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, sau nữa là để dân gian được vui chơi trước khi bước vào vụ mùa mới.

Tuy nhiên, qua thời gian, quan niệm này đã không còn hoàn toàn đúng. Trong xã hội nhịp độ cuộc sống đang vô cùng khẩn trương, quan niệm trên đang trở thành một thói quen xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội và gây tốn kém rất lớn. Xưa kia, lễ hội khởi nguồn từ tín ngưỡng, ngày nay thì nhiều lễ hội thành mê tín cả rồi".

Tháng Giêng là tháng của lễ hội đình đám ở nước ta. Đâu đâu cũng có những lễ hội được mở ra, có cái đã lâu đời, cả nước biết tiếng, có cái vừa được phục dựng gần đây, mới được nhắc đến. Nhưng điểm chung đáng lo ngại xuất hiện trong nhiều lễ hội thời gian gần đây là sự lộn xộn, thậm chí đầy bạo lực.

GS Hoàng Vinh cho rằng hiện nay: “Chúng ta đang sa đà vào lễ hội. Đâu đâu cũng có lễ hội, hội mới, hội cũ, hội nhỏ. hội to, rồi còn kèm cựa nhau từng làng, từng xã... Nói việc Ban ấn đền Trần, báo chí tập trung nhiều vào đền Trần ở Nam Định, vì đây đúng là quê hương nhà Trần, cũng là nơi lễ to nhất.

Nhưng Thái Bình cũng có đền Trần, cũng ban ấn, Thanh Hóa cũng có, cũng tranh cướp nhau vỡ đầu sứt mặt. Sao lại thế? Chúng ta ham quyền lực thế à? Tôi cho là không phải, hãy nhìn những người vào tranh cướp ấn ấy, có cả rất nhiều nông dân... Đó là sự cuồng tín thái quá, vấn đề nằm ở đấy".

Đang có sự biến tướng từ tín ngưỡng sang mê tín

Một thực tế là việc đi lễ đền, chùa đầu xuân hiện nay với không ít người đã và đang sa đà vào mê tín dị đoan, chứ không còn nguyên ý nghĩa trẩy hội du xuân như của cha ông trước đây. Vốn dĩ đến lễ hội là để vui chơi giải trí ngày xuân, đi chùa lễ đầu năm là để mong cầu sự thanh thản, bình an, nhưng người ta đã đưa cả cái nếp sống, nếp nghĩ phàm tục của đời thường vào lễ hội.

Xưa ông bà ta có dạy rằng “Đi đến chốn tâm linh đừng cầu tài lộc mà chỉ cầu bình an”. Bây giờ thì người ta cầu đủ thứ từ học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt. Thậm chí, để “mua chuộc” thần thánh, người ta dúi tiền lẻ vào bất kỳ kẽ hở nào trên các bức tượng như báo chí năm nào cũng nêu. Hiện tượng này thể hiện sự cuồng tín, mê tín thái quá.

Không chỉ hiện tượng tràn lan các lễ hội mà thời gian gần đây, dư luận cũng lên tiếng lo ngại về sự lộn xộn ngày càng gia tăng ở các lễ hội, nhưng chen lấn tranh cướp nhau, đánh nhau đến vỡ đầu mẻ trán, hay nhân danh thần thánh để đập phá tài sản người khác. Chưa kể hội chứng đám đông của người Việt, riêng lẻ một vài cá nhân thì không sao, tụ tập lại thành đám đông, nếu được kích động lên thì cái gì cũng có thể làm, bất kể kết quả lẫn hậu quả ra sao.

Đời sống hiện đại, nền kinh tế thị trường len lỏi vào từng ngóc ngách, dẫn đến con người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn như thất nghiệp, phá sản, đói nghèo, bệnh tật ... Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, kèm theo đó là các tệ nạn cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, con người càng có nhu cầu đi tìm một giá đỡ tinh thần, sự che chở của thần linh (thậm chí là cuồng tín vào sự che chở của thần linh).

Quá nhiều lễ hội- lợi ai, khổ ai?

Hiện nay, địa phương nào trong nước cũng thấy mở ra các lễ hội của riêng mình. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước hiện có khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm, hội lớn hội nhỏ, thậm chí còn cạnh tranh nhau. Đã cạnh tranh là có so kè ăn thua hơn kém.

Đó là thực tế đáng buồn ở rất nhiều địa phương hiện nay: Làng này có chả nhẽ làng mình thua. Làng xã cạnh tranh nhau đã đành, lên đến cấp tỉnh cũng không khác, tỉnh nào cũng cố giới thiệu điểm đặc sắc của mình thông qua các lễ hội với danh nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong khi rất nhiều lễ hội thậm chí không còn thấy truyền thống nằm ở đâu cả.

Đã ít nhiều xuất hiện ở chỗ này, chỗ kia, sự ganh đua lẫn nhau giữa địa phương này với địa phương khác và nhân danh văn hóa truyền thống đề kinh doanh. Thị trường hóa sinh hoạt tâm linh mà ít quan tâm đến yếu tố văn hóa, khiến cho những biến tướng lại càng có đất phát triển.

"Con số khoảng 8.000 lễ hội được tổ chức mỗi năm là quá nhiều. Quá nhiều lễ hội cũng ảnh hưởng tới tinh thần, năng suất lao động, nguồn lực tài chính của đất nước. Lễ hội mở tràn lan theo hướng lễ nhiều hơn hội, hành chính hóa lễ hội, những người được giao trách nhiệm tổ chức phần lớn thiếu chuyên môn nghiệp vụ. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta liên tục ghi nhận được những cảnh lộn xộn, bát nháo tại rất nhiều lễ hội trong chỉ riêng tháng Giêng này"- GS Hoàng Vinh nhận xét.

May mắn rằng tất cả những vấn đề trên đây mới chỉ là phạm trù tính cách con người chứ chưa phải là bản chất xã hội. Đã là tính cách thì có thể thay đổi, bởi nó liên quan đến môi trường xã hội, sự giáo dục chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố di truyền. Tất nhiên, sự quá đà, thậm chí biến tướng của lễ hội là một vấn đề nan giải, phức tạp mà nhiều cơ quan, tổ chức phải vào cuộc để chấn chỉnh.

“Tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc người dân quá cuồng tín, mê tín như hiện nay là do việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa hiện nay chúng ta thiếu trầm trọng 4 yếu tố: Giáo dục đạo đức con người, giáo dục trong gia đình, tâm linh và tự ý thức trong mỗi cá nhân. Chúng ta đang đặt những bước chân đầu tiên vào ngưỡng cửa của xã hội; thế nhưng thực tế chỉ máy móc hiện đại chứ cái đầu chưa hiện đại được, cả về tính cách lẫn tập quán.

Thậm chí, thế hệ sau còn có một bộ phận tồi tệ hơn, âm mưu, thủ đoạn hơn thế hệ trước, muốn “cổ truyền hóa” mình đi. Muốn khắc phục, không còn cách gì khác là phải thay đổi môi trường xã hội, ở đó tất cả mọi người phải cùng có ý thức thay đổi, tu dưỡng đạo đức lối sống, bên cạnh vai trò của tuyên truyền - giáo dục và tất nhiên là không thể thiếu sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp”- Giáo sư Hoàng Vinh nhận định.

Có nhiều tiền chăm đi lễ hội, rồi nghèo cũng chăm đi lễ hội. Thời gian công sở thì ăn bớt, công việc đồng áng chểnh mảng... Rồi người này vui với lễ hội thì người kia khổ vì lễ hội. Tỉnh ngộ ra, cái gì có ít mới thấy quý, chứ lễ hội nhiều thì bớt hẳn linh thiêng, tôn quý.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/le-hoi-nhieu-cung-kho-1634766-bt.html