Lật tẩy chợ lộc vừng giả

(CATP) Trong khi cây cảnh lộc vừng đang từng ngày khan hiếm thì gần đây, tại phía nam đầu cầu Trà Khúc (TP. Quảng Ngãi) bày bán ngổn ngang cây lộc vừng lớn có dáng đẹp với giá rẻ mạt. Người dân đổ xô đến giành nhau mua cây lộc vừng. Nhưng sau vài ngày họ mới biết bị lừa. Đó là cây tam lan, hoặc vừng núi bị nhóm người lừa đảo chuyển thành cây lộc vừng.

Cây lộc vừng giả bày bán TAM LAN, VỪNG NÚI ĐỘI LỐT LỘC VỪNG Cây lộc vừng (còn gọi là cây mưng) có tên khoa học là barringtoria acutangula gaertn với bộ rễ dày, sum suê. Lộc vừng chỉ có ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Lộc vừng được xếp trong bộ bốn loại cây quý theo phong thủy phương Đông là: sanh - sung - tùng - lộc, hay bộ “tam đa” với ba loại cây: sung - lộc vừng - vạn tuế. Cây này thân gốc lưu niên, có tuổi thọ hàng trăm năm, hoa đỏ rực có đỉnh sinh sản vô định và dài, dễ tạo dáng thế... Xưa kia nó chỉ là loài cây tạp, không có giá trị kinh tế. Bởi tính năng chịu nước, sống khỏe, tàn lá nhiều mà cây lộc vừng thường được người dân đem trồng ở những bờ ruộng làm ranh đất và lấy bóng mát. Cây vừng cứ thế sống đời bình dị, ẩn khuất sau lũy tre làng, cho đến khi cơn sốt lộc vừng tràn về. Cây lộc vừng trổ những chùm hoa li ti như dây pháo này được người chơi cây cảnh quan niệm mang... tài lộc cho gia chủ. Nhà hàng, khách sạn chọn trồng lộc vừng trước sân nhà như biểu tượng của tài lộc thì cơn lốc săn lộc vừng với các dáng thế đẹp đã nóng lên ở các vùng quê. Các đại gia sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để có các cây thế đẹp. Khi nhu cầu về loài cây lộc vừng lên cao, những cuộc săn lùng lộc vừng cổ thụ quá mức đã đẩy loài cây này ở các tỉnh thành trong cả nước lâm vào cảnh khan hiếm. Đến lúc đó, cây lộc vừng ở các vùng quê bị lôi vào “vòng xoáy” cuộc chơi của người giàu. Nắm bắt nhu cầu chơi kiểng ngày càng phát triển, đặc biệt là sự ưa chuộng đối với lộc vừng, thời gian gần đây tại khu vực cầu Trà Khúc - TP. Quảng Ngãi, tam lan đội lốt lộc vừng được bày bán hàng loạt và người mua cũng tấp nập không kém. Với giá rất rẻ, chỉ từ 150.000 đồng - 1.000.000 đồng/cây, được bán chạy như tôm tươi. Trong khi khách hàng cứ ngỡ mình tậu được hàng thật giá rẻ, còn người bán thì dễ dàng kiếm được khá nhiều tiền từ sự cả tin của người khác. Anh Nguyễn Văn Ninh (huyện Tư Nghĩa) kể rằng, anh mua được hai cây lộc vừng rất đẹp giá 2.000.000 đồng. Vốn tính cẩn thận, anh đã kiểm tra rất kỹ trước khi mua. Nhưng mười ngày sau, cây càng ngày khô héo, các cành đều rũ xuống. Độ vài ngày sau mới biết cây đã chết từ trước. Anh Trần Văn Tâm (ở phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) cũng hứng khởi khi mua được cây lộc vừng ưng ý với giá khá “bèo”, chỉ 200.000 đồng. Thân cây to, lá xanh mướt trông rất khỏe khoắn. Nhưng rồi vài ngày sau cây lộc vừng trở thành cây củi tam lan. Anh Ngô Văn Thông ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) kể: “Gần Tết năm rồi thấy nhiều người xúm quanh gốc lộc vừng được vặt hết lá, cao khoảng 1m, rất đẹp, tôi ghé lại xem thử. Tôi nghĩ gốc này giá phải hơn một triệu đồng nhưng sau khi trả giá một lúc họ chỉ bán với giá 400.000 đồng. Tuy nhiên, một tháng sau cây bắt đầu ra lá và mấy người chuyên trồng cây kiểng cho tôi biết đây là cây tam lan chứ không phải lộc vừng”. Vốn tính cẩn thận, đã kiểm tra rất kỹ trước khi mua nhưng anh Nguyễn Tấn Trung ở thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) chột dạ sau khi nghe người bán phân bua rằng cây lộc vừng đại thụ cao gần 3m này là họ tình cờ tìm được bên bờ sông Vệ, do bão số 9 làm trơ gốc, nhưng không biết cách chăm sóc nên bán rẻ một triệu đồng để lấy lại tiền công thôi. Hai tháng sau, anh phát hiện ra không phải lộc vừng mà là cây tam lan vì lá rất to và dày. Không chỉ anh Thông, anh Trung mà còn rất nhiều người khác cũng mua nhầm tam lan, vừng núi đội lốt lộc vừng. LÀM SAO ĐỂ KHỎI LẦM? Sau khi thị sát tại khu vực bán cây lộc vừng, các nghệ nhân hoa kiểng ở thành phố Quảng Ngãi kết luận: “Đồ dỏm. Đây là tam lan và vừng núi được khai thác từ các huyện miền núi chứ làm gì còn nhiều lộc vừng vậy? Tìm một gốc đã thấy khó huống chi là vài chục gốc mà bày bán hàng loạt”. Ông Ngô Văn Tuấn - hội viên Hội sinh vật cảnh Thiên Bút (TP. Quảng Ngãi) - cho biết, có thể phân biệt lộc vừng với tam lan và vừng núi ở kiểu dáng và giá cả. Hiện nay lộc vừng rất khan hiếm vì thế giá bán phải gấp sáu lần giá hiện tại. Mặt khác, lá của cây tam lan và vừng núi có màu xanh đậm, dày và to hơn lộc vừng. Thông thường lộc vừng ba năm tuổi đã bắt đầu trổ hoa, vừng núi thì rất lâu, còn tam lan là loài cây không có hoa. Hiện nay cây cảnh có rất nhiều loại, giá cũng tùy từng tuổi thọ của cây. Những cây cổ thụ thì khỏi nói, vì giá của chúng rất đắt. Nên mua loại cây cảnh dăm ba trăm ngàn vừa đẹp lại vừa khỏe và mua ở những vườn hoa kiểng, cửa hàng cố định. Khi mua nên chú ý xem kỹ loại cây, tránh mua cây ít rễ và bị đứt rễ. Sau khi xuất hiện tình trạng đưa cây rừng lớn xuống phố bán, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tổ chức nhiều đợt truy quét, thu giữ gần 50 cây rừng giao cho Công ty TNHH môi trường đô thị Quảng Ngãi quản lý. Tuy nhiên vì lợi nhuận, các tay đào cây tam lan trên rừng vẫn tiếp tục đưa cây xuống phố bán.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=707&id=52052&mod=detnews&p=