Lễ hội giao lưu văn hóa vùng, miền các dân tộc Việt Nam

Bộ VHTTDL vừa phê duyệt Kịch bản tổng thể “Lễ hội giao lưu văn hóa vùng, miền các dân tộc Việt Nam” trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 7- 10/10/2010 tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 34 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng miền, dân tộc trong cả nước.

Việt Nam những sắc màu văn hóa Lễ hội sẽ mở màn với đêm khai mạc 7/10/2010, có chủ đề “Việt Nam những sắc màu văn hóa”, đưa người xem đến với những nét đặc trưng, đậm bản sắc của các vùng, miền văn hóa trong cả nước. Công viên Thống Nhất là không gian diễn ra các hoạt động chính của lễ hội. Khu vực sân khấu được dàn dựng tại quảng trường trung tâm công viên là địa điểm, không gian chính của lễ hội, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động như lễ khai mạc, bế mạc, trình diễn, giới thiệu trang phục, nghệ thuật truyền thống các vùng miền, dân tộc... Bên cạnh đó, từng khu vực trong công viên sẽ được thiết kế, tạo dựng lần lượt theo trình tự từ Bắc vào Nam nhằm tạo thành một tổng thể thống nhất trong sự đa dạng sắc màu của các vùng văn hóa đặc trưng trong cả nước, từ Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Ngay sau đêm khai mạc, trên sân khấu chính của lễ hội sẽ diễn ra hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống, trang phục các vùng miền, dân tộc Việt Nam. Tại các sân khấu nhỏ, khu trưng bày của Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế và các tỉnh sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn nghệ thuật, lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian tiêu biểu các vùng miền, dân tộc. Những sắc màu văn hóa đặc trưng với nhiều nét độc đáo trên khắp mọi miền đất nước cũng sẽ tụ hội về đây, trong một không gian giữa lòng Hà Nội với nhiều hoạt động khác như triển lãm giới thiệu đặc trưng văn hóa vùng, miền các dân tộc Việt Nam; giới thiệu đặc sản, sản vật đặc trưng các vùng miền, dân tộc; đêm hội Hoa đăng và chương trình nghệ thuật “Sắc màu sông nước Việt Nam”; lễ tổng kết, bế mạc và chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với chủ đề “Thăng Long- Hội tụ và tỏa sáng” với sự góp mặt của hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên đến từ các tỉnh, thành phố đại diện cho khắp các vùng miền, dân tộc trong cả nước. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có hoạt động tham gia diễu hành biểu dương lực lượng tại Quảng trường Ba Đình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội... Đan xen những sắc màu giữa lòng Hà Nội Lễ hội là dịp để giới thiệu và tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, khắc họa một diện mạo đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam hội tụ và tỏa sáng giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Lễ hội cũng là ngày hội biểu dương lực lượng, thể hiện tình cảm, lòng tự hào của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hướng về Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội sẽ là một không gian độc đáo có sự đan xen, hòa trộn của những sắc màu văn hóa, âm điệu, trang phục đặc trưng của các dân tộc, các vùng miền. Đây cũng là cơ hội để Thủ đô Hà Nội giới thiệu những nét đặc trưng tiêu biểu của mảnh đất văn hiến ngàn năm thông qua các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian tồn tại lâu đời, những sản phẩm ẩm thực tinh túy chỉ có trên đất Thăng Long- Kẻ Chợ... Đại diện các tỉnh, thành cũng góp vui cho ngày hội mừng Đại lễ với nhiều “đặc sản” tinh túy được chắt lọc từ những truyền thống văn hóa đã tồn tại từ nhiều đời trên mỗi vùng đất như các lễ hội Lân- Sư- Rồng, lễ hội Vinh quy bái tổ, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Ka Tê, lễ Cầu Ngư, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội Lồng Tồng, đám cưới người Dao, lễ hội Cồng chiêng, lễ hội Mừng lúa mới... hay qua nhiều trò chơi dân gian đậm sắc màu các vùng văn hóa, những đặc sản, sản vật và văn hóa ẩm thực đặc trưng các vùng miền, dân tộc... Một dấu ấn hứa hẹn nhiều ấn tượng là đêm hội Hoa đăng và chương trình nghệ thuật “Sắc màu sông nước Việt Nam”, dự kiến diễn ra vào tối 8/10/2010. Đây sẽ là nơi diễn ra hoạt động trình diễn những “đặc sản” văn hóa nghệ thuật tinh túy, đặc trưng của các vùng miền sông nước Việt Nam như quan họ, đờn ca tài tử, ca Huế hay điệu hò các vùng miền... trên các con thuyền tại khu vực Hồ Bảy Mẫu. Đêm hội cũng sẽ có hoạt động thả đèn hoa đăng trên mặt hồ, tượng trưng cho sự trường tồn của mảnh đất Thăng Long- Hà Nội, ước nguyện hòa bình và thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2505&itemid=10416