Lấy phiếu tín nhiệm: Có thể mở ra văn hóa từ chức

Kỳ họp thứ 5 khai mạc hôm nay 20-5 sẽ là kỳ họp đầu tiên Quốc hội (QH) triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là một trong những vấn đề được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm nhất trong chương trình nghị sự lần này. PV Báo SGGP đã có trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH về vấn đề này.

Ông Đinh Xuân Thảo

- Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, việc lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH bầu và phê chuẩn có ý nghĩa như thế nào?

>> Ông ĐINH XUÂN THẢO: Chúng ta đã biết trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành đã có quy định thẩm quyền của ĐBQH về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Cụ thể hóa điều này, trong Luật Giám sát QH 2003 cũng đã quy định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn là một trong những hình thức giám sát của QH. Nhưng thực tế thì QH chưa bao giờ thực hiện việc này. Khi có Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng có yêu cầu phải lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá hàng năm các chức danh cán bộ giữ vị trí cấp cao. Vì vậy, kỳ này QH lần đầu tiên thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, cũng chính là một bước để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm - vốn đã được hiến định trong Hiến pháp.

Lấy phiếu tín nhiệm cũng mới chỉ là một nghị quyết của QH, không phải là luật, chưa được hiến định trong Hiến pháp, nhưng đó là thí điểm, là một bước để đi tới thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp hiến định. Tức là QH thực hiện việc đã được quy định trong Hiến pháp, trong luật mà lâu nay chưa làm được. Đây là quy trình thực hiện từng bước, đi từ thấp đến cao, là thủ tục để tiến tới việc bỏ phiếu tín nhiệm. Tóm lại là lâu nay chưa làm thì giờ làm.

- Theo ông, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai sẽ có tác động thế nào đối với những chức danh lãnh đạo cao cấp?

Từ trước đến nay, QH đã thực hiện được các hình thức giám sát của mình đối với chức danh do QH bầu và phê chuẩn (qua văn bản, chất vấn, giám sát tối cao...), nhưng hình thức giám sát thông qua bỏ phiếu tín nhiệm thì chưa được thực hiện. Lần này với việc lấy phiếu tín nhiệm thì QH sẽ thực hiện trọn vẹn tất cả các hình thức giám sát của mình. Như vậy, chắc chắn đối với đối tượng chịu sự giám sát của QH thì họ sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Nếu như trước đây với các hình thức giám sát qua văn bản, chất vấn, giám sát tối cao… kể cả khi phát hiện những sai sót thì các đối tượng bị giám sát cũng chỉ dừng ở việc rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa hạn chế thì nay với việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ rất gần với thực hiện một chế tài đối với các chức danh này. Bởi thế, giá trị pháp lý của hình thức giám sát bằng lấy phiếu tín nhiệm là cao hơn, nhờ vậy người được lấy phiếu cũng sẽ có ý thức thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, họ sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong cương vị của mình. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm của chúng ta là để họ làm tốt hơn chứ không phải để vạch lá tìm sâu, để xử lý cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm là để phục vụ việc đánh giá cán bộ chính xác, khách quan nhằm tiếp tục sử dụng cán bộ trong hiện tại cũng như tương lai. Điều này cũng nhằm bảo đảm công bằng đối với cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao, vì hiện nay cán bộ công chức hàng năm đều phải chịu sự đánh giá hiệu quả công việc theo Luật Công chức viên chức.

Cần hiểu rằng, QH lấy phiếu tín nhiệm là để đánh giá cán bộ cấp cao, để có căn cứ cho việc sử dụng cán bộ. ĐBQH thay mặt cho nhân dân cả nước đánh giá cán bộ là việc rất đáng quan tâm đối với công tác sử dụng cán bộ. Những chức danh nếu có kết quả tín nhiệm cao cũng sẽ có động lực tốt để tiếp tục làm tốt phần việc của mình. Người có tín nhiệm thấp cũng sẽ có ý thức sửa chữa, khắc phục, điều chỉnh những thiếu sót của mình.

- Đối với trường hợp có tín nhiệm quá thấp thì sao thưa ông?

Trường hợp tín nhiệm quá thấp vì năng lực có vấn đề, không thể điều chỉnh được thì chúng ta cũng sẽ có căn cứ để bố trí, sắp xếp lại. Tuy nhiên tôi nghĩ, những người có tín nhiệm quá thấp thì tự thân người đó cũng phải xin rút vì rõ ràng năng lực anh không bảo đảm, có nhiều sai sót. Tín nhiệm thấp quá thì nên rút trước khi tổ chức phải áp đặt chế tài. Khi người tín nhiệm thấp quá có ý thức xin rút thì từ đây cũng sẽ mở ra văn hóa từ chức trong bộ máy công quyền ở Việt Nam. Vì vậy, xét một cách toàn diện, lấy phiếu tín nhiệm chính là việc ĐBQH thay mặt nhân dân đánh giá khách quan, toàn diện, có tính hiệu lực, pháp lý cao trong công tác đánh giá cán bộ.

- Nhưng cũng không thể tránh trường hợp do thiếu thông tin, ĐBQH không tín nhiệm đúng cán bộ?

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm cả 2 yếu tố: Thứ nhất người được tín nhiệm phải có đủ thông tin; thứ hai, ĐBQH phải có trách nhiệm đánh giá khách quan, công bằng, công tâm, trách nhiệm, có bản lĩnh, không chịu sự chi phối của bất cứ ai. Tôi cho rằng, đối với người được bỏ phiếu thì vấn đề thông tin về họ là không đáng ngại, vì hiện nay mỗi ĐBQH đều đã có trong tay báo cáo của từng người trong số 49 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Tài liệu này khá đầy đủ và được gửi tới ĐBQH 30 ngày trước khi kỳ họp khai mạc, giúp ĐBQH có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu. Ngoài tài liệu này, ĐBQH cũng được tiếp cận nguồn thông tin về các chức danh thông qua ý kiến của cử tri, của nhân dân gửi đến MTTQ, rồi thông tin qua báo chí, qua kết quả hoạt động của từng người ở các lĩnh vực được phân công… Vì thế tôi cho rằng, ĐBQH sẽ không bị thiếu thông tin đối với các chức danh được bỏ phiếu. Ủy ban Thường vụ QH cũng đã yêu cầu công tác chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm là thông tin về các vị trí chức danh phải bảo đảm toàn diện, khách quan.

- Nhiều người lo sẽ có vận động để có phiếu tín nhiệm tốt, thưa ông?

Tôi thì không lo việc vận động, vì mỗi ĐBQH đều có bản lĩnh, trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước. Ngoài ra, việc vận động cũng khó chứ không dễ, vì làm sao vận động được cả 500 ĐBQH. Vận động bỏ phiếu đôi khi còn phản tác dụng, vì sẽ bị ĐBQH nghi ngờ động cơ của người đi vận động. Vận động có thể là con dao 2 lưỡi vì ở đây chúng ta bỏ phiếu kín. Tuy nhiên, trong những trường hợp mà các chức danh muốn làm rõ những thông tin cần thiết về mình thì chúng ta cũng nên ủng hộ, nhưng phải bảo đảm công bằng, tránh tình trạng người được giải trình, người không.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2013/5/318888/